Văn mẫu: Những chuyện bi hài từ copy-paste

GD&TĐ - Có những bài văn của học sinh nhận được lời phê từ giáo viên: Bài của em giống bạn A,B,C. Bài làm văn được “nhân bản” do nhiều em cùng tham khảo một nguồn tài liệu, học thêm cùng chỗ… là chuyện không phải hiếm.

Một giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Ảnh do nhà trường cung cấp
Một giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Ảnh do nhà trường cung cấp

Chỉ cần đề nhắc đến tác phẩm nào, học sinh sẽ tìm đến văn mẫu và chép nguyên văn, không cần biết có phù hợp với câu lệnh của đề bài hay không. 

Nhà em có nuôi một ông nội...

Trong chương trình Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống có bài viết Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em. Cô giáo ở Trường THCS ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) kể: “Một số học sinh do ảnh hưởng văn mẫu nên không có sự thống nhất trong xưng hô, ở đoạn trên của bài thì xưng “tôi”, những câu sau đó lại xưng “em”, rồi “mình”.

Thậm chí, có em viết bài văn dài đúng 6 dòng. Mở bài kể vào mùa hè, em được bố mẹ dẫn đi chơi công viên. Công viên có nhiều trò chơi hấp dẫn như vòng quay mặt trời, đu quay, nhà phao... Nhưng em thích nhất là trò chơi đu quay. Khi chơi xong, mẹ em mua cho em cây xúc xích rất là to. Em rất thích chơi công viên. Ước gì nhà em ở gần công viên”.  Cô giáo này nhận xét, bài văn này, đúng chuẩn một bài văn mẫu của học sinh bậc tiểu học.

Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: “Hầu hết trường tiểu học đều hướng đến chuyên môn hóa trong phân công giáo viên đứng lớp. Có giáo viên chỉ dạy chương trình lớp 5. Nếu có xáo trộn đội ngũ cũng chỉ từ khối 5 xuống khối 4; rất ít trường hợp đảo lớp xuống khối 1. Điều này có mặt tốt là giáo viên chuyên sâu, nắm bắt được kiến thức trọng tâm và có kinh nghiệm rèn kỹ năng viết cho học sinh. Nhưng mặt khác, học sinh dễ đi vào khuôn mẫu có sẵn khi học môn Tiếng Việt”.

Điển hình, để tả con vật, học sinh phải so sánh các bộ phận như đầu, tai, mũi, đuôi giống cái gì, to bằng gì. Nên mới có chuyện tả con lợn nặng 20kg, to bằng cái phích uống nước. Thậm chí có chuyện cười ra nước mắt như nhà em có nuôi một ông nội, nhà em có nuôi một em bé. Một bài văn đúng chuẩn văn mẫu, phần cuối bài, học sinh phải nói lên cảm nghĩ của mình như “em hứa sẽ chăm ngoan học giỏi để vui lòng (ba mẹ, thầy cô, ông bà...) hoặc em rất yêu quý, em cảm ơn...”. Có em đã viết rằng, em cảm ơn con mèo vì đã cho em bế, cảm ơn mẹ vì đã cho em ăn ngon... 

Đề tài tham gia hội thi Khoa học kỹ thuật của học sinh Trường THPT Trần Phú liên quan đến môn Ngữ văn.
Đề tài tham gia hội thi Khoa học kỹ thuật của học sinh Trường THPT Trần Phú liên quan đến môn Ngữ văn.

Nếu không viết được thì tra Google

Tham gia chấm thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cô V.T.M.L ở TP Hồ Chí Minh kể: “Đề ra chỉ yêu cầu phân tích 3 đoạn thơ trong bài Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, từ đoạn thứ 3-5 thế nhưng có những em phân tích luôn cả hai khổ thơ đầu. Đọc bài làm là biết các em học thuộc văn mẫu, thuộc đến đâu chép đến đó và lược đi những chỗ quan trọng nhất vì không kịp giờ.

Nhiều thí sinh nhầm lẫn, gọi nhà thơ Xuân Quỳnh là ông nhưng vẫn còn phân tích được một vài ý trong đoạn trích. Nhưng có những trường hợp hy hữu đến mức đề ra một đằng, các em làm một nẻo: Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt. học sinh biết lạc đề nhưng vẫn ngồi viết, học thuộc được gì thì viết luôn ra giấy. Có em để trống, không làm phần nghị luận văn học”.

Cô V.T.M.L khẳng định, đây là hậu quả của việc học tủ, học thuộc văn mẫu nhưng bị “trật tủ”, “tủ đè”. Phụ thuộc quá nhiều vào văn mẫu, chỉ học thuộc “vỏ ngôn ngữ” nhưng không có kỹ năng phân tích và diễn đạt nên khi bị lệch tủ, các em  thường nộp giấy trắng hoặc viết lung tung cho khỏi ngồi chơi không trong giờ thi. Năm nay, TP Hồ Chí Minh có một thí sinh nhận điểm 0 ở môn Ngữ văn vì không làm bài mà chép lại đề thi 3 lần.

Thầy Nguyễn Đình Hòa – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) kể: Có lần bắt gặp học sinh chép tài liệu văn mẫu dài 8 trang A4, cỡ chữ 12, phân tích tác phẩm Chí Phèo. Tôi hỏi: “Em chép hết là mấy trang”. Em này trả lời là cỡ 16 trang. Em cũng thừa nhận là nếu làm bài bình thường thì 2 tiết học, em chỉ viết cỡ 6 trang giấy.

Có nhiều học sinh lệ thuộc văn mẫu đến mức cứ có nhắc đến tác phẩm nào thì tìm những bài phân tích sẵn rồi chép chứ không quan tâm đến câu lệnh của đề bài, cũng không đọc thử nội dung. Những bài làm này, đều nhận được lời phê “không bám sát yêu cầu của đề” hay nặng hơn là “lạc đề” và không thể vượt quá điểm trung bình.

Học thuộc văn mẫu rồi chép, thế nên khi phân tích tác phẩm Vợ nhặt vẫn đưa chi tiết mua hai hào dầu vào bài. Hay khi phân tích Người lái đò sông Đà vẫn nhắc đến cánh tay trai tráng của người lái đò. Những chi tiết này, sách giáo khoa đã lược bỏ. Chấm bài kiểm tra đánh giá thường xuyên của học sinh, chỉ cần giáo viên lên Google tra vài dòng hay nhất trong bài làm là truy được nguồn tham khảo. giáo viên đành ghi vào ô lời phê: Chép từ trang: http...

Văn mẫu vẫn có đất tồn tại cho dù đề thi môn Ngữ văn đã có nhiều đổi mới theo hướng kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức của học sinh nhằm đánh giá mức độ phát triển năng lực toàn diện. Theo phân tích của nhiều giáo viên Ngữ văn, ngoài việc học sinh không có động cơ học tập đúng đắn, còn xuất phát từ tình trạng nhiều tác phẩm ở nhà trường phổ thông không còn phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh, không đủ sức hấp dẫn các em.

“Ở lứa tuổi học sinh phổ thông, không nên dạy nặng về lý luận văn học. Chỉ cần tác phẩm gần gũi với học sinh, khơi dậy tình cảm tốt đẹp là có thể đưa vào sách giáo khoa để dạy học. Nghĩa là khi đọc tác phẩm, các em thấy mình ở đó. Khi cảm nhận tác phẩm, học sinh được nói cảm xúc thật của mình chứ không cần phải vay mượn – một giáo viên dạy Ngữ văn ở Đà Nẵng gợi ý.

“Học sinh sử dụng văn mẫu còn do một số giáo viên có yêu cầu cao về nội dung, nghệ thuật, lý luận văn học... Đây là những yêu cầu quá sức với một học sinh bình thường, không theo chuyên Văn. Thậm chí, có giáo viên còn áp đặt cách hiểu, cách cảm của mình lên học sinh” – thầy Nguyễn Đình Hòa phân tích. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ