Văn hóa Nho giáo - Nét tương đồng trong văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc và khu vực Đông Á

GD&TĐ - Ngày 30/1 tại Hà Nội,  hơn 300 nhà khoa học đến từ Hàn Quốc và các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học tại Việt Nam đã cùng luận đàm tại Hội thảo Quốc tế “Văn hóa Nho giáo - Nét tương đồng trong văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc và khu vực Đông Á". 

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo do Trường Đại học Nội vụ  Hà Nội tổ chức phối  hợp  với Hội Nghiên cứu Nhân văn Đông Á của Hàn Quốc tổ chức.

Báo cáo đề dẫn được PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ cho biết: Nho giáo là một học thuyết của xã hội phong kiến, nó đã giữ vai trò thống trị trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc qua nhiều thế kỷ. Nho giáo không chỉ dừng lại ở khuôn viên đại lục Trung Hoa mà nó còn được truyền bá nhanh, mạnh sang các nước Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, sự truyền bá và tiếp nhận Nho giáo mang màu sắc riêng của các quốc gia, dân tộc, các nền văn hóa. Ở Hàn Quốc, vào thế kỷ thứ XV, Nho giáo đã vượt lên trên Phật giáo, chiếm địa vị độc tôn. Đối với Việt Nam, Nho giáo không chỉ tác động đến đời sống chính trị mà còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội như quan niệm đạo đức, phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật, ứng xử xã hội v.v…

Không còn chiếm vị trí độc tôn như thời kỳ phong kiến trước đây, song vai trò của nó đối với chính trị, xã hội và văn hóa trong lịch sử và cả đương đại của hai nền văn hóa Việt - Hàn là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thế kỷ XXI kỷ nguyên của văn minh, hiện đại với sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu một cách đầy đủ sự ảnh hưởng của Nho giáo trong văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc trên các lĩnh vực: Những nghiên cứu chung về Nho giáo; Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống văn hóa xã hội; Nho giáo với sự phát triển xã hội trong bối cảnh hội nhập ở Việt Nam, Hàn Quốc và khu vực Đông Á... là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Những nghiên cứu này giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện, khách quan về vai trò của Nho giáo với hai nền văn hóa Việt - Hàn và khu vực Đông Á trong xã hội đương đại; từ đó tìm ra những phương thức ứng xử thích hợp với Nho giáo, làm cơ sở và nền tảng để xây dựng, ổn định và phát triển xã hội bền vững.

Làm rõ ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Hàn Quốc,  TS. Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có tham luận “Nho giáo và văn hóa ứng xử giữa các tầng lớp xã hội Hàn Quốc”. Hay tham luận  “Tư tưởng của người Hàn Quốc thông qua sự tiếp nhận và thực hiện đạo lý chữ Hiếu” của        GS. HONG WON SIK – Hội trưởng hội Nhân văn học Đông Á.

 Chỉ rõ tác động của Nho giáo tới cả 2 quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc, GS. Lê Hồng Lý – Nguyên viện trưởng viện NCVH, Viện hàn lâm KHXH đã làm rõ “Vấn đề coi trọng văn hóa gia đình - nền tảng xã hội trong văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc – nhìn từ góc độ Nho giáo”; Nho giáo trong đời sống văn hóa và phát triển xã hội Việt Nam và Hàn Quốc” của          TS. Lê Thanh Huyền Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cũng chỉ ra những ảnh hưởng này.

Các tham luận của Hội Nghiên cứu nhân văn làm rõ các vấn đề văn hóa gia đình Việt Nam và Hàn Quốc – Tương đồng và khác biệt của TS. Vũ Phương Hậu  -Viện Văn hóa & Phát triển (Học viện CTQG Hồ Chí Minh); Nho giáo và Âm nhạc: Cảm ứng từ một bài hát trong phim Hàn Quốc của PGS. TS. Kiều Trung Sơn (Viện nghiên cứu văn hóa – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Đạo hiếu trong đời sống văn hóa gia đình Việt Nam và Hàn Quốc của TS. Bùi Thị Ánh Vân  – Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.  TS. Đỗ Thanh Nga (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) cũng có tham luận chỉ rõ ảnh hưởng của Nho giáo với công vụ.  

Hơn 60 tham luận tại Hội thảo với các chủ đề về: Ảnh hưởng của Nho giáo đến văn hóa gia đình, giáo dục, phong tục tập quán, đạo đức công vụ, văn hóa chính trị, văn hóa doanh nghiệp và đời sống xã hội của Việt Nam, Hàn Quốc và khu vực Đông Á, Hội thảo thực sự là diễn đàn bổ ích giúp các nhà khoa học, các giảng viên trao đổi, thảo luận, đồng thời tăng cường tình đoàn kết quốc tế và hiểu sâu sắc hơn văn hóa của Việt Nam, Hàn Quốc và khu vực Đông Á trong thời kỳ hội nhập .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ