Vợ nấu cơm, chồng rửa bát - ai đáng xấu hổ?
Có lần đến chơi nhà cô bạn - người vốn được bạn bè trầm trồ vì rất xấu gái mà có chồng đẹp trai, yêu vợ. Bước vào nhà thấy bạn đang nằm khểnh xem tivi, không thấy ông chồng đẹp trai đâu, tôi bèn hỏi: “Ủa, chồng đâu rồi?”. Cô bạn hất nhẹ đầu bình thản: “Kia kìa, đang rửa bát dưới bếp”.
Nghĩ thầm: “Trời, sao dã man quá vậy. Mình mà có ông chồng đẹp trai, yêu vợ vậy thì phục vụ cả đời”. Nghĩ vậy thôi chứ nào dám nói, chỉ hỏi: “Thế bà làm gì mà để anh ấy phải rửa bát?” - cố tình kéo dài, nhấn mạnh chữ “phải”.
Bạn cười: “Sao mà phải, tự nguyện hoàn toàn. Có phân công lao động hết rồi đấy, chứ có được ngồi chơi không đâu? Lúc trước ai là người phải lăn vào bếp, ai là người được ăn những món ăn ngon, thì bây giờ tới lượt rửa bát thì cứ tự động mà làm thôi”.
Vẫn biết bạn mình có tài nấu ăn tuyệt ngon và ông chồng đẹp trai của bạn mê mẩn những món ăn vợ nấu. Ngó anh ta mãn nguyện lau khô tay sau khi rửa bát xong, mới thấy rằng bạn mình thật giỏi nhiều thứ. Mà giỏi nhất là làm cho chồng vào bếp một cách tự nguyện, thậm chí là hạnh phúc.
Nghe chuyện ông chồng đẹp trai rửa bát cho vợ nằm khểnh xem ti vi, một cô bạn khác xinh gái nhưng lấy chồng xấu chép miệng: “Cả hai vợ chồng nhà đó đều đáng xấu hổ.
Vợ xấu hổ vì bắt chồng nhúng tay vào ba cái việc nhà tẹp nhẹp. Chồng xấu hổ vì nam nhi đại trượng phu lại cầm chổi quét nhà”. Nghe mà hoang mang quá! Chẳng lẽ đáng xấu hổ thật?
Chợt nhớ đọc ở đâu đó con số thống kê chỉ có 3% đàn ông Việt Nam thường mua sắm hàng thực phẩm, tiêu dùng tại siêu thị, trong khi ở các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan tỉ lệ này chiếm 20-30%.
Điều này cho thấy, thói quen mua sắm hàng tiêu dùng của người Việt Nam vẫn còn gắn liền với trách nhiệm cá nhân, mang nặng tính nội trợ - thứ thiên chức mà nhiều người Việt vẫn “ưu ái ” dành cho phụ nữ.
Kết quả khảo sát nhận thức của xã hội về bình đẳng giới tại TP.HCM do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thực hiện cho thấy, nhận thức về giới của người dân vẫn còn khá nặng, 72,8% người được hỏi cho rằng “nội trợ và chăm sóc thành viên gia đình là thiên chức của phụ nữ”. Đáng quan tâm hơn, có tới 75,2% ý kiến phụ nữ đồng ý với quan điểm trên, cao hơn tỉ lệ nam giới (70,2%).
Con số này cho thấy nên nghĩ một chút về phân công lao động. Liệu có thể đặt nó trong mối tương qua của bình đẳng giới không? Phân công lao động thì có liên quan gì đến bình đẳng giới? Thế mà có đấy!
Theo Tiến sĩ xã hội học Văn Thị Ngọc Lan, bất bình đẳng giới trong phân công lao động ở gia đình vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại, song chủ yếu là trong công việc nội trợ.
Để đạt được sự bình đẳng trong lĩnh vực này thì khái niệm bình đẳng giới cần được hiểu hai vợ chồng cùng tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau để có sự đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm với nhau trong các công việc gia đình.
Sự phân công lao động trong gia đình nên dựa vào khả năng của mỗi người chứ không phụ thuộc vào giới tính. Điều này có nghĩa là vợ nấu cơm, chồng rửa bát thì chẳng có ai đáng xấu hổ cả. Vì, đơn giản đó chỉ là sự chia sẻ phù hợp với hoàn cảnh gia đình giữa vợ và chồng để góp phần củng cố tổ ấm gia đình mà thôi.
Bản lĩnh đàn ông được trui rèn… trong bếp!
Xin nói ngay rằng tiêu chí này không phải do người viết nghĩ ra, mà chính các đầu bếp nam nổi tiếng thế giới như: Jamie Oliver, Gordon Ramsa, Wolfgang Puck…đã đúc kết qua bài viết mạn phép lấy làm tựa ở trên: “Muốn là đàn ông, thì hãy vào bếp!”.
Theo đó, “ăn là một trong những nhu cầu cơ bản của con người, là một trong những điều quan trọng nhất khi người ta bàn đến một cơ thể khỏe mạnh. Bởi vậy, nấu ăn chính là kỹ năng cơ bản cần có đối với bất kỳ ai muốn bước vào một cuộc sống “tự lập” khỏe mạnh.
Mà tự cổ chí kim không biết bao nhiêu anh giai từ mới mọc lông nách đến già đầu muốn chứng tỏ mình là đàn ông thông qua hai cái tiếng “tự lập” đanh thép đó, ấy vậy mà lại không biết nấu ăn, thật là đáng xấu hổ làm sao?
Cái công việc nấu ăn không chỉ đơn giản ở việc úp gói mỳ, luộc quả trứng, cắm nồi cơm điện, như thế không gọi là nấu ăn. Nấu ăn cần sự cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mọi khâu của công việc này đều đòi hỏi người làm bếp phải biết mình đang làm gì.
Chọn nguyên liệu như thế nào cho tươi, cho ngon, cho đủ lượng, không thừa, không thiếu. Chế biến nguyên liệu như thế nào để không mất vị. Thời gian nấu bao nhiêu lâu thì vừa. Lửa khi nào cần to, cần nhỏ. Gia vị nêm nếm bao nhiêu thì đủ.
Rất nhiều thứ tổng hợp khiến cho việc nấu ăn trở nên vừa phức tạp nhưng cũng không kém phần thú vị. Nấu ăn nhiều và thường xuyên sẽ rèn luyện kỹ năng tính toán, xử lý của bạn, những thứ không thể thiếu trong xã hội có vận tốc nhanh như ngựa hiện nay.
Nấu ăn là sẻ chia, quan tâm, là thể hiện sự chân thành. Ta nấu cho mình bởi ta hiểu bản thân mình nhất, nhưng ta nấu cho người khác thì lại đòi hỏi phải hiểu người khác như thế nào. Sự quan tâm về ăn uống là sự quan tâm rất thực tiễn, bởi đơn giản như trên đã nói, ăn liên quan trực tiếp đến sức khỏe.
Khi là người đứng bếp trong nhà, bạn sẽ phải biết người nào ăn được cái gì, dị ứng cái gì, chế độ ăn uống ra sao để có thể có một menu phù hợp nhất. Khi nấu để người trong gia đình ăn ngon, đó là cái tâm mà một con người trưởng thành về nhân cách cần có…”.
… Những ai đã và đang nghĩ rằng đàn ông làm việc nhà, vào bếp là hèn người đi, thì xin hãy nhìn vào con số thống kê tài sản những đầu bếp nam giàu nhất thế giới năm 2014 mà nghĩ lại!:
Jamie Oliver có tài sản 250 triệu USD; Gordon Ramsay có tài sản 80 triệu USD; Wolfgang Puck có tài sản 75 triệu USD; Emeril Lagasse có tài sản 50 triệu USD; Mario Batali có tài sản 25 triệu USD); Nobu Matsuhisa có tài sản 20 triệu USD; Tom Colicchio có tài sản 20 triệu USD…