Đệ nhất thác Háng Đề Chơ

GD&TĐ - Cuối thu, thời điểm đẹp nhất khi khắp núi rừng bắt đầu sương giăng, hoa đang chớm nở và nước vào độ xanh trong nhất. Ấy là lúc bạn nên tìm đến Tây Bắc du ngoạn.

Thác Háng Đề Chơ cao khoảng 50m.
Thác Háng Đề Chơ cao khoảng 50m.

Men theo tiếng khèn Mông réo rắt, ngược lên vùng Trạm Tấu, ngọn thác Háng Đề Chơ hùng vĩ như dải lụa trắng tuôn đổ từ trời cao rớt xuống.

“Nước mắt” của trời

Đệ nhất thác Háng Đề Chơ ảnh 1

Nằm ở tận cùng xã Làng Nhì (Trạm Tấu - Yên Bái), ngọn thác Háng Đề Chơ dựa lưng vào rừng Tà Xùa, ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Sơn La và Yên Bái.

Thác Háng Đề Chơ nằm ở độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển, và độ cao của thác khoảng chừng trên 50m.

Ở xã Làng Nhì, người ta có hai tên gọi dành cho ngọn thác tuyệt đẹp này. Những người bản địa luôn gọi tên thác là Háng Đề Chơ, còn đa số khách nơi khác đến lại gọi bằng cái tên hơi khác một chút là Háng Tề Chơ. Tên của thác cũng là một câu chuyện dài.

Truyền thuyết kể lại sự bắt nguồn của con thác này là từ một vị công chúa trên thiên đình xuống dạo chơi nhân gian. Nàng say cảnh đẹp núi rừng và say luôn tiếng sáo của chàng trai người Mông. Tình yêu của hai người nảy nở như cây cối mùa xuân trong rừng rậm.

Ngọc Hoàng biết chuyện bèn bắt nàng về trời. Nhớ người yêu dưới cõi nhân gian, công chúa ngày đêm than khóc da diết. Nước mắt của nàng hóa thành dòng thác trắng xóa, còn chàng trai vì quá đau buồn cũng hóa thành những tảng đá dưới chân thác.

Cụ Vàng Thị Dở, một trong những già làng kể lại: “Xưa kia bản Đề Chơ chưa có người ở, các cụ đi săn trâu rừng, mải miết đuổi theo trâu đến lúc trâu rơi xuống dòng thác. Khu vực quanh thác địa thế bằng phẳng, nguồn nước dồi dào, khí hậu mát mẻ liền di cư, đem gia đình, con cháu đến đây ở và đặt tên thác là Háng Đề Chơ: Háng hiểu là khe, là suối; Đề là nước; Chơ là chảy. Háng Đề Chơ nghĩa là thác nước chảy”.

Trước đây, ngọn thác này được xem là vùng “tử địa” của Tây Bắc bởi địa hình lối vào vô cùng hiểm trở và là một trong những điểm tập kết gỗ lậu phức tạp nhất cả nước. Vì vậy, thác nước không có mấy người đặt chân đến và vẫn giữ được vẻ đẹp như thuở hồng hoang.

Những tảng đá dưới chân thác.
Những tảng đá dưới chân thác.

Đệ nhất thác

Thác Háng Đề Chơ nổi tiếng với hai cái nhất, đó là đẹp nhất và lối vào nguy hiểm nhất. Muốn đến thác bạn phải xuất phát từ quốc lộ 32 đến xã Phình Hồ. Sau đó, từ xã Phình Hồ vào xã Làng Nhì rồi đến bản Đề Chơ.

Càng đến gần thác nước, cung đường càng khó khăn. Duy có đoạn vào Phình Hồ đường đã rải nhựa là tương đối dễ đi, còn lại đều ẩn chứa muôn trùng nguy hiểm.

Có những đoạn đường chỉ vừa một bánh xe, phía dưới là vực sâu với đá tai mèo sắc nhọn. Những nếp nhà sàn thưa dần, thay vào đó là trùng trùng ruộng bậc thang như muốn nối nhau lên tận cổng trời. Gần 2 tiếng đường rừng là gần 2 tiếng thử thách tinh thần với người đi đường.

Từ xã Làng Nhì vào bản Đề Chơ dài khoảng 10 cây số. Đường lên bản hẹp và cao dần, bám sát vào vách núi, một bên là ta-luy và một bên là vực thẳm. Đường hẹp chừng mấy gang tay men theo sườn núi với lổn nhổn sỏi đá và cành cây vướng víu trước mặt.

Từ xa xa, lẩn khuất sau ngọn mây mờ, thác nước đã hiện ra như sợi chỉ bạc treo giữa lưng chừng trời. Nhưng để đến với Háng Đề Chơ, phải đi bộ thêm 1 giờ đồng hồ nữa. Men theo triền núi, những nương ngô, bãi sắn xanh mướt mênh mông.

Bản Đề Chơ nằm cách xa trung tâm xã 6km và chưa có điện.
Bản Đề Chơ nằm cách xa trung tâm xã 6km và chưa có điện.

Càng gần đến chân thác, đường càng hoang sơ. Hàng chục dòng nước nhỏ chia cắt càng khiến vùng đất xung quanh thêm ẩm ướt. Những cây cầu gỗ đã mục tưởng chừng có thể đổ sụp bất cứ lúc nào khi có người bước qua.

Lúc này, có những đoạn đường không chỉ đi bằng chân mà phải còn đi bằng tay nữa. Mỏi mệt và sợ hãi dường như tiêu tan khi nghe tiếng nước đổ ngày một rõ, lòng càng thấy như bị thôi thúc muốn đến gần.

Khi thác nước hiện ra sừng sững trước mặt, du khách mới thấy công sức mình bỏ ra để đến với Háng Đề Chơ đáng giá ngần nào. Ngước lên cao nhìn dòng nước trắng xóa không ngừng tuôn đổ mới thấy truyền thuyết về nước mắt của nàng công chúa là có thật. Bởi giữa bạt ngàn núi, bạt ngàn sương, thác nước bỗng xuất hiện như một dòng thủy bạc hoặc tựa một tấm lụa trắng từ trời rớt xuống.

Giữa lòng suối, những tảng đá khổng lồ nằm ngổn ngang, vì quanh năm ẩm ướt nên bị rêu phong phủ kín. Những tảng đá đủ mọi hình dạng, nhưng tảng nào trông cũng cô đơn phiền lụy như chàng trai người Mông trong truyền thuyết mỏi trông người thương rồi hóa thành đá.

Càng ngược dòng suối tiến lại gần con thác, những hòn đá càng to lớn hơn, bọt nước bắn ra từ thác nước li ti theo chiều gió bay khắp không gian. Dưới ánh mặt trời, vũ điệu của nước càng thêm hoang dã tạo nên ánh cầu vồng đẹp lay động lòng người.

Đứng dưới dòng thác ấy, con người mới thấy thiên nhiên hùng vĩ biết bao nhiêu và chốn bồng lai tiên cảnh mà bấy lâu truyền tai nhau là có thật.

Bám thác bám rừng

Đường vào bản Đề Chơ.
Đường vào bản Đề Chơ.

Bản Đề Chơ bây giờ vẫn chưa có điện, vài chục nếp nhà sàn nằm thưa thớt và trống hoác những ngày gió lùa. Mọi sinh hoạt phần đa đều tự cung tự cấp và dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Có chăng mỗi năm đôi ba lần, dân bản mới xuống núi đi chợ, bán vài gùi ngô hay đặc sản ở rừng để đổi lấy những vật dụng thật cần thiết.

Thế nhưng bao đời nay, người Mông ở Đề Chơ vẫn thủy chung với những nương ngô, cây sắn quanh thác nước. Bởi theo cụ Vàng Thị Dở, thì: “Tổ tiên đã đưa con cháu về bên thác nước này thì đời đời kiếp kiếp người Mông vẫn cứ ở đấy thôi. Sinh con, đẻ cái rồi làm cái rẫy, cái nương cho tốt”.

Ông Hờ A Phàng, Chủ tịch UBND xã Làng Nhì, chia sẻ: “Ngày trước người trên xã, trên thôn xuống huyện đều phải đi bộ cả ngày trời. Thấy các bác, các ông mỗi lần đi họp ở huyện là phải mất 3 ngày, chuẩn bị nước, cơm nắm mang theo, một ngày đi, một ngày họp, một ngày về. Giờ đường đi đã khá hơn nhưng với người miền xuôi lên đây, không quen địa hình vẫn rất nguy hiểm. Vì đường nhiều khúc cua tay áo lại lắm ổ gà, ổ trâu”.

Chính địa hình hiểm trở, nên Đề Chơ càng trở nên tách biệt với bên ngoài. Nhiều đoàn từ thiện về với Trạm Tấu, về với Làng Nhì khi nghe đến thác nước Háng Đề Chơ thì háo hức lên đường nhưng ít nhiều đành bỏ dở bởi cung đường quá cheo leo. Trẻ con bản Đề Chơ vì thế ít khi thấy người lạ, cái chữ qua núi, qua rừng cũng vì vậy mà thưa thớt lắm.

“Tên gọi thác là Háng Đề Chơ mới là chính xác, thác nằm trong bản Đề Chơ và cách trung tâm xã 6km. Bản nằm khuất sâu nên khó khăn mọi thứ, không đường, không điện và nước thì chủ yếu dẫn từ thác Háng Đề Chơ về dùng. Mấy năm nay khách đến thăm dòng thác khá đông nên chúng tôi đang đề xuất xin cấp trên làm đường, cấp điện cho bản”. Ông Hờ A Phàng, Chủ tịch UBND xã Làng Nhì

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.