Mỹ vẫn bế tắc trước bạo lực súng đạn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo thống kê hồi năm 2020, súng - vượt qua tai nạn xe hơi - là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm 4/7, nhân dịp kỷ niệm 247 năm Quốc khánh Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi áp đặt lệnh cấm bán các loại vũ khí tấn công và băng đạn dung lượng lớn trên toàn quốc.

Các vụ xả súng hàng loạt đã trở thành một thực tế trong văn hóa Mỹ. Nó diễn ra xuyên suốt lịch sử nước này nhưng ngày càng trở nên nhức nhối khi công nghệ súng mới khiến mức độ mất an toàn và tần suất các vụ xả súng gia tăng.

Theo thống kê hồi năm 2020, súng - vượt qua tai nạn xe hơi - là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính, năm 2021, gần 3.600 trẻ em thiệt mạng trong các vụ việc liên quan đến súng. Tại trường học, trẻ em và giáo viên Mỹ được diễn tập đối phó với các vụ xả súng – vốn là chương trình học hiếm gặp trên thế giới.

Bạo lực súng đạn không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân Mỹ, mà còn làm trầm trọng sự bất bình đẳng đã bám rễ từ lâu trong lịch sử nước này. Trong đó, trẻ em da màu phải đối mặt với bạo lực súng đạn cao hơn bạn bè da trắng trong khu phố và trường học. Các em lớn lên trong nỗi sợ hãi thường trực và tự hỏi bao giờ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo của vòng luẩn quẩn này.

Bất chấp hàng trăm vụ xả súng diễn ra mỗi năm, Mỹ vẫn không thể thông qua luật kiểm soát súng đạn. Hồi tháng 6/2022, Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật Cộng đồng an toàn hơn (Safer Commnunities Act) chỉ một tháng sau khi xảy ra vụ xả súng làm 19 học sinh và 2 giáo viên ở trường tiểu học tại Uvalde, bang Texas thiệt mạng. Đây là dự luật quan trọng về kiểm soát súng đạn đầu tiên sau 3 thập niên được Quốc hội Mỹ thông qua.

Tuy nhiên, đạo luật chưa có những biện pháp kiểm soát toàn diện mà Đảng Dân chủ mong muốn như cấm bán băng đạn dung lượng lớn, nâng độ tuổi được mua súng trường tấn công... Sau đạo luật, số lượng các vụ xả súng hàng loạt vẫn không ngừng gia tăng, chứng tỏ nước Mỹ cần mạnh tay hơn nữa để tìm giải pháp ngăn chặn bạo lực.

Trên thực tế, việc ngăn chặn bạo lực súng đạn tại Mỹ đang được thực hiện ở quy mô cấp bang, chưa có sự thống nhất từ chính phủ. Một số bang đang hành động quyết liệt chống lại bạo lực súng đạn có thể kể đến như Illionis – nơi từng xảy ra vụ xả súng nhằm vào đoàn diễu hành trong dịp Quốc khánh Mỹ năm ngoái, New York, Chicago...

Với ngân sách ổn định trong những năm gần đây, cảnh sát bang Illinois đã xây dựng lại và bổ sung hệ thống an toàn vũ khí để tìm và xác định mối tương quan giữa tiền sử phạm tội và hồ sơ sức khỏe tâm thần của những người sở hữu súng hay những người có tiềm năng sở hữu súng thông qua mua bán, cướp giật...

Bang này cũng thông qua Đạo luật Cấm sử dụng súng, cho phép các thành viên gia đình và cơ quan thực thi pháp luật xin lệnh của tòa án để ngăn chặn một cá nhân có nguy cơ làm hại bản thân hoặc người khác cơ hội tiếp cận và sở hữu súng.

Còn trên quy mô toàn quốc, người dân, các nhà lập pháp Mỹ có quan điểm khác nhau về súng đạn. Trong những người sở hữu súng, nhiều người không đồng tình cấm buôn bán vũ khí vì họ không cảm thấy an toàn nếu không được sở hữu súng và cũng không yên tâm rằng luật sẽ giúp giảm nguy cơ các vụ xả súng hàng loạt. Ở hướng ngược lại, những người không sở hữu súng tin rằng súng rất nguy hiểm và ủng hộ việc cấm mua bán vũ khí.

Tương tự, nếu như Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden muốn siết chặt biện pháp quản lý súng đạn thì hầu hết thành viên Đảng Cộng hòa lại phản đối cách làm này. Bạo lực súng đạn luôn là vấn đề chính trị nóng tại Mỹ. Từ nay cho đến khi nước Mỹ có thể ngăn chặn tình trạng này, các vụ xả súng hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra và người dân phải tìm cách “sống chung với lũ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ