Nghệ An 'bêu tên' hàng loạt doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội

GD&TĐ - Trong số 3.677 đơn vị ở Nghệ An đang nợ BHXH, có 10 doanh nghiệp nợ nhiều nhất với tổng số tiền hơn 85 tỷ đồng.

Không chỉ nợ tiền BHXH, Giám đốc Công ty CP 482 còn từng bị Cục Thuế Nghệ An tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế.
Không chỉ nợ tiền BHXH, Giám đốc Công ty CP 482 còn từng bị Cục Thuế Nghệ An tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế.

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh có 3.677 đơn vị đang nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) và lãi chậm đóng với tổng số tiền gần 297 tỷ đồng.

Trong đó, 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm nhiều nhất với số tiền lên tới hơn 85 tỷ đồng, bao gồm: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24 (trụ sở tại xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) nợ hơn 21,3 tỷ đồng; Công ty CP 482 (trụ sở tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh) nợ hơn 16,5 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng thủy lợi I (trụ sở tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh) nợ hơn 9,6 tỷ đồng; Công ty CP Nam Thuận Nghệ An (trụ sở tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) nợ hơn 9,1 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng và Thương mại 423 (trụ sở tại phường Quang Trung, TP Vinh) nợ gần 7,5 tỷ đồng.

Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An (trụ sở tại phường Hưng Bình, TP Vinh) nợ hơn 5,6 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9 (trụ sở tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh) nợ gần 4,4 tỷ đồng; Công ty CP 479 Hòa Bình (trụ sở tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội) nợ hơn 4 tỷ đồng; Công ty CP 422 (trụ sở tại phường Quang Trung, TP Vinh) nợ hơn 3,7 tỷ đồng; Công ty CP Nạo vét và Xây dựng đường biển 2 (trụ sở tại phường Hưng Bình, TP Vinh) nợ hơn 3,5 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty CP đầu tư và xây dựng 24.
Trụ sở Công ty CP đầu tư và xây dựng 24.

Theo BHXH Nghệ An, nợ đọng BHXH hiện nay đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tình trạng nợ đọng kéo dài cũng đã gây ảnh hưởng đến chính sự phát triển, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách theo quy định, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, sẽ dần dần tự rời bỏ để tìm đến những doanh nghiệp tốt hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động, phải tuyển lao động mới, tốn kém thêm nhiều chi phí để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự, người đứng đầu doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Hiện nay, BHXH tỉnh Nghệ An đang có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Công an, Tòa án, Thi hành án xử lý nghiêm các đơn vị cố tình trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, chiếm dụng tiền đóng của người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.