“Gánh hát” song ngữ: Lưu giữ truyền thống

GD&TĐ - “Gánh hát lưu diễn muôn phương”, một artbook song ngữ Việt – Anh được thực hiện bởi những người trẻ, nhằm lưu giữ nghệ thuật truyền thống.

“Gánh hát lưu diễn muôn phương” là một artbook song ngữ Việt – Anh.
“Gánh hát lưu diễn muôn phương” là một artbook song ngữ Việt – Anh.

Sau một thời gian tìm hiểu trải nghiệm, Hồ Phương Thảo cùng nhóm bạn trẻ như Ngô Mỹ Triều Giang, Nguyễn Hoàng Tấn đã giới thiệu 30 loại hình nghệ thuật diễn xướng và 6 lễ hội dân gian Việt Nam.

Nhằm lưu giữ các giá trị truyền thống, nhóm tác giả trẻ còn giới thiệu một số loại hình nghệ thuật được liệt vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp vì không được thực hành thường xuyên, và ít được khán giả đại chúng quan tâm như: Ca trù, hát dô, hát đúm, hát then…

Nhật ký cá nhân thành dự án văn hoá

Hồ Phương Thảo – tác giả nội dung cho biết, mỗi lần được thưởng thức một vở diễn, một loại hình nghệ thuật diễn xướng hoặc lễ hội dân gian, cô cảm nhận được nhiệt huyết của từng diễn viên với vai diễn, cảm thấy được cùng sống, cùng yêu - ghét với chính nhân vật được hóa thân.

Đó chính là lý do mà Thảo cùng các bạn trẻ bắt tay vào thực hiện dự án để cho ra mắt cuốn sách song ngữ “Gánh hát lưu diễn muôn phương”. Nhóm tác giả trẻ mong góp một chút công sức để giới thiệu đến nhiều người hơn, về những loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian đầy màu sắc, mang đậm văn hóa Việt Nam.

Hồ Phương Thảo nói rằng, ý tưởng ban đầu chỉ đơn giản là cuốn nhật ký cá nhân ghi chép về những diễn xướng nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, sau khi cô gái sinh năm 1992 này kết nối với hoạ sĩ Nguyễn Hoàng Tấn (sinh năm 1997) thì đã nảy ý định phát triển thành một dự án.

“Từ khi bắt đầu dự án, nhóm đã chọn dịp giỗ tổ Sân khấu (12/8 âm lịch) làm ngày ra mắt cũng như bật mí những thông tin đặc biệt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên mọi việc không theo dự liệu”, Hồ Phương Thảo cho biết.

Nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian truyền thống ở Việt Nam vô cùng đa dạng, được duy trì và phát triển bởi các dân tộc ở các vùng đất trải dài từ Bắc vào Nam. Mỗi loại hình đều mang những giá trị văn hóa và tinh thần to lớn trong đời sống sinh hoạt của người Việt.

Các bạn trẻ đã liên hệ trực tiếp với các chuyên gia, nghệ sĩ nhờ tư vấn về loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc trưng vùng miền. Đồng thời, nhóm cũng tìm hiểu qua sách, các trang web về di sản văn hóa phi vật thể và thưởng thức trực tiếp từng loại hình nghệ thuật, lễ hội.

Nhóm cũng khẳng định sản phẩm này không có tính nghiên cứu khoa học. Đơn giản đây chỉ là kết quả của hành trình tìm về cội nguồn, để tự khám phá và cảm nhận. Tuy vậy, từ ý thức và đam mê lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc, những người trẻ đã tạo và truyền cảm hứng đến đông đảo công chúng yêu mến văn hoá.

Một số loại hình nghệ thuật được liệt vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp cũng được nhóm các bạn trẻ tìm hiểu và nhắc tới.

Một số loại hình nghệ thuật được liệt vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp cũng được nhóm các bạn trẻ tìm hiểu và nhắc tới.

Lan tỏa giá trị nguồn cội

“Tìm hiểu, thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống là một hành trình tìm về nguồn cội mà mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cảm nhận riêng. Trong tương lai, nhóm mong muốn sẽ lan tỏa được giá trị nhân văn của cuốn sách tới nhiều người và đưa dự án lên nhiều nền tảng khác nhau”. Hồ Phương Thảo

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Tấn chia sẻ, quá trình nghiên cứu để chắt lọc thông tin về các loại hình nghệ thuật dân gian gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt là tính xác thực của từng loại hình nghệ thuật đối với hoa văn họa tiết của các phục trang truyền thống.

Với vai trò là hoạ sĩ thiết kế, Hoàng Tấn phải chọn phong cách phù hợp để tiếp cận với người trẻ. Khi đã chọn lọc qua nhiều lớp tạo hình để có diện mạo cuối cùng, việc cân chỉnh và hài hòa bố cục cũng rất quan trọng sao cho nhịp nhàng các yếu tố, từ nhạc cụ, trang phục, động tác hay tín ngưỡng…

Để lan toả giá trị truyền thống, Triều Giang bắt tay vào việc biên dịch nội dung sang tiếng Anh. Các thuật ngữ dân gian như “đào”, “kép”, “trống chầu” hoặc tên loại nhạc cụ chỉ có ở Việt Nam đòi hỏi cô phải dành nhiều thời gian, công sức tìm từ phù hợp để người bạn bè nước ngoài dễ hình dung.

Quá trình biên dịch, Giang đã phát hiện và hiệu chỉnh những từ tiếng Anh bị hiểu sai nhưng lại được dùng khá phổ biến hiện nay. Điển hình như “Đờn ca tài tử” được Google dịch thành “southern amateur music”, trong khi phải hiểu đúng “tài tử” chỉ “những người có tài năng, tài nghệ” nên phải thay bằng “music of talents” (âm nhạc của người tài năng) thì sẽ gần nghĩa hơn.

Tuy nhiên, nhóm vẫn ưu tiên dùng nguyên từ “Đờn ca tài tử” là tên riêng như cách UNESCO đã dùng, để tạo dấu ấn Việt Nam giống như bánh mì hay phở.

Bằng những dòng thông tin gắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ kết hợp với hình minh hoạ sinh động, nhóm bạn trẻ đã tạo ra “Gánh hát lưu diễn muôn phương” đậm đặc tính văn hoá.

Như Sân khấu Dù kê, nhóm Hồ Phương Thảo ghi chú: Nghệ thuật Sân khấu Dù kê (L’khôn Ba Sắc) là một loại hình biểu diễn sân khấu của người Khmer có sự tổng hòa các loại hình nghệ thuật, như: Ca, múa, nhạc, ca kịch, phục trang, hóa trang, lễ hội, vũ thuật, hội họa và ẩm thực.

Sân khấu Dù kê là sự kế thừa nền nghệ thuật sân khấu Khmer trước đó (nghệ thuật Rô băm), đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo những thành tựu của nghệ thuật sân khấu của người Kinh, Hoa, phương Tây. Nghệ thuật sân khấu Dù kê của Tỉnh Sóc Trăng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Hay như phần “Hội Gióng”, nhóm đề “là một lễ hội dân gian truyền thống hằng năm tồn tại đã hơn 1.000 năm, diễn ra ở khoảng hơn 10 địa phương tại Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam”.

Gần đây, ngoài nhóm của Hồ Phương Thảo đã xuất hiện khá nhiều các bạn trẻ yêu mến truyền thống tìm về nguồn cội bằng các dự án văn hoá. Như ba sinh viên Trường ĐH FPT Cần Thơ phỏng dựng trang phục của 54 dân tộc bằng dự án sách và công nghệ thực tế ảo. Hay như sinh viên Nguyễn Phương Vy (ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) phỏng dựng hát Bội trên bảng chữ cái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.