Trường học gắn với chính quyền
Vậy đâu là những yếu tố quyết định đến sự thành công khi triển khai thực hiện VNEN của ngành Giáo dục địa phương này? Theo cô Trần Thị Thùy Dung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Lào Cai, yếu tố đầu tiên quyết định đến sự thành công đó là triển khai có hệ thống và bài bản.
Cô Trần Thị Thùy Dung phân tích: Giáo dục của TP Lào Cai đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, vào cuộc. Theo đó, chủ đề của ngành Giáo dục là “Trường học gắn với chính quyền địa phương”.
"Các nội dung đổi mới đều được tổ chức hội thảo, lấy ý kiến phản hồi trực tiếp và bàn các biện pháp định hướng dư luận. Khi triển khai Mô hình trường học mới (VNEN), hầu hết các trường học của TP Lào Cai đều tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ huynh học sinh"- cô Trần Thị Thùy Dung cho biết.
Làm đến đâu chắc đến đó
Ngoài yếu tố trên thì thành công của địa phương này khi triển khai VNEN đó là biết vận dụng một cách phù hợp. Trên tinh thần tự nguyện, các trường đã vận dụng một cách linh hoạt (có thể là toàn phần hoặc một phần của VNEN). Trường nào có điều kiện đến đâu thì vận dụng đến đó và thực hiện trên nguyên tắc: Làm đến đâu chắc đến đó.
Theo kinh nghiệm của cô Trần Thị Thùy Dung, để thực hiện được VNEN, các trường cần hiểu bản chất của mô hình này. VNEN chỉ thay đổi về kĩ thuật và phương pháp dạy - học, không thay đổi về nội dung chương trình.
Mặt khác, cần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trên cơ sở sàng lọc và đánh giá thực chất theo tiêu chí: Nắm chắc chương trình lớp học, dạy chắc chương trình từng lớp, liên thông từng lớp học – cấp học và bồi dưỡng đồng bộ cả kĩ thuật, phương pháp, đánh giá.
Đồng thời, cần biết tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên được nêu lên mong muốn nguyện vọng của mình và được giải quyết theo nguyện vọng dù chỉ là nhỏ nhất. Đặc biệt cần trân trọng những đóng góp của giáo viên, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm của giáo viên.
Lấy hiệu quả chất lượng giáo dục học sinh là thước đo
Cũng theo cô Trần Thị Thùy Dung, một trong những yếu tố tạo nên sự thành công khi thực hiện VNEN đó là: Sự nhất quán trong mục tiêu và hành động từ các cấp quản lý đến giáo viên.
Trên tinh thần ấy, các trường cần phát triển những điển hình để trở thành hình mẫu, tiến tới nhân ra diện rộng. Lưu ý là: Hình mẫu chứ không phải là khuôn mẫu.
"Xong yếu tố quan trọng là phải có đội ngũ nhà giáo thực sự tâm huyết, say mê nghề nghiệp, mong muốn được đổi mới và có nhu cầu, nguyện vọng được đổi mới, luôn sẵn sàng đón nhận thử thách.
Tất nhiên, dù trên phương diện nào cũng phải quyết tâm cao và lấy hiệu quả chất lượng giáo dục học sinh là thước đo" - cô Trần Thị Thùy Dung chia sẻ, đồng thời lưu ý:
Box: Hiệu trưởng nên thường xuyên kiểm tra giám sát giáo viên trong quá trình giảng dạy. Có thể "bỏ ngỏ" sự sáng tạo của giáo viên nhưng phải siết chặt trong quản lý chất lượng.
Phải cụ thể hóa nhiệm vụ của đơn vị đến từng thành viên, gắn trách nhiệm với quyền hạn; dám nghe, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học phải được xây dựng bằng cả trí tuệ tập thể.
"Mặt khác, nên tổ chức cho đơn vị có 1 ngày học tập, thảo luận nhiệm vụ năm học theo các mức độ thuộc bài – hiểu bài – có giải pháp độc lập" - cô Trần Thị Thùy Dung trao đổi.