Vấn nạn xả súng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nước Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cá nhân cao nhất thế giới, dẫn đến số vụ xả súng cũng ở mức cao.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nước Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cá nhân cao nhất thế giới, dẫn đến số vụ xả súng cũng ở mức cao mà mới nhất là vụ ở Lewiston tối 25/10, làm ít nhất 22 người chết.

Thủ phạm vụ xả súng ở Lewiston, bang Maine, là Robert Card, một chuyên gia được cấp phép hướng dẫn sử dụng súng và là thành viên lực lượng dự bị quân đội Mỹ.

Đây là tay súng chuyên nghiệp chứ không phải nghiệp dư như nhiều vụ xả súng trước đó. Thành phố nhỏ Lewiston với số dân hơn 38.000 người cũng từng được xem là một trong những thành phố an toàn nhất nước Mỹ.

Theo dữ liệu của trang chuyên theo dõi bạo lực súng đạn tại Mỹ là Gun Violence Archive, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 26/10, nước này xảy ra 565 vụ xả súng và có hơn 35.000 người thiệt mạng cùng hơn 30.000 người bị thương liên quan đến bạo lực súng đạn.

Theo thống kê, Mỹ là quốc gia có số dân sở hữu súng lớn nhất thế giới khi số súng lưu hành cao hơn cả dân số, cứ 100 người dân thì có khoảng 120 khẩu súng. Sự phổ biến của súng khiến các vụ bạo lực liên quan đến loại vũ khí này len lỏi vào mọi nơi và các vụ xả súng có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ cửa hàng tạp hóa, trung tâm mua sắm, trường học, nhà thờ… Đồng thời xả súng có thể xảy ra ở mọi thành phố, ngay cả nơi được coi là an toàn như thành phố Lewiston.

Động cơ của các vụ xả súng tại Mỹ cũng đa dạng như các chủng loại súng được người dân sở hữu, từ thù hận cá nhân, mắc bệnh tâm thần, mâu thuẫn gia đình đến các vụ cãi vã thông thường trong cuộc sống.

Lý do sở hữu súng của người dân Mỹ cũng đa dạng như vậy, trong đó theo thống kê của hãng Vox News, lý do quan trọng nhất là tự vệ, tiếp theo là săn bắn, giải trí, sưu tập và những đặc thù công việc.

Còn theo thống kê của tờ The Hill, tính từ năm 2020 - 2022, người dân Mỹ đã mua gần 60 triệu khẩu súng với khoảng 1/5 số hộ gia đình nước này đã mua ít nhất một khẩu súng. Doanh số bán súng tại Mỹ trong những năm gần đây cũng cao gấp đôi so với thời điểm 20 năm trước.

Vấn nạn bạo lực súng đạn đã khiến chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc phe Dân chủ phải hối thúc các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội ủng hộ dự luật cấm các loại vũ khí tấn công và băng đạn có dung lượng lớn, hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, nỗ lực này đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển khi không ít thành viên đảng Cộng hòa giữ quan điểm cho rằng việc hạn chế súng đạn là “điều vô ích”.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott thuộc phe Cộng hòa lập luận rằng, dù ở các bang ủng hộ đảng Cộng hòa có các quy định súng đạn lỏng lẻo hay các bang ủng hộ đảng Dân chủ có chủ trương kiểm soát súng chặt chẽ thì các vụ xả súng đều gia tăng như nhau. Theo ông, nguyên nhân căn bản của các vụ xả súng là do sức khỏe tâm thần của người mua súng gây ra.

Theo giới phân tích, sự phân cực quan điểm của đảng phái và sự cản trở của các nhóm lợi ích khiến việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ là khó khả thi. Đặc biệt là sau một thời gian dài, vấn đề súng đạn đã ăn sâu vào nền chính trị, văn hóa và luật pháp Mỹ khiến việc thay đổi khó có thể được thực hiện một sớm một chiều. Điều này đồng nghĩa bạo lực súng đạn sẽ vẫn là điều bình thường tại quốc gia sở hữu súng tư nhân hàng đầu thế giới này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.