Chuyện xảy ra ở lớp học VNEN...

GD&TĐ - Đó là câu chuyện ở Trường tiểu học Thị trấn Me (Gia Viễn, Ninh Bình) về hai bà cháu của một học sinh. Từ câu chuyện này, mỗi giáo viên có thể tự rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, cho dù đó là việc nhỏ.

VNEN giúp học sinh tự tin và phát triển toàn diện hơn. Ảnh minh họa: Minh Phong
VNEN giúp học sinh tự tin và phát triển toàn diện hơn. Ảnh minh họa: Minh Phong

Cô giáo Hoàng Thị Minh Châu kể lại trên báo Giáo dục & Thời đại về câu chuyện đã xảy ra ở lớp mình:

"Tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp vừa dứt, tôi bước vào lớp chỉ kịp để chiếc cặp sách lên bàn. Bỗng, tôi nghe thấy âm thanh kéo dài mang âm hưởng lo lắng: “Thằng đần ơi! Thằng đần ơi!...”.

Ngước mắt nhìn ra phía cửa lớp tôi bắt gặp hình ảnh một người bà mặc chiếc quần chun đen và chiếc áo hoa đã cũ như xỏ vội. Bà hớt hải hỏi tôi: “Thằng đần nhà tôi hôm nay có đến lớp không cô?”.

Trong lúc hội đồng tự quản của lớp làm việc trong giờ truy bài, tôi tranh thủ hỏi bà về nhân vật “thằng đần” mà bà đang tìm kiếm. Vậy là cậu học trò nhỏ hiền lành, ngoan ngoãn nhưng học chưa giỏi ở lớp tôi được cả gia đình gọi bằng “thằng đần”.

Hôm nay, bố cậu bé đưa mẹ đi mổ bướu cổ ở bệnh viện trên Hà Nội nên nhờ bà nội đưa Dũng tới trường. Bà mải dọn dẹp nên đến giờ đi học là cậu bé tự tới trường mà quên không dặn bà, làm bà hốt hoảng tới lớp tìm Dũng.

Tôi mời bà vào lớp, cả lớp đồng thanh: “Chúng cháu chào bà ạ!”. Tâm trạng của người bà lúc này từ hốt hoảng chuyển sang ngạc nhiên. Cả lớp im lặng nhìn bà với ánh mắt thơ ngây, trong sáng.

Em Kiều Oanh - Trưởng ban đối ngoại của lớp lên bục giảng đứng cạnh bà và dõng dạc giới thiệu với cả lớp: “Tôi xin trân trọng giới thiệu với cả lớp mình, hôm nay lớp mình có bà nội của bạn Dũng tới thăm lớp, tôi đề nghị cả lớp nhiệt liệt chào mừng”.

Tiếng vỗ tay vang dội của lớp dường như đã xua tan hết nỗi lo lắng của bà. Kiều Oanh hướng về phía Dũng nói: “Xin mời bạn Dũng giới thiệu về bà của mình”. Trong tiếng vỗ tay cổ vũ của bạn bè, cậu bé học trò nhút nhát của tôi đã mạnh dạn đứng trước lớp giới thiệu về bà nội của mình.

Dũng nói: “Bà nội của tôi tên là Vui, bà đã ngoài 60 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, hàng ngày bà làm nhiều việc và bà rất yêu quý tôi…”. Lời giới thiệu của Dũng về người bà thân yêu của mình đã làm bà xúc động.

Ánh mắt rạng ngời không giấu nổi niềm vui. Bà ôm đứa cháu bé nhỏ của mình vào lòng. Bà nhìn tôi môi mấp máy như muốn sẻ chia điều gì. Tôi lại gần bà, tôi nói trước: “Bà ơi! Cháu Dũng nhà bà tuy học chưa giỏi nhưng là học sinh ngoan hiền, đi học chăm chỉ, xin bà đừng gọi cháu là thằng đần nữa.

Hơn nữa cháu Dũng đang được theo học chương trình VNEN là Mô hình Trường học mới, mô hình trường học này coi trọng yếu tố con người là trên hết. Cháu Dũng chưa giỏi, song Dũng luôn được hình thành những năng lực và phẩm chất đáng quý của con người mà Mô hình Trường học mới mang lại”.

Tạm biệt tôi và lớp học, bà ra về mang theo nỗi trăn trở. Sáng hôm sau, Dũng mang đến lớp một quyển vở mới, tôi mở vở ra thấy những dòng chữ viết mẫu ngoằn ngoèo và các con số nguệch ngoạc. Dũng Khoe với tôi rằng: “Bà viết mẫu cho em”.

Và cũng sau buổi sáng hôm ấy, Dũng được cả gia đình chăm sóc và quan tâm về việc học. Đặc biệt hơn, không ai trong gia đình gọi em là “thằng đần” nữa, còn bà nội đã gọi Dũng là đứa cháu đích tôn.

Vậy là ở lớp học VNEN sự kỳ thị, mặc cảm, tự ti vì con mình học chưa giỏi cũng không còn và công tác xã hội hóa giáo dục cũng được quan tâm hơn nhiều"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ