Khó đối phó với nạn tranh giả

GD&TĐ - Nạn tranh giả, tranh nhái trên thị trường mỹ thuật Việt Nam ngày càng tinh vi và phức tạp. Biết là vậy, nhưng để đối phó với vấn nạn này lại không đơn giản, vì ngay cả những nhà sưu tập cũng còn bị… lừa.

Bức tranh trong sách của Lê Văn Xương (bên trái), bức nhà nghiên cứu Lý Đợi nhận được qua tin nhắn (bên phải).
Bức tranh trong sách của Lê Văn Xương (bên trái), bức nhà nghiên cứu Lý Đợi nhận được qua tin nhắn (bên phải).

Theo nhà phê bình – họa sĩ Phan Cẩm Thượng, nạn tranh giả đã tồn tại cách đây khoảng 30 năm. Thực trạng khiến các họa sĩ tuyệt vọng về vấn đề bản quyền nhưng không có cách gì bảo vệ bản thân.

Càng có giá, càng dễ bị giả

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi mới đăng tải một câu chuyện có thật vừa xảy ra, liên quan tới tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Xương (1917 - 1988).

Ông Lý Đợi cho biết, người bạn làm nghiên cứu gửi một bức ảnh chụp bức tranh vẽ hai cô gái – một cô mặc áo dài, một cô khỏa thân đứng bên vườn chuối. Cô bạn này muốn nhà nghiên cứu xác nhận bức tranh đó có phải của họa sĩ Lê Văn Xương hay không?

Ông Lý Đợi cho rằng, câu hỏi này rất khó trả lời nên nhiều người sẽ chọn “nín thở qua cầu”, hoặc phớt lờ cho khỏe thân. Nhưng vì là người tổ chức bản thảo cuốn “Vẽ với lòng thanh thản” - sách mỹ thuật về Lê Văn Xương nên ông Lý Đợi có 4 - 5 năm lăn lộn xem tranh của họa sĩ này. Vì thế, ông Đợi trả lời: Chưa khẳng định chuyện thật giả, vì chưa có dịp tiếp xúc trực tiếp với bức tranh.

“Bức mà tôi nhận qua tin nhắn không phải bức đã in trong sách “Vẽ với lòng thanh thản”. Nó khác với bức in trong sách về nhiều khía cạnh, trong đó có vật liệu. Thứ hai, Lê Văn Xương luôn để lại các ký hiệu và chỉ dấu bí mật trên các bức tranh của mình, nếu kiểm tra trực tiếp là có thể nhận ra ngay. Thứ ba, hậu duệ và người sở hữu bức tranh in trong sách vẫn còn để chúng ta tham khảo”, ông Lý Đợi bày tỏ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cũng cho rằng, khi ông bắt tay vào làm cuốn “Vẽ với lòng thanh thản”, tìm kiếm trên Google với cụm từ Lê Văn Xương chỉ là 8 kết quả, bây giờ khoảng 26.800.000 kết quả.

Bên cạnh niềm vui sẽ có những hệ lụy, bi kịch kéo theo. Với kết quả tìm kiếm mới này, nếu tranh Lê Văn Xương có bị làm giả - làm nhái, cũng không khó hiểu. Vì một họa sĩ càng nổi tiếng, càng được nhiều người tìm kiếm thì tác phẩm càng có giá trị và tất nhiên càng dễ bị đạo nhái.

Đáng lẽ nhà sưu tập Lê Y Lan đã tổ chức thêm một vài triển lãm, để giới thiệu toàn bộ tranh Lê Văn Xương mà chị gìn giữ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên phải tạm hoãn. Những tác phẩm hội họa và tư liệu mà Lê Y Lan sở hữu đã phác họa khá căn bản về diện mạo mỹ thuật của họa sĩ Lê Văn Xương. 

Hãy bình tĩnh khi mua tranh

Giới nghiên cứu mỹ thuật cho biết, tranh càng đẹp, càng hiếm, tác giả càng có tên tuổi thì càng dễ trở thành “hình tượng” để các đối tượng làm giả, đạo nhái tác phẩm. Trong khi đó, việc giám định một bức tranh rất phức tạp, liên quan nhiều thứ.

Lê Văn Xương chỉ là một trong rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam bị đạo – nhái tác phẩm. Từ năm 2019, vấn nạn tranh giả bắt đầu cơn cuồng phong trong giới hội họa bởi hàng loạt tác phẩm bị phát hiện. Trong số đó, nhiều bức tranh được công khai rao bán trên mạng xã hội cả trong nước và nước ngoài.

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh phát hiện tác phẩm “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của mình bị một trang web đóng logo khẳng định bản quyền và rao bán. Tuy nhiên, có chi tiết khác dễ phát hiện giữa bức tranh của ông và bức tranh giả kia chính là vị trí biển cấm ô tô và chiếc cột đèn.

Cũng trong thời gian này, hai tác phẩm “Lá thư” của danh họa Tô Ngọc Vân và “Hai cô gái” của Trần Văn Cẩn được Sotheby’s Hong Kong đưa ra đấu giá. Bức tranh “Lá thư” được định giá từ 101.000 - 191.000 USD, “Hai cô gái” được định giá 7.600 - 11.000 USD.

Sotheby’s Hong Kong được đánh giá là cầu nối bền bỉ và chất lượng nhất trong việc quảng bá hội họa Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, ngay khi hai bức tranh được công bố đã bị nghi ngờ là tranh giả, vì một bảo tàng ở Việt Nam mới là nơi đang lưu giữ hai tác phẩm này. Sau đó, Sotheby’s Hong Kong đã phải rút hai tác phẩm khỏi danh sách.

Tháng 7/2020, nhà đấu giá Tajan (Pháp) đã phải thay đổi 5/6 bức tranh dự kiến đưa vào phiên đấu giá chủ đề “Nghệ thuật châu Á”. Các tác phẩm được cho là của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên và Nguyễn Gia Trí được giới thiệu rất trang trọng trên Tajan. Tuy nhiên, nhà đấu giá buộc phải gỡ các tác phẩm này vì lý do… tranh giả.

Từ đó đến nay, tranh giả liên tục xuất hiện trên thị trường và khiến cả những nhà sưu tập có kinh nghiệm cũng bị mắc bẫy. Điển hình có người chép tranh của chính cha ông mình, rồi khẳng định đó là tranh thật. Cứ thế đến lúc thật giả lẫn lộn khiến thị trường mỹ thuật nhiễu loạn.

Khi tranh giả đã “chễm chệ ngồi” trên những sàn đấu giá quốc tế, thì ở gallery nhỏ lẻ có lẽ là vô tận. Nhà nghiên cứu Phạm Long đã và đang lo ngại ở các cơ sở này: “Tranh giả theo con đường đi từ gallery này đến gallery khác và hợp thức hóa rồi đưa lên sàn đấu giá quốc tế. Có thể khẳng định một điều là vô cùng khó để tìm hiểu việc mua bán ở các gallery”.

Ông Long nhận định, đa số họa sĩ rất bức xúc trước nạn tranh giả, nhưng thực tình thì chúng ta không có nhiều thay đổi. Giới mỹ thuật và nghiên cứu thường hỏi nhau, là tại sao tội phạm làm tiền giả bị xử lý nặng mà không có đối tượng liên đới nào trong vấn nạn tranh giả bị xử lý.

Trong bối cảnh tranh giả, tranh nhái quá nhiễu loạn, chế tài pháp luật còn lỏng lẻo nên nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết: Với tranh của bất kỳ ai, ngay họa sĩ còn sống, thì khi mua tranh - cũng nên là một người mua bình tĩnh, cần đối chiếu kĩ lưỡng.

“Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người làm nghiên cứu, cố vấn, môi giới uy tín xuất hiện. Người mua tác phẩm nghệ thuật cũng nên tốn chút chi phí để tham khảo từ họ, đừng để tiền mất, tật mang”, nhà nghiên cứu Lý Đợi nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ