Tại phiên làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra mới đây, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cách xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho hơn 200 nghìn lao động bị doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Lý do là bởi tính đến hết tháng 9/2022, số tiền doanh nghiệp chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu.
Chỉ riêng trong giai đoạn 2018 - 2022, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng không có vụ việc nào bị xử lý; hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài.
Vấn đề này cũng đã được phản ánh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội diễn ra hồi tháng 9/2022. Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan BHXH, tính đến cuối năm 2021, tổng số nợ BHXH bắt buộc là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó 80% là doanh nghiệp ngoài quốc doanh; gần 30 nghìn doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, nợ tồn nhiều năm, với số tiền hơn 3.200 tỷ đồng rất khó đòi.
Nguyên nhân rất khó đòi được cho bởi xác định hành vi trốn đóng. Doanh nghiệp có lý do như chưa đóng, chậm đóng hoặc nợ chứ không phải trốn. Do đó, theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, khi sửa Luật Bảo hiểm cần có thêm các điều khoản về xử lý nợ xấu và làm rõ hơn các hành vi chậm đóng, trốn đóng, nợ kéo dài vì từ ngữ chưa rõ dẫn đến việc khi cơ quan điều tra đến làm việc với doanh nghiệp nợ bảo hiểm khó xác định được hành vi vì doanh nghiệp trả lời rằng khi có tiền sẽ đóng chứ không trốn.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lại cho rằng, Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự về các tội danh trốn đóng, gian lận, nợ BHXH giải thích rất rõ từ ngữ còn nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Nghị quyết cũng đã xác định cơ quan BHXH là bên bị hại nên có quyền đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố...
Như vậy có thể thấy, vấn đề mấu chốt hiện nay để xử lý tình trạng nợ, trốn đóng BHXH là xác định hành vi. Tiếp đó là hướng giải quyết như thế nào vì với các loại thuế, Nhà nước xóa hoặc miễn nhưng BHXH là tiền của người lao động nên phải tính toán. Bên cạnh đó trong quá trình xử lý phải bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người đóng.
Và theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thì mục tiêu cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 phải có một vài vụ nợ BHXH bị khởi tố, đưa tòa xét xử nhằm giúp thu hồi nợ, bảo đảm quyền lợi người lao động và răn đe những trường hợp khác.
Tuy nhiên, vấn đề có thể không nằm ở việc xử lý một vài “vụ việc điểm” mà quan trọng vẫn là giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Đồng thời có chế tài, giải pháp mạnh và hiệu quả hơn để doanh nghiệp tự nguyện, tự giác thực hiện, từ đó giải quyết dứt điểm tình trạng này.