Vận hành thị trường tín chỉ carbon

GD&TĐ - Năm 2023 có thể là năm nóng nhất, với nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,14 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là năm thứ sáu liên tiếp nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức trung bình của thế kỷ XX.

Những dự báo này do Cơ quan theo dõi Khí hậu Copernicus - sáng kiến chung của Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu và Trung tâm Nghiên cứu Chung của Liên minh châu Âu - đưa ra. Tổ chức này cung cấp dữ liệu và phân tích về hệ thống khí hậu của Trái đất, bao gồm các bản ghi nhiệt độ toàn cầu và khu vực.

Đáng chú ý, Cơ quan theo dõi Khí hậu Copernicus cho biết, tháng 6 năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã vượt mức nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp 1,5 độ C. Điều này có nghĩa ngưỡng 1,5 độ C - mức giới hạn tham vọng nhất về gia tăng nhiệt độ toàn cầu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã bị vượt qua.

Biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt. Những năm qua, sự kiện thời tiết khắc nghiệt như các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng… xảy ra khắp toàn cầu. Trong tương lai, các hệ quả sẽ còn lớn hơn như nước biển dâng, sự đe dọa đối với đời sống của động, thực vật và bùng phát dịch bệnh.

Nước ta cũng vừa trải qua đợt nắng nóng với mức nhiệt kỷ lục vừa qua kèm theo lượng mưa cũng thấp kỷ lục khiến sông hồ khô cạn, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và gây thiếu điện. Điều này một lần nữa cho thấy nước ta dễ bị tổn thương thế nào trong biến đổi khí hậu toàn cầu và hệ quả của biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến đời sống mỗi người dân.

Trước thực tế này, các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta cần gấp rút hơn. Trong ngắn hạn, giám sát chặt chẽ phát thải khí nhà kính, thực hiện các chương trình giảm phát thải và nhanh chóng thực hiện thị trường mua bán tín chỉ carbon cần là ưu tiên của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, kế hoạch là đến năm 2025 sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ; thực hiện các hoạt động về nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành chính thức và có kết nối, trao đổi tín chỉ carbon với thị trường khu vực cũng như thế giới.

Một báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Nguồn lực này giúp nâng cao thu nhập cho người trồng rừng và góp phần bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta. Bên cạnh đó, tham gia thị trường carbon còn mang đến cơ hội tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon, mang lại lợi ích cho xuất khẩu hàng hóa và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.

Các mốc thời gian chính thức có thể còn thay đổi nhưng điều chắc chắn là thời gian còn lại không nhiều trong khi việc vận hành thị trường tín chỉ carbon vừa là yêu cầu cấp bách, vừa phải đối diện với nhiều thách thức mới mẻ - từ chuyện hiểu thị trường mua bán tín chỉ carbon là gì; chọn những ngành nào, doanh nghiệp bắt buộc tham gia thị trường; kiểm đếm phát thải, theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán ra sao; tạo hành lang pháp lý cho thị trường này như thế nào…

Bởi thế, cùng với quyết tâm chính trị từ các lãnh đạo cao nhất, cần có một kế hoạch hành động chi tiết ở cấp ngành và sớm hình thành các điều kiện cần thiết để sớm vận hành thị trường tín chỉ carbon và kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ