Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”.
Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.
Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài thảo luận về vấn đề nêu trên.
Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn;
ttkdung@moet.edu.vn;
pthien@moet.edu.vn
Trân trọng cảm ơn!
Các lĩnh vực đánh giá của PISA được chia ra 3 lĩnh vực: Toán học, Khoa học và Đọc hiểu. Đối tượng đánh giá là học sinh lứa tuổi 15.
Cách đánh giá PISA có nhiều điểm khác biệt so với các đánh giá truyền thống là: Thay vì chỉ kiểm tra lý thuyết là chính, PISA chú trọng việc xem xét đánh giá về năng lực của học sinh trong việc ứng dụng các kiến thức và kỹ năng phổ thông vào các tình huống thực tế; đánh giá được khả năng phân tích, lý giải các vấn đề thực tế của học sinh.
Nội dung tập huấn vận dụng cách đánh giá PISA vào nhà trường phổ thông tại các tỉnh, thành phố năm 2014 của Bộ GD&ĐT đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của việc vận dụng cách đánh giá PISA vào đổi mới trong xây dựng và sử dụng các câu hỏi, bài tập trong đề thi/ kiểm tra; tổ chức đánh giá kết quả giáo dục phổ thông.
Với bộ môn Ngữ văn nói riêng, việc ra đề theo cách đánh giá PISA là vấn đề quan trọng nhằm đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh theo xu hướng phát triển năng lực.
Từ quá trình vận dụng, thực hiện cách đánh giá PISA, chúng tôi nhận thấy việc ra đề theo cách thức này rất phù hợp ở phần Đọc hiểu của bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông.
Các kiểu câu hỏi được sử dụng (trong các UNIT):
- Câu hỏi mở đòi hỏi trả lời ngắn.
- Câu hỏi mở đòi hỏi trả lời dài (khi chấm sẽ phải tách ra từng phần để cho điểm).
- Câu hỏi đóng đòi hỏi trả lời (dựa trên những trả lời có sẵn).
- Câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn.
- Câu hỏi Có - Không, Đúng - Sai phức hợp.
Với những câu hỏi như trên đòi hỏi học sinh không chỉ tái hiện kiến thức sẵn có, mà còn phải có khả năng tư duy, sáng tạo, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống cụ thể, có tác dụng kích thức sự hứng thú của học sinh.
Cách ra đề này cũng khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, đồng thời rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ chọn lọc, chính xác, ngắn gọn. Phần này chiếm khoảng từ 4 đến 5 điểm, kết hợp với một bài viết tự luận, và Nghị luận văn học: 5 điểm.
THAM KHẢO CÁCH SOẠN UNIT PHẦN ĐỌC HIỂU
“Tại Thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật), có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung về vạch xuất phát để tham dự cuộc thi 100 m.
Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao về vạch với quyết tâm giành chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ vấp ngã liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc.
Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ, ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị chứng down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:
- Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn.
Rồi tất cả chín người họ khoác tay nhau sánh vai đi về đích. Tất cả khán giả trong sân vận động đều đứng dậy vỗ tay hoan hô không dứt.
Câu chuyện này đã lan truyền qua mỗi kì Thế vận hội về sau.”
(Theo “ Quà tặng trái tim”- NXB Trẻ)
Câu hỏi: Hãy đọc kĩ câu chuyện trên đây và trả lời các câu hỏi:
Câu 1: RO1 QO1- 019
Khi cậu bé vấp ngã, bật khóc, có mấy vận động viên quay trở lại?
A. ChínB. Tám
C. Bảy
D. Tất cả
HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 1
Mục tiêu: HS phải đọc và nắm chắc nghĩa tường minh của văn bản, trả lời chính xác câu hỏi.
Mức đầy đủ : B
Không đạt: Còn lại
Câu 2 RO1 QO1- 0 1 2 9
Có nhiều ý kiến nhận xét khác nhau về câu chuyện này. Hãy điền đúng, sai vào ô trống
Nhận xét về câu chuyện | Đúng | Sai |
Câu chuyện rất lạ lùng | ||
Câu chuyện rất cảm động | ||
Câu chuyện rất éo le |
HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 2
Mục tiêu: HS phải đọc, hiểu và đánh giá một cách khái quát nhất về nội dung của văn bản.
Mức đầy đủ : 3/3 (Hai ý trên đúng, ý dưới cùng sai).
Đạt: 2/3 (Đúng một trong hai ý trên và ý cuối).
Không đạt: 1, 0/ 3 (các trường hợp còn lại).
Câu 3 RO1 QO1- 0 1 2 9
Từ câu chuyện trên, hãy viết viết ba câu văn bình luận về chiến thắng.
HƯỚNG DẪN MÃ HÓA CÂU HỎI 3
Mục tiêu: HS phải đưa ra được chính kiến cả mình về nghĩa hàm ẩn (ý nghĩa giáo dục sâu sắc của văn bản) và trả lời đúng yêu cầu về số lượng là 3 câu văn.
Mức đầy đủ : 3/3 ( đủ 3 câu, ý đúng, không trùng lặp).
Ví dụ: - Mình chiến thắng người khác (đối thủ) là rất tự hào.
- Giúp người khác cùng chiến thắng dù mình bị chậm 1 bước càng đáng tự hào hơn nữa.
- Chiến thắng được chính bản thân mình thực sự là vinh quang.
Đạt: 2/3 câu đúng.
Không đạt: 1, 0/ 3 câu đúng hoặc không trả lời
2.2. Câu hỏi 3 điểm trong đề thi theo hướng mở và hướng dẫn chấm.
Đề bài: Viết bài văn nghị luận ( khoảng 400 từ) trình bày quan niệm của anh/chị về hạnh phúc.
STT | Nội dung | Điểm |
1 | Yêu cầu - Viết đúng kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí - Thể hiện được quan điểm của bản thân, có quan niệm đúng đắn, tích cực về hạnh phúc.- Lí giải hợp lí - Văn phong trong sáng, lập luận mạch lạc, logic. | |
2 | 1. Mở bài Nêu vấn đề nghị luận | 0,25đ’ |
3 | 2. Thân bài * Giải thích - Có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc, tuỳ thuộc vào cảm nhận chủ quan của mỗi người. (Đưa ra một số quan niệm về hạnh phúc khác nhau đang tồn tại trong cuộc sống)- Hạnh phúc là sự thỏa mãn, niềm vui, sự sung sướng của con người có được trong cuộc sống. (Cần phân biệt giữa thỏa mãn và hạnh phúc) * Bình luận - Hạnh phúc có ngay trong trái tim, tâm hồn mỗi con người. Hạnh phúc không phải là một khái niệm trừu tượng, mơ hồ, xa lạ mà từ những điều bé nhỏ, giản dị, gần gũi mà thân thiết (ví dụ). - Hạnh phúc là sự sẻ chia. Hạnh phúc luôn hướng tới những điều tốt đẹp. - Hạnh phúc chỉ có thể có được bằng con đường chân chính. Muốn có được phải trải qua một quá trình kiếm tìm gian nan, bền bỉ và tin tưởng. - Hạnh phúc có được rất khó vì vậy, mỗi người đều phải biết trân trọng, nâng niu, giữ gìn. * Liên hệ, mở rộng - Nêu dẫn chứng thực tế. - Quan niệm về hạnh phúc chân chính khiến con người hướng tới lối sống đẹp. | 0,75đ’ 1,25đ’ 0,5đ’ |
4 | 3. Kết bài Khái quát lại vấn đề, liên hệ của bản thân | 0,25đ |
II. Đề xuất kế hoạch, lộ trình triển khai việc đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực
1. Theo kế hoạch tập huấn vận dụng cách đánh giá PISA vào nhà trường phổ thông của Bộ GD&ĐT năm 2014.
2. Căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tập huấn trong hè 2014 cho giáo viên, kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn của GV năm học 2014 - 2015: tập trung vào kĩ thuật ra đề, hướng dẫn chấm, xây dựng ngân hàng đề chung cho từng bộ môn.
Giáo viên phải hướng dẫn học sinh cụ thể, tỉ mỉ, để học sinh từng bước làm quen với cách làm bài theo đánh giá PISA, vận dụng trong việc trả lời các câu hỏi của dạng đề này.
3. Năm học 2014 - 2015, các trường phổ thông trong tỉnh xây dựng kế hoạch và vận dụng từng bước cách đánh giá PISA vào các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra học kì.