Văn học trung đại Việt Nam: Thấy gì từ hiện tượng sáng tác song ngữ?

GD&TĐ -Trong quá trình hình thành và phát triển của Văn học trung đại Việt Nam có một đặc điểm quan trọng nhưng từ trước tới nay còn được ít nhà nghiên cứu quan tâm đến, đó là hiện tượng sáng tác song ngữ (Hán - Nôm). Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hiện tượng này rất phổ biến từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến…

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Thời điểm xuất hiện

Hiện tượng sáng tác song ngữ trong Văn học trung đại Việt Nam ra đời chắc chắn phải từ khi chữ Nôm đã được phổ biến, tức khoảng nửa sau thế kỷ XIII, với sáng tác của Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, hiện tượng song ngữ đã xuất hiện ngay trong cùng một tác phẩm chẳng hạn các bài phú Cư trần lạc đạo, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.

Ở cả hai bài phú này, Trần Nhân Tông cơ bản viết bằng chữ Nôm nhưng có các câu kệ ở cuối bài lại viết bằng chữ Hán. Sang các thế kỷ sau trở đi hiện tượng này ngày càng phổ biến với những tác gia tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du…

Như vậy, ở các tác giả này chữ Hán và chữ Nôm được song song sử dụng, việc sáng tác cả bằng chữ Hán và chữ Nôm cho thấy ứng xử của các nhà Nho với hai kiểu văn tự, hai lối hành xử trong công việc: Một mặt dùng chữ Hán như ngôn ngữ chính thức, hành chính, nghiêm trang, mặt khác dùng chữ Nôm với tinh thần dân tộc, ý thức văn hóa dân tộc cũng như tiếp thu và Việt hóa các yếu tố văn học từ nước ngoài vào.

Nhìn từ tác gia Nguyễn Khuyến

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) là một trong những tác gia tiêu biểu ở nửa cuối thế kỷ XIX, cũng là một trong những tác gia kết thúc của giai đoạn Văn học trung đại Việt Nam.

Như vậy, đến Nguyễn Khuyến, hiện tượng sáng tác song ngữ đã diễn ra ít nhất năm thế kỷ, việc sử dụng chữ Nôm đã trở nên phổ biến, thuần thục. Bên cạnh đó, chữ Hán vốn là văn tự để thi cử nên chắc chắn đã được Nguyễn Khuyến học hành một cách bài bản ngay từ nhỏ với những bài văn sách và qua các lần thi, điều đó mới giúp Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả ba kỳ thi một cách xuất chúng.

Như các nhà nghiên cứu trước đây đã thống nhất, Nguyễn Khuyến nổi tiếng trong văn học là về thơ Nôm, nhất là mảng thơ viết về làng cảnh, ông cũng được tôn vinh là Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam.

Tuy nhiên bên cạnh đó, những sáng tác chữ Hán của Nguyễn Khuyến cũng rất có giá trị, điều đáng lưu ý là rất nhiều sáng tác chữ Hán đã được chính Tam Nguyên Yên Đổ dịch ra chữ Nôm và nhiều người đọc đã quá quen thuộc với áng thơ Nôm của Nguyến Khuyến mà ít người biết rằng nó vốn là những bài thơ chữ Hán.

Qua khảo sát sáng tác của Nguyễn Khuyến, chúng tôi nhận thấy có hàng chục tác phẩm như vậy, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi xin điểm lại một số tác phẩm tiêu biểu trong số ấy như: Di chúc văn, Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư cùng một số bài thơ khác.

Di chúc văn - Bản di chúc có giá trị văn học sâu sắc

Trong bản di chúc này, chúng ta nhận thấy một nhân cách cao cả, đặc biệt việc dặn con lo chuyện hậu sự cho mình một cách đơn giản, tránh phô trương hình thức và lãng phí không cần thiết đồng thời cũng thấy tâm sự thời thế của Nguyễn Khuyến khi cáo quan về hưu trí vườn Bùi.

Lời di chúc ngắn gọn nhưng hàm chứa bao điều về nhân cách của một bậc đại quan, đặc biệt không muốn con cháu tổ chức tang lễ linh đình, tốn kém rồi để nợ cho người sống.

Tử táng vật yêm cửu.

Tử hạnh đắc toàn quy,

Táng hạnh đắc thân phụ.

Quan khâm bất khả mỹ,

Chỉ dĩ liễm túc thủ.

Cụ soạn bất khả phong,

Chỉ dĩ đáp bôn tẩu.

Bất khả tả chúc văn,

Bất khả vi đối cú.

Bất khả thiết minh tinh,

Bất khả đề thần chủ.

Bất khả đạt môn sinh,

Bất khả phó liêu hữu.

Tân khách bất khả chiêu,

Phúng điếu bất khả thụ.

Thử giai luỵ ư sinh,

Tử giả diệc hề hữu.

…………………….

Viên đề mỗ thạch bi,

Hoàng nguyễn cố hưu tẩu.

(Di chúc văn)

Dịch thơ:

Sống được tiếng trên đời trọn vẹn,

Chết lại gần quê quán hương thôn.

Mới hay trăm sự vuông tròn,

Ăn chơi đã trải chết chôn chớ hề.

Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt,

Kín chân tay đầu gót thì thôi;

Cỗ đừng hậu lắm con ơi,

Hễ ai chạy lại khuyên mời người ăn.

Tế đừng có viết văn mà đọc,

Đối trướng đừng gấm vóc làm chi;

Minh tinh con cũng bỏ đi,

Mời quan đề chủ con thì chớ nên.

Môn sinh chẳng tống tiền đạt giấy,

Bạn với thầy cũng vậy mà thôi;

Khách con con chớ khuyên mời,

Lễ đưa điếu phúng con thời chớ thu.

Ấy chẳng qua bận cho người sống,

Chết đi rồi còn ngóng vào đâu;

………………………………..

Đề vào mấy chữ trong bia,

Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.

Lời dặn cuối bản di chúc càng làm ngời sáng nhân cách của Nguyễn Khuyến, đó cũng là nỗi niềm tâm sự của một người “bó tay bất lực” trước thời cuộc cũng như cảm thấy “Sách vở ích gì cho buổi ấy”.

Sau khi triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước Pa-tơ-nốt thừa nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến cũng lấy cớ mắt kém để cáo quan về ẩn dật nhưng luôn trong tâm trạng u hoài trước thực trạng đất nước.

“Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư” - Một tình bạn cao đẹp

Điều đáng lưu ý ở các tác giả có sáng tác song ngữ, chúng tôi nhận thấy phần lớn những sáng tác mang tính hành chính quan phương thường viết bằng chữ Hán (Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập…) còn những sáng tác mang tính thơ ca, nghệ thuật thường sáng tác bằng chữ Nôm (Quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Truyện Kiều…).

Trong sự nghiệp thơ văn Nguyễn Khuyến, tình bạn chiếm một phần không nhỏ trong đó có khá nhiều thi phẩm quen thuộc được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông từ trước tới nay như Bạn đến chơi nhà, Hỏi thăm bác Châu Cầu, Khóc Dương Khuê… Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là đôi bạn thân thiết từ khi cùng đỗ đại khoa và chung hoạn lộ, sau sự kiện 1884, Nguyễn Khuyến cáo quan về ẩn dật còn Dương Khuê tiếp tục con đường làm quan với chế độ thực dân.

Mặc dù hai người lựa chọn hai cách hành xử khác nhau, lập trường chính trị khác nhau nhưng về tình bạn giữa hai người lại rất gắn bó, thủy chung.

Năm 1902, Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến làm bài thơ khóc bạn bằng chữ Hán với nhan đề Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư, sau đó chính tác giả lại dịch ra chữ Nôm và bản chữ Nôm trở thành phổ biến hơn cả. Những dòng thơ mở đầu đã khá quen thuộc với bao thế hệ bạn đọc qua bản chữ Nôm như tiếng nấc nghẹn ngào:

Dĩ hĩ Dương đại niên,

Vân thụ tâm huyền huyền.

Nguyễn Khuyến tự dịch:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Sau hai câu mở đầu, Nguyễn Khuyến dành phần lớn bài thơ nhắc lại những kỷ niệm gắn bó giữa hai người như cùng đỗ đạt, cùng chung hoạn nạn, cùng chơi bời, ca hát, xướng họa tâm đầu ý hợp.

Kỷ niệm gần nhất là đôi bạn gặp nhau cách đây ba năm, cầm tay nhau mừng mừng, tủi tủi khi thấy cả hai đều mạnh khỏe, tinh thần minh mẫn. Thế nhưng bỗng nghe tin bạn mất, mọi thú vui trở nên vô nghĩa, cảm giác hụt hẫng, trống vắng đến khôn cùng. Những câu thơ viết về nỗi đau mất mát ấy nói không nước mắt mà kì thực lại đầm đìa nước mắt:

Hốt văn công phó chí,

Kinh khởi hoàng hoàng nhiên.

Dư khởi bất yếm thế,

Nhi công tranh thượng tiên.

Hữu tửu vi thuỳ mãi,

Bất mãi phi vô tiền.

Hữu thi vi thuỳ tả,

Bất tả vi vô tiên.

Trần Phồn tháp bất hạ,

Bá Nha cầm diệc nhiên.

Công ký khí dư khứ,

Dư diệc bất công liên.

Lão nhân khốc vô lệ,

Hà tất cưỡng nhi liên.

(Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư)

Tác giả tự dịch:

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Vội vàng sao đã mải lên tiên;

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa;

Giường kia treo những hững hờ,

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

(Khóc Dương Khuê)

Có khi là những vần thơ mang đầy tâm trạng của thi nhân trong nỗi niềm cô quạnh, điều đó cũng được tác giả tự dịch trong bài thơ Ký hữu với những câu thơ mang tâm trạng u uẩn:

Giang san thác lạc tri hà tại,

Bằng bối điêu linh thục dữ quần?

Loạn thế hành tàng như độc hạc,

Lão lai hình ảnh tự cô vân.

(Ký hữu)

Tác giả tự dịch:

Nước non man mác về đâu tá?

Bè bạn lơ thơ sót mất người.

Đời loạn đi về như hạc độc,

Tuổi già hình bóng tựa mây côi.

(Cảm hứng)

Bên cạnh những vần thơ trữ tình sâu sắc, Nguyễn Khuyến còn để lại mảng thơ trào phúng cũng rất thâm thúy. Tìm hiểu những bài thơ này chúng ta thấy sự uyên thâm, hay chữ của một bậc đại Nho. Có khi là tiếng cười lặng lẽ mà không kém phần thâm thúy, sâu cay.

Đem tặng hoa trà (có sắc không hương) cho cụ Nguyễn Khuyến kém mắt hẳn là có ý “xỏ xiên” như cụ dự đoán, ngay lập tức cụ vận dụng thành ngữ “ba que xỏ lá” để đáp lại với câu thơ có vẻ tự nhiên: Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá. Toàn văn bài thơ như sau:

Sơn trà

Xuân lai khách tặng ngã sơn trà,

Tuý lý mông lung bất biện hoa.

Bạch phát thương nhan, ngô lão hĩ,

Hồng bào kim đới, tử chân da?

Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp,

Tiêu sắt thần phong oán lạc già.

Cận nhật tương khan duy dĩ tỵ,

Liễu vô hương khí nhất kha kha!

Nguyễn Khuyến cũng tự dịch:

Tạ lại người cho hoa trà

Tết đến người cho một chậu trà

Đương say còn biết cóc đâu hoa!

Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ,

Áo tía đai vàng, bác đó a?

Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá

Gió to luống sợ lúc rơi già!

Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,

Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà!

Trên đây là một vài khảo sát bước đầu của chúng tôi về một hiện tượng rất đặc biệt trong quá trình sáng tác song ngữ ở một tác gia tiêu biểu cuối thế kỷ XIX.

Tìm hiểu về hiện tượng sáng tác song ngữ trong văn học trung đại sẽ giúp giáo viên, học sinh có những cách hiểu kĩ hơn về tác phẩm để thấy hết cái hay, cái đẹp của văn chương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.