Văn hóa và trách nhiệm

GD&TĐ - Những cuộc rượu quá đà, thúc ép nhau dẫn đến nhiều hệ luỵ, thậm chí vi phạm pháp luật.

Văn hóa uống rượu bia cần được nhìn nhận một cách có trách nhiệm.
Văn hóa uống rượu bia cần được nhìn nhận một cách có trách nhiệm.

Nếu như trước kia rượu là để đàm đạo, hội ngộ người tri kỷ thì ngày nay, mọi người có đủ lý do để uống rượu như gặp đối tác, giải tỏa tâm trạng... Những cuộc rượu quá đà, thúc ép nhau dẫn đến nhiều hệ luỵ, thậm chí vi phạm pháp luật.

Ẩm thực Việt từ góc nhìn văn hóa

Được đánh giá là một trong những quốc gia có nền ẩm thực phong phú và đa dạng trên thế giới, nhắc đến ẩm thực Việt Nam không chỉ nhắc đến những món ăn, công thức chế biến, mà đây còn là một nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống từ cách ăn, cách uống.

Với một đất nước có lịch sử lâu đời và vị trí địa lý khác biệt, mỗi một vùng miền trên dải đất hình chữ S này lại có những đặc sản không thể hòa lẫn. Chỉ cần nhìn vào kho tàng ca dao đồ sộ đã thấy đây là nguồn chỉ dẫn địa lý cho các món ăn, đồ uống vô cùng rõ nét và sinh động.

Trên trang gonatour.vn khái quát: Đối với người Việt, ẩm thực không chỉ để sử dụng trong các bữa ăn mà nó còn truyền tải được truyền thống và giá trị văn hóa. Không một du khách nào du lịch Việt Nam mà cưỡng lại sức hấp dẫn của các món ăn truyền thống.

Ẩm thực Việt Nam là một nghệ thuật cân bằng giữa cái gọi là “Năm yếu tố cơ bản của triết học phương Đông” nhằm mang đến những bữa ăn ngon và bổ dưỡng nhất. Người Việt Nam rất coi trọng sự hài hòa trong các món ăn. Một món ăn phải đáp ứng được hai tiêu chí là ngon miệng và đẹp mắt.

Với sự phong phú, đa dạng, ẩm thực Việt Nam xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài, bảng xếp hạng quốc tế. Ví dụ, CNN từng xếp hạng Phở vào top món ăn có nước ngon nhất thế giới, bánh bột lọc là món ăn nên thử khi đến Việt Nam và bánh mì trong top món bánh kẹp hấp dẫn nhất hành tinh, còn bánh cam vào top 30 món bánh rán ngon nhất...

Đi cùng bức tranh đầy màu sắc của ẩm thực Việt không thể không nhắc đến văn hóa uống rượu, nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời. Khoảng hơn một thế kỷ trở lại đây, trong văn hóa uống của người Việt, ngoài rượu còn có thêm các loại bia, tạo nên thói quen ẩm thực đa sắc của một đất nước vùng nhiệt đới.

Theo các chuyên gia ẩm thực, văn hóa uống rượu của người Việt rất khác với văn hóa uống rượu của người nước ngoài nói chung. Nếu người nước ngoài coi uống rượu là một lễ nghi xã giao trang trọng, thì người Việt Nam chỉ hướng đến một cuộc vui trọn vẹn không câu nệ.

Đặc biệt đối với “chiến hữu” trên bàn rượu họ thường không nói nhiều cũng không có các câu chúc hoa mỹ, chỉ dùng 1 từ “Dzôôô!” thay cho lời chào lâu ngày không gặp, lời chúc sức khỏe, lời động viên, chia sẻ vui buồn cùng nhau, thể hiện tình bạn thắm thiết thấu hiểu lẫn nhau.

Tuy nhiên, đi cùng nét đẹp văn hóa uống rượu bia được bạn bè trên thế giới ngưỡng mộ về sự hào sảng, thoải mái, chân thành hết sức, có một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống rượu bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới những hệ lụy không đáng có. Cho nên, muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa này cần phải có sự chừng mực, uống có trách nhiệm, uống văn minh, lấy niềm vui là chính, không thúc ép và hơn thua trên bàn tiệc.

Chia sẻ những khái niệm, kiến thức về “Uống có trách nhiệm”, bà Nguyễn Lan Hương - Nguyên Giám đốc quốc gia Liên minh Quốc tế về Uống có trách nhiệm (IARD) cho biết: Đồ uống có cồn được sản xuất từ tự nhiên, từ các sản phẩm nông nghiệp (ngũ cốc, trái cây, rau quả...) và một số thành phần bổ sung khác.

Nếu sử dụng đúng, phù hợp thì các loại đồ uống có cồn sẽ có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu sử dụng đồ uống không trách nhiệm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, kinh tế, gia đình và toàn xã hội. Do vậy, phải sử dụng các loại đồ uống có cồn trong giới hạn cho phép.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng: “Để uống có văn hóa, có trách nhiệm, cần ý thức và sự vào cuộc của toàn xã hội; chế tài cần đảm bảo răn đe. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát. Tuyên truyền đã uống rượu bia, không lái xe, nhưng nếu một công an giao thông không nghiêm túc hoặc bỏ lọt người vi phạm thì đã vô tình tiếp tay cho văn hóa uống không có trách nhiệm… Nên văn hóa quan trọng nhất hiện nay là văn hóa tuân thủ luật pháp”.

PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nhấn mạnh: Uống có văn hóa, có trách nhiệm là có trách nhiệm với chính bản thân người uống, với gia đình, xã hội và với luật pháp. Cả xã hội cần phải thực thi việc uống có trách nhiệm để tránh những hệ lụy xấu. Theo đó, kiến nghị chính sách phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn cần thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tại Hội thảo 'Uống có trách nhiệm'.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tại Hội thảo 'Uống có trách nhiệm'.

Nhận thức về rượu bia chưa chuẩn mực

Theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Viện Văn hóa kinh doanh (Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam), chuyện uống rượu bia ở Việt Nam đã là một sinh hoạt văn hóa, có quy mô bao trùm khắp các vùng và khu vực dân cư.

Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng rượu bia là một yếu tố, một loại hàng hóa không thể thiếu được trong cuộc sống, nó xuất hiện ở mọi vùng miền, khu vực và cộng đồng dân cư nước ta. Thực tế thì trong những ngày lễ tết, các cuộc liên hoan, gặp mặt, đãi khách hay văn nghệ gia đình, bạn bè, cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư… nếu thiếu rượu bia thường sẽ có cảm giác khó vui và kém vui hơn.

PGS. TS Đỗ Minh Cương chia sẻ, rượu, nếu sử dụng đúng, có thể kích thích cảm hứng sáng tạo, tăng lòng dũng cảm, tính hào sảng, kết nối nhiều người thành một khối thống nhất, chia sẻ trách nhiệm và niềm vui. Thời bao cấp khan hiếm hàng hóa, chúng ta thường tìm mua rượu thuốc để dành dịp Tết mang về biếu ông bà, cha mẹ…

Ngày nay thì bia, rượu vang là thứ đồ uống không thể thiếu trong các cuộc liên hoan cơ quan, doanh nghiệp… Tỷ lệ và mức độ thiệt hại do lạm dụng rượu bia, do sử dụng không đúng cách ở Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

Sử dụng rượu bia một cách tràn lan, không đúng lúc, đúng chỗ, trở thành một tệ nạn và tính xấu. Chúng ta dễ dàng thấy việc uống bia rượu ở nước ta diễn ra ở mọi nơi mọi lúc. Trong các liên hoan, đám cưới, cuộc vui đã đành, cả ở nơi cần thể hiện sự buồn đau thương như trong các đám tang khi người mất còn chưa được chôn cất. Có nơi còn tục lệ làm cỗ mời cả làng đến uống rượu suốt 3 ngày khiến nhiều gia đình phải mắc nợ.

Ở thành phố, cũng có một số trường hợp lạm dụng rượu, bia ảnh hưởng tới bản thân và gia đình. Thêm nữa là việc uống rượu bia dễ dãi, thiếu chọn lọc và thiếu kiến thức khoa học có thể tàn phá sức khỏe, suy thoái giống nòi.

Nguy cơ cao từ các loại rượu tự sản xuất không được kiểm nghiệm và quản lý chất lượng, rượu nhập ngoại do buôn lậu, không rõ nguồn gốc. Rất nguy hại ở chỗ, như báo chí đã nhiều lần lên tiếng, nhiều người kinh doanh đã sử dụng các viên hóa chất không rõ nguồn gốc cho vào nước lã để tạo ra loại rượu giá rẻ độc hại.

Sử dụng đồ uống có cồn quá mức độ và không đúng cách và vi phạm các quy định về nồng độ cồn là một nguyên nhân gây nên tỷ lệ người bị thương tật, thương vong do tai nạn giao thông cao cùng những hệ lụy khác do không làm chủ được bản thân, lạm dụng rượu bia...

Bên cạnh đó, sử dụng rượu bia không đẹp, thiếu văn hóa không chỉ không phát huy được mặt tích cực, không tôn vinh được tinh hoa của nó mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh và những người không sử dụng rượu bia.

Nếu trong văn hóa truyền thống việc mời rượu, uống rượu được thực hiện theo nhiều tục lệ, lễ nghi, hành vi đẹp thì ngày nay, nó thường diễn ra một cách sơ sài, cẩu thả, thiếu sự tôn trọng những người xung quanh. Các thói quen, tục uống rượu quay vòng, ép uống, hò hét to khi uống, uống đến mức say xỉn, nằm gục tại chỗ mới là thật lòng, hết mình… hầu hết là các thói mới, xuất hiện khoảng 30 năm trở lại đây.

“Nhìn một cách tổng quát thì văn hóa sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay còn ở mức độ dưới chuẩn. Nói cách khác, phương thức sử dụng rượu bia của nước ta hiện nay thiếu và yếu tính chân, thiện, mỹ, chưa đạt tới một nền văn hóa đẹp và mạnh”, PGS. TS Đỗ Minh Cương bày tỏ.

Nói về nguyên nhân của thực trạng trên, theo PGS. TS. Đỗ Minh Cương, đó là do nhận thức về rượu bia và cách thức khoa học về sử dụng còn sơ khai, phiến diện, thiếu nhiều yếu tố khoa học, văn hóa, văn minh.

Nền tảng, các chuẩn mực văn hóa, nguyên tắc sử dụng rượu bia còn sơ sài, thiếu sự thống nhất chung ở phạm vi quốc gia để định hướng cho chính sách quản lý Nhà nước và cách hành xử có văn hóa của công dân.

Công tác nghiên cứu, đào tạo, truyền thông về sử dụng rượu bia còn thiếu sự quan tâm và thực hiện thiếu hiệu quả ở các chủ thể có liên quan, trong cả khu vực Nhà nước và xã hội.

“Có thể nói, chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội hội nhập quốc tế, công nghệ 4.0 để sản xuất và sử dụng rượu bia theo tiêu chuẩn tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua các nền tảng số, các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, văn hoá nghệ thuật... để cắm cờ Việt Nam trên bản đồ thương hiệu và văn hoá đồ uống của thế giới”, PGS. TS Đỗ Minh Cương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ