Trong đại dịch thấy rõ văn hóa sống

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã lấy đi của nhân loại nhiều thứ, nhưng hoạn nạn cũng cho chúng ta thấy rõ hơn lối sống văn hoá khi biết lắng nghe, chia sẻ và hành xử đầy tình thân ái, dù phải hi sinh cả bản thân mình.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

“Cơn sóng” Covid-19 lần thứ 4 hoành hành ở nước ta kéo dài đã hơn một tháng vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Trong khoảng thời gian ấy, hàng nghìn chương trình văn hoá – nghệ thuật từ Bắc vào Nam đã phải tạm ngừng.

Đâu đó có những thông tin rất buồn về đời sống của văn nghệ sĩ, khi nhà hát đóng cửa, diễn viên bỏ nghề, cho đến những ồn ào xung quanh việc thiện nguyện.

Những câu chuyện ấy như cơn gió thoảng, rồi sẽ qua mau. Nhưng dịch bệnh không phải cơn gió, mà là thảm họa đang hiện diện trước mắt. Thế nên việc phòng – chống dịch trở thành nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.

Vì lý do đó, suốt hơn một tháng qua, đội ngũ y - bác sĩ trực tiếp tham gia phòng chống dịch chưa thể trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Hình ảnh những tấm lưng và đôi tay của đội ngũ tham gia phòng chống dịch bị phồng rộp vì phải mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài giữa thời tiết oi bức, khiến tất cả chúng ta xót xa. Hình ảnh em bé khóc đòi mẹ khi thấy trên tivi bóng dáng thân thương, cũng khiến chúng ta phải ngậm ngùi.

Giữa lúc hoạn nạn ấy, không thấy những người trong “bão lửa” chống dịch kêu ca, phàn nàn nửa tiếng. Họ xả thân không chỉ vì nhiệm vụ nghề nghiệp mà còn là lối sống đầy tính văn hoá, tinh thần nhân văn – một truyền thống quý báu của người Việt.

Và ở những địa phương, dù dịch bệnh chẳng kém căng thẳng vẫn sẵn sàng “chi viện tiếp sức” cho những tỉnh thành đang phải gồng mình chiến đấu vì sự sống của con người. Những bác sĩ ở BV Chợ Rẫy (TPHCM), những sinh viên y dược ở Nam Định, Thái Bình đã lần lượt lên đường đến Bắc Giang, Bắc Ninh.

Cuộc chiến còn nhiều cam go khiến cho đời sống đảo lộn, thế nhưng ai cũng hiểu và đồng lòng. Ở nơi công cộng, hay trong cả những nghi thức tôn giáo… việc đeo khẩu trang đã trở thành nét văn hoá tối thiểu. Ai không đeo khẩu trang, người đó tự lộ văn hoá và ý thức thấp kém, tự loại mình ra khỏi cộng đồng.

Trong nhiều khu cách ly, những người thầy vì học trò nhỏ dại mà xin vào cách ly cùng. Có bóng dáng của thầy, học trò bớt đi sợ hãi, vững tâm hơn - đúng như bức thư của một học sinh Nam Định đã viết sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Đó chẳng phải là một nét văn hoá trong ứng xử hay sao?

Cũng vì những hi sinh của đội ngũ phòng chống dịch, vì lối ứng xử rất nhân văn của thầy và trò, vì sự nghĩa hiệp xông pha của đội ngũ thanh niên tình nguyện… mà mỗi người đã đối xử với nhau một cách trân trọng hơn, cảm thông với nhau hơn.

Khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, có thể ở đâu đó còn phổ biến lối sống ích kỷ, thiên lệch đồng tiền. Thế nhưng trong lúc nạn dịch hoành hành, nhiều người đã nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ đồng bào.

Thật là trong cơn nguy nan, mới thấy rõ lối sống và cách ứng xử đầy tính nhân ái. Lối sống ấy không chỉ là thành tố phát triển nền văn hóa dân tộc, mà còn thành trì bảo vệ con người trước những diễn biến ngày càng bất ổn của thiên nhiên và dịch bệnh.

Ước gì, mỗi người sẽ giữ mãi nét văn hoá tốt đẹp này – sống vì nhau và sống cho nhau!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.