MC, diễn viên Trấn Thành (Sinh năm 1987) chia sẻ, những trải nghiệm tuổi thơ đã giúp anh biết dùng rượu có văn hóa. Trong mỗi cuộc vui, mỗi dịp đặc biệt anh chỉ nhấm nháp một chút, còn hầu hết cuộc nhậu anh đều từ chối vì anh chứng kiến quá nhiều nước mắt cay đắng của người thân từ rượu.
Khi còn nhỏ, anh yêu quý ông ngoại. Mỗi sáng thức giấc, ông dắt anh ra đầu ngõ mua quà vặt. Hình ảnh ông những lúc như thế dịu dàng, ấm áp bao nhiêu thì những lần nhậu say khiến anh ám ảnh bấy nhiêu.
MC - diễn viên Trấn Thành |
Ông ngoại anh uống rượu như uống nước lã. Ăn sáng gặp bạn, ông uống. Ăn trưa ở nhà, ông cũng uống. Chiều một mình ông cũng lai rai. Mỗi lần ông uống say, khiến anh khi đó còn là một đứa trẻ run sợ đứng núp một góc quan sát không dám lại gần. Ngoài 50 tuổi ông anh mất vì rách bao tử.
Cái chết đột ngột của ông ngoại anh không cảnh tỉnh được những người trong họ hàng thân thích. Từ sau đó, anh chứng kiến những người họ hàng cũng là nạn nhân của rượu.
Anh nói, bình thường những anh chồng ở quê hiền lành, chân chất nhưng hễ cứ ngồi vào mâm cỗ có rượu là to tiếng cãi cọ. Say có người trở thành cầm thú, cầm dao rượt đuổi vợ con chạy khắp xóm làng trước sự khiếp đảm của những người xung quanh.
Khi đó, nếu không có những người đàn ông khỏe can ngăn thì có thể đã xảy ra án mạng. Có nhà anh họ vợ con đã phải nhờ công an can thiệp. Sau mỗi cuộc rượu như thế, tỉnh lại họ lại khóc, hối hận, xin được tha thứ...
Trấn Thành chia sẻ, là người của công chúng, anh luôn biết chừng mực với bia, rượu. Anh kể, có lần anh rơi vào tình huống khó xử, trong một lần đi công tác có người không mời được anh uống rượu đã to tiếng cho rằng, anh trẻ tuổi mà tự cao tự đại.
Khi đó, anh liền dịu giọng, ngồi lại gần nói: “Cháu có thể hát một hay nhiều bài, góp nhiều câu chuyện cho mọi người cùng vui để thay phải uống”. Anh nói, rượu là men, là chất xúc tác khiến mình thăng hoa hơn nên uống một chút khi gặp gỡ bạn bè hay chúc nhau mỗi dịp đặc biệt.
Anh cũng chia sẻ, trong tình yêu, ngày lễ hay cuối tuần thư thái, đôi bạn cùng ăn tối và nhấm nháp một ly rượu, cảm nhận được sự ấm áp lan tỏa cũng có cái thi vị riêng.
Uống để vui chứ không phải để bê tha
Anh Đinh Đức Tiến - Giảng viên bộ môn Văn hóa học (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) - cho rằng, một số người Việt có thói quen uống rượu quá đà để lại nhiều hậu quả. Họ thường uống rượu tự chưng cất và rượu ủ men trực tiếp. Các loại rượu này chứa nhiều methanol tác động nhanh, dễ gây hoa mắt, chóng mặt và mất kiểm soát hành vi.
Phần lớn gia đình ở mọi vùng miền đều biết chưng cất rượu từ ngô, lúa, sắn… để dùng trong các lễ nghi giỗ, tết, hội và trong cuộc sống thường ngày.
Anh Tiến cho rằng, về bản chất, rượu là cầu nối giao tiếp, kết nối tình cảm, công việc giữa con người với nhau. Tuy nhiên, khi con người lạm dụng rượu, sẽ không làm chủ được hành vi của mình. Anh Tiến chia sẻ, không riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia, có rất nhiều người phải đi cai nghiện mỗi năm.