Có nhất thiết phải dạy học theo nhóm nhỏ?
Có ý kiến cho rằng không thể dạy theo SGK THM nếu phòng học chật hay lớp đông HS, vì khi đó không thể tổ chức học theo nhóm nhỏ.
TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, cần hiểu đúng là: đặc điểm quan trọng của dạy học tích cực là đề cao học cá nhân, phối hợp học tương tác (với bạn ngồi bên cạnh, với nhóm bạn ngồi xung quanh, với các bạn trong lớp và với GV).
Hai hình thức học này liên quan và tác động qua lại giúp HS chủ động và tích cực, từng bước đạt được mục tiêu bài học trong niềm vui của sự thành công, hình thành và phát triển phương pháp học, khả năng tự học.
Học cá nhân thì kiến thức, kĩ năng đạt được sẽ vững chắc, sâu sắc. Học tương tác giúp cho kiến thức trở nên khách quan hơn, khắc phục sự hiểu còn phiến diện, chưa chính xác, mang tính chủ quan của từng HS, giúp HS tự tin hơn với kết quả học tập của bản thân; sự trao đổi (hỏi bạn, giúp bạn, kiểm tra lẫn nhau) có tác dụng nâng cao kết quả học tập của cả HS yếu và HS giỏi.
Cũng theo TS Nguyễn Vinh Hiển: học cá nhân có ý nghĩa quyết định (tiếc là, trong thực tế thời gian qua hình thức học cá nhân có lúc đã bị coi nhẹ), trong học tương tác thì quan trọng nhất là tương cặp đôi với bạn ngồi bên, sau đó mới là tương tác trong nhóm, trong lớp (tuỳ theo hoàn cảnh).
Nếu thuận tiện về phòng học (đủ rộng) và bàn ghế (bàn ghế đơn) thì có thể cho HS ngồi theo kiểu “bàn tròn”, dễ học tương tác, trong đó có tương tác theo nhóm nhỏ.
Nhưng nếu không được như vậy thì vẫn có thể hướng dẫn học cá nhân kết hợp học tương tác theo các cách sắp xếp bàn ghế và chỗ ngồi khác nhau của HS, như:
HS ngồi quay mặt vào nhau theo dãy dài; cả lớp ngồi theo hình chữ U trong một phòng; thậm chí ngồi theo kiểu “truyền thống” (tất cả HS ngồi theo hàng ngang quay mặt lên phía bảng chính và bàn GV), khi đó mỗi HS vẫn có thể quay sang phải, sang trái, vươn người lên bàn phía trước, ngoảnh lại bạn ngồi sau để trao đổi khi cần.
"Đã có nhiều trường học nhận thấy dạy học theo SGK THM thì GV ít phải viết trên bảng nhưng phải đi đến với HS nhiều hơn nên đã dỡ bỏ bục giảng (tồn tại từ bao năm qua) để tiện cả đôi đường: phòng học rộng ra và GV di chuyển trong lớp dễ dàng hơn" - TS Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.
Vai trò của các góc trong dạy học VNEN
Trước các câu hỏi: Góc học tập, thư viện lớp học, góc cộng đồng, hộp thư cá nhân và hộp thư chung… (gọi chung là các góc) có tác dụng gì đối với việc dạy học theo SGK THM? Nếu trong lớp học không có các góc này thì dạy học theo SGK THM như thế nào? - TS Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ:
Góc học tập và thư viện lớp học là nơi đặt các tư liệu dạy học, bao gồm sách, báo và tài liệu tham khảo khác, từ điển, đồ dùng dạy học, các sản phẩm học tập (bài kiểm tra, báo cáo sưu tầm, đồ dùng dạy học tự làm, kết quả nghiên cứu đề tài/dự án…) của HS.
Các nội dung này được thay đổi theo từng thời gian ngắn trong năm học, được trao đổi với phòng thiết bị dạy học và thư viện của nhà trường, phù hợp với nội dung các bài học của lớp.
Góc cộng đồng đặt các tư liệu, sản vật… liên quan đến đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng, địa phương. Các nội dung này cũng được thay đổi theo sự thay đổi của các hoạt động, mùa vụ… của địa phương.
Hộp thư chung và hộp thư riêng là nơi bày tỏ tình cảm, nguyện vọng, ý kiến… của HS, là nơi giao lưu thường xuyên của HS-HS và với GV.
Dễ dàng nhận thấy là nếu được tổ chức xây dựng và hoạt động tốt thì các góc đó trong không gian lớp học sẽ hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động dạy học và giáo dục; GV cần cùng HS xây dựng, đóng góp, làm phong phú nội dung và chú ý khai thác có hiệu quả nhất tác dụng của các đồ vật, dụng cụ đó.
Việc có nhiều hay ít các góc và các sản phẩm trong góc là phụ thuộc vào không gian, diện tích lớp học. Trường hợp khó khăn nhất thì các góc hoặc một số góc nào đó chỉ có chung của cả trường (phòng thiết bị, phòng thư viện…).
Tuỳ theo điều kiện cụ thể, GV luôn có điều kiện và phải thường xuyên tận dụng các cơ hội để sử dụng có hiệu quả nhất các cơ sở vật chất đó để phục vụ cho việc dạy học theo SGK THM, nếu cần thì có thể điều chỉnh các hoạt động học đã được nêu trong SGK.