Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”.
Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.
Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài thảo luận về vấn đề nêu trên.
Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn;
ttkdung@moet.edu.vn;
pthien@moet.edu.vn
Trân trọng cảm ơn!
Chương trình này có rất nhiều ưu việt. Ở tầm vĩ mô, nó giúp cho các quốc gia tham gia có cơ hội nhìn nhận một cách tương đối toàn diện về những kĩ năng cơ bản, những năng lực cá nhân mà học sinh phổ thông của quốc gia đó đạt được để điều chỉnh kịp thời các chính sách hiện hành cho phù hợp hoặc xây dựng các chính sách mới nhằm phát triển giáo dục một cách bền vững.
Mặt khác, kết quả đánh giá thông qua PISA cũng cho phép mỗi quốc gia có được những so sánh có tính chất tham khảo về chất lượng giáo dục của nước mình với những nước khác cùng tham gia.
Ở tầm vi mô, PISA cung cấp những căn cứ giúp cho nhà trường nhận ra được những tác động tích cực hoặc tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.
Từ đó nhà trường sẽ tìm ra các biện pháp để phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Đối với đội ngũ giáo viên, được tiếp cận với chương trình PISA giúp họ có cơ hội nâng cao năng lực về đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế, từng bước hội nhập với quốc tế về đánh giá giáo dục.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi tập trung làm rõ những ưu việt của PISA, từ đó đề xuất phương hướng vận dụng cách thiết kế câu hỏi đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh trong dạy học môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông.
1. Những ưu việt của PISA trong đánh giá năng lực Đọc hiểu
Có thể nói PISA đã thể hiện một cách sâu sắc và rõ nét 3 đặc trưng cơ bản của xu hướng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng hiện đại.
Trong đó đặc biệt chú ý tới việc phát triển năng lực của người học, xem đây là yếu tố then chốt và tất cả những yếu tố khác đều tập trung hướng đến giải quyết vấn đề này.
Đặc trưng thứ nhất là đánh giá phát triển: Đánh giá phát triển giúp người dạy và người học nhận ra được hiệu quả của hoạt động giảng dạy cũng như hiệu quả tiếp thu. Từ đó chỉ ra những việc cần tiếp tục thực hiện để phát triển năng lực của người học theo mục tiêu đã đề ra.
Đặc trưng này quan tâm đến hiệu quả của hoạt động giảng dạy trong việc phát triển khả năng của người học chứ không phải là việc chứng minh người học đã đạt được mức thành tích nào đó.
Bám sát đặc trưng này, tinh thần thiết kế câu hỏi PISA tập trung đánh giá năng lực Đọc hiểu của học sinh, xem xét mức độ “hiểu, sử dụng, phản ánh và liên kết các văn bản nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân, phát triển kiến thức và tiềm năng cá nhân, và tham gia vào xã hội.”
Như vậy, mục tiêu phát triển năng lực đọc hiểu cho người học không dừng lại ở nhiệm vụ trau dồi kiến thức, rèn luyện kĩ năng để đọc tốt các loại văn bản mà còn sử dụng việc đọc hiểu vào nhiều mục đích khác nhau như: hỗ trợ việc thực hiện các nguyện vọng cá nhân, làm phong phú và mở rộng cuộc sống cá nhân, kiểm soát những nội dung đọc hiểu để tham gia vào xã hội trên các mặt văn hóa, chính trị.
Đặc trưng thứ hai là đánh giá thực tiễn: Đánh giá thực tiễn đề cao mục đích xem xét các năng lực mà người học cần có trong bối cảnh thực tế. Nó đòi hỏi người học phải biết ứng dụng các kĩ năng và kiến thức được trang bị trong nhà trường để có thể tạo ra một sản phẩm hay vận dụng những kiến thức, kĩ năng này để giải quyết những tình huống trong thực tiễn cuộc sống (ngoài trường học).
Đối với PISA, rất nhiều câu hỏi thuộc lĩnh vực đọc hiểu quan tâm tới vấn đề người học làm điều gì đó từ những gì họ đã đọc (sử dụng những kiến thức, kĩ năng đọc hiểu như thế nào, để làm gì?).
Với kho thông tin mà người đọc lĩnh hội được, với những kinh nghiệm đã tích lũy và niềm tin được gây dựng họ sẽ được đánh giá ở khả năng sử dụng/kết nối tất cả những thứ đó với cuộc sống bên ngoài.
Đặc trưng thứ ba là đánh giá sáng tạo: Đánh giá sáng tạo thường được sử dụng nhằm tạo động cơ cho người học, giúp họ có trách nhiệm hơn đối với việc học của chính mình.
Nó cũng khiến cho việc kiểm tra, đánh giá trở thành một bộ phận thường trực của kinh nghiệm học tập và gắn chặt với những hoạt động thực tiễn, cho phép nhận dạng và kích thích khả năng sáng tạo của học sinh.
Ở lĩnh vực Đọc hiểu, PISA luôn chú trọng để thiết kế nên những câu hỏi mở giúp học sinh có cơ hội bộ lộ quan điểm và cách cảm nhận cá nhân dựa trên những thao tác lập luận chặt chẽ, những minh chứng có sức thuyết phục.
Những câu hỏi kiểm tra kiến thức đơn thuần hay sự ghi nhớ máy móc được khuyến cáo không sử dụng hoặc hạn chế tới mức thấp nhất.
Trong số những câu hỏi thuộc lĩnh vực Đọc hiểu được OECD phát hành công cộng, chúng ta thấy rất rõ tinh thần này.
Chẳng hạn, học sinh cần đọc 2 lá thư thể hiện quan điểm khác nhau của hai người về Graffiti (một loại nghệ thuật - không cho phép, được người ta tự ý vẽ/viết lên tường hoặc nhiều vị trí khác) để trả lời những câu hỏi như: Em đồng ý với lá thư nào? Tại sao? Hay: Theo em, lá thư nào tốt hơn? Hãy giải thích câu trả lời của em về cách thức của một hoặc cả hai lá thư được viết.
Những câu hỏi này không chỉ đánh giá được mức độ hiểu văn bản của học sinh mà còn giúp cho họ được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân, đưa ra cách đánh giá của riêng họ về vấn đề cần trao đổi.
Mỗi học sinh có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau miễn là thể hiện được quan điểm của bản thân cùng với cách lập luận thuyết phục và minh chứng tin cậy.
Kiến thức từ văn bản Đọc hiểu rất gần gũi, thiết thực, cung cấp cho học sinh cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về Graffiti; từ đó các em có thể tự rút ra cách ứng xử thấu tình đạt lí, điều chỉnh hành động của bản thân một cách phù hợp về hiện tượng này.
Chức năng giáo dục được chuyển hóa trong văn bản đọc hiểu vì vậy mà trở nên linh hoạt, uyển chuyển, có sức tác động lớn với học sinh.
Hay một văn bản khác mang tên Bắt nạt bạn bè cũng đặt ra được những câu hỏi có sức khơi gợi rất lớn. Ví dụ: Tỉ lệ giáo viên ở mỗi cấp học không biết về học sinh của mình đang bị bắt nạt? Hay: Tại sao bài báo lại đề cập tới cái chết của Kiyoteru Okouchi? (nhân vật chính của bài báo đã phải tự tử vì bị bắt nạt).
Những câu hỏi này bên cạnh việc thực hiện tốt sứ mệnh có tính chất chuyên môn của nó (đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh) còn có ý nghĩa giáo dục về những vấn đề đáng báo động (sự thiếu quan tâm của giáo viên; bạo lực trong nhà trường; phản ứng tiêu cực của học sinh khi bị bắt nạt…).
Vấn đề được nêu trong văn bản và cả những câu hỏi đều có sức cuốn hút với học sinh bởi sự gần gũi, dễ hiểu, tính thiết thực, hữu ích.
Điểm mới của PISA còn thể hiện ở cách mã hóa/hướng dẫn chấm các câu trả lời của học sinh. Trong lĩnh vực Đọc hiểu, PISA quy ước sử dụng các chữ số 0 - 1 - 9 hoặc 0 - 1 - 2 - 9 để đánh giá các mức độ đạt yêu cầu của mỗi câu trả lời. Trong đó mức tối đa của câu hỏi sẽ là 1 (đối với câu hỏi có 3 mã 0 - 1 - 9) hoặc là 2 (đối với câu hỏi có 4 mã 0 - 1 - 2 - 9).
Để đạt mức tối đa câu trả lời của học sinh hoàn toàn thỏa mãn với những yêu cầu mà câu hỏi đặt ra được thể hiện trong phần mô tả chung.
Mức chưa tối đa là cách đánh giá những câu trả lời thỏa mãn một phần yêu cầu của câu hỏi mà người thiết kế thấy cần phải ghi nhận những nỗ lực của người làm bài.
Mức không đạt có hai mã, mã 0 dành cho học sinh có làm bài nhưng đó là những câu trả lời sai/không đạt yêu cầu, mã 9 dành cho học sinh không làm bài để giấy trắng/hoặc không có dấu hiệu thực hiện bất cứ một hành động nào để giải quyết yêu cầu của bài tập.
Khi quy về điểm số thì mã 0 và mã 9 là tương đương nhau nhưng hai mã này giúp cho giáo viên phân biệt được năng lực và thái độ của học sinh.
Những câu trả lời mã 0 thể hiện học sinh có cố gắng trong việc giải quyết yêu cầu của câu hỏi, bài tập nhưng do hiểu sai nên làm bài sai, giáo viên sẽ thấy được “vấn đề” để tìm cách xử lí.
Những câu trả lời mã 9 thể hiện hoặc là học sinh không muốn/không thích/ không hợp tác trong việc thực hiện yêu cầu của câu hỏi bài tập hoặc là không hề biết gì về vấn đề đó.
Đối với những trường hợp này, giáo viên sẽ có cách giải quyết/ứng xử hoàn toàn khác với trường hợp mã 0. Trong khi thiết kế câu hỏi môn Ngữ văn, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng quy ước này để đánh giá phần trả lời của học sinh bằng cách sử dụng các mã 0 và 9 đối với những câu hỏi không đạt yêu cầu theo đúng tinh thần PISA.
Các mã tối đa hoặc chưa tối đa chúng ta có thể quy ước thẳng là điểm số. Ví dụ câu hỏi 2 điểm sẽ có mã tối đa là 2 (điểm 2), mã chưa tối đa là 1 (điểm 1).
Các câu nhiều điểm hơn chúng ta làm tương tự, điểm cao nhất cũng là mã tối đa và các mã chưa tối đa sẽ thấp dần.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia phân tích và xử lí số liệu, khi đánh giá kết quả học tập chúng ta nên sử dụng điểm là những số nguyên (không dùng điểm lẻ); với câu hỏi tự luận của môn Ngữ văn nên tách ra các điểm thành phần (tối đa là 4 - 5 điểm) để thuận lợi trong quá trình phân tích, kiểm soát dữ liệu.
2. Phương hướng vận dụng cách thiết kế câu hỏi đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh trong dạy học môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông.
Vận dụng cách đánh giá của PISA, trong khi thiết kế câu hỏi để đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh ở môn Ngữ văn cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, cần chú trọng tới việc đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh chứ không phải chỉ là kiến thức hay kĩ năng đọc hiểu. Điều này có nghĩa với những kiến thức, kĩ năng đọc hiểu được cung cấp, học sinh sẽ vận dụng như thế nào để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế cuộc sống.
Các câu hỏi đánh giá vì vậy cần tính đến môi trường tồn tại thực hoặc giả định nhưng phải có lí, phải chấp nhận được.
Các văn bản/ngữ liệu dùng để đọc hiểu có thể là những văn bản quen thuộc, đã được học cũng có thể là những văn bản mới (có tính chất tương đương về kiểu loại, phù hợp, thiết thực với người đọc…) để học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức kĩ năng đọc hiểu của bản thân để xử lí các yêu cầu cụ thể của câu hỏi.
Thứ hai, cần chú trọng tới việc phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người đọc hạn chế tối đa những câu hỏi chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần hay sự ghi nhớ máy móc.
Nếu muốn kiểm tra việc nắm vững khái niệm có tính chất quan trọng cũng nên thiết kế dưới dạng những câu hỏi cần vận dụng khái niệm đó để giải quyết vấn đề.
Giáo viên nên đầu tư để xây dựng được kiểu câu hỏi mà học sinh có thể đưa ra những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau và biết cách lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.
Những kiểu câu hỏi này sẽ kích thích các em phát triển tư duy phản biện, góp phần khắc phục hạn chế đáng tiếc của học sinh Việt Nam hiện nay.
Đối với môn Ngữ văn, khi giáo viên thiết kế được những câu hỏi có sự nối kết giữa vấn đề đặt ra trong văn bản với thực tiễn cuộc sống cũng sẽ giúp cho học sinh có cơ hội vận dụng những trải nghiệm của bản thân để giải quyết các nhiệm vụ học tập.
Điều này vừa có tác dụng khuyến khích học sinh chủ động tích lũy kinh nghiệm sống, vừa giúp cho môn Ngữ văn gần hơn, gắn bó hơn với cuộc đời.
Thứ ba, cần chú trọng tới tính đa dạng của các kiểu loại văn bản được dùng làm ngữ liệu để kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh.
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc sử dụng ngữ liệu đánh giá năng lực đọc hiểu là những văn bản văn học thú vị hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều giá trị, cũng rất cần chú ý tới những văn bản thông tin có tác dụng làm phong phú và mở rộng cuộc sống cá nhân, cung cấp những kiến thức hữu ích, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, cập nhật được những vấn đề có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Khi mà người đọc có ý thức trong việc kiểm soát những nội dung đọc hiểu để tham gia vào xã hội trên các mặt văn hóa, chính trị … thì ý nghĩa, tác dụng của đọc hiểu càng được mở rộng.
Những ưu việt của PISA là rất rõ và có sức thuyết phục với đông đảo giới nghiên cứu, đội ngũ giáo viên và cả học sinh. Tuy nhiên vận dụng cách đánh giá của PISA để thiết kế câu hỏi đánh giá năng lực Đọc hiểu của học sinh trong dạy học Ngữ văn là cả một quá trình lâu dài, khó khăn, cần được thực hiện từng bước.
THIẾT KẾ CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐỌC HIỂU CỦA HS
Trên cơ sở vận dụng tinh thần của PISA, chúng tôi sử dụng văn bản văn học “Muốn làm thằng Cuội” để thiết kế minh họa một số câu hỏi đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh như sau:
Đọc kĩ bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” và trả lời các câu hỏi:
Đêm thu buồn lắm, chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười
(Ngữ văn 8, Tập 1,NXB Giáo dục 2013)
Câu hỏi 1
Vì sao nhân vật “em” trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội lại có tâm trạng buồn và chán ?
A. Vì cảnh đêm thu lạnh giá cô đơn gợi nỗi buồn sâu thẳm trong ḷòng nhân vật.
B. Vì khát vọng (muốn lên cung trăng chơi) không bao giờ thực hiện được.
C. Vì chị Hằng người bạn thân với nhân vật em nay đã ở một nơi rất xa.
D. Vì cảm thấy chán nản, hoài nghi cuộc sống đáng buồn ở nơi trần thế.
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI: Hướng dẫn mã hóa câu hỏi 1
Mục đích của câu hỏi: Hiểu được tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Mức tối đa:
Mã 1: Đáp án đúng D/Vì cảm thấy chán nản, hoài nghi cuộc sống đáng buồn ở nơi trần thế.
Mức không đạt
Mã 0: Lựa chọn các phương án khác (A,B,C)/Là những phương án nhiễu/sai.
Mã 9: Không trả lời/Học sinh không làm bài.
Câu hỏi 2
Từ “Cung quế” trong bài thơ được hiểu với nghĩa nào sau đây?
· Cung trăng (nơi đó có cây quế)
· Cung cấm (nơi ở của chị Hằng)
· Gốc cây đa (nơi chú Cuội ngồi)
· Cung vua (nơi ở của Ngọc Hoàng)
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI: Hướng dẫn mã hóa câu hỏi 2
Mục đích của câu hỏi: Hiểu được ý nghĩa từ ngữ được dùng trong bài thơ.
Mức tối đa:
Mã 1: Đáp án đúng A/ Cung trăng (nơi đó có cây quế).
Mức không đạt
Mã 0: Lựa chọn các phương án khác (B,C,D)/ Là những phương án nhiễu/sai.
Mã 9: Không trả lời/ Học sinh không làm bài.
Câu hỏi 3
Hãy cho biết các nhận định sau về ý nghĩa cái cười trong hai câu thơ cuối của bài thơ Muốn làm thằng Cuội là ĐÚNG hay SAI? Đúng khoanh vào Đ, sai khoanh vào S.
STT | Ý nghĩa cái cười | Đúng/Sai |
1 | Bộc lộ niềm vui sướng của nhà thơ trước thiên nhiên tươi đẹp | Đ - S |
2 | Cho thấy thái độ bất hòa của tác giả đối với cuộc sống thực tại | Đ - S |
3 | Khẳng định niềm vui về một cuộc sống tự do đầy mộng tưởng | Đ - S |
4 | Thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn thơ lãng mạng pha chút ngông nghênh | Đ - S |
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI: Hướng dẫn mã hóa câu hỏi 3
Mục đích của câu hỏi: Nhận ra được ý nghĩa của một hình ảnh đặc sắc trong văn bản.
Các phương án đúng sẽ là: 1. Sai; 2. Đúng; 3. Đúng; 4. Đúng
Mức tối đa
Mã 2: Khoanh đúng từ 3 đến 4 đáp án.
Mức không tối đa:
Mã 1: Khoanh đúng 2 đáp án.
Mức không đạt:
Mã 0: Khoanh đúng 1 đáp án hoặc không khoanh đúng đáp án nào.
Mã 9: Không trả lời/ Học sinh không làm bài.
Câu hỏi 4
Vì sao nói bài thơ Muốn làm thằng Cuội (Tản Đà) đã thể hiện rõ những tìm tòi đổi mới so với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển? Em hãy đưa ra 2 lí do.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI: Hướng dẫn mã hóa câu hỏi 4
Mục đích của câu hỏi: Giải thích được nét đặc sắc về nghệ thuật của văn bản.
Mức tối đa:
Mã 2: Học sinh lập luận logic, diễn đạt mạch lạc và đưa ra được 2 trong những lí do sau ở câu trả lời: hồn thơ, tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ.
+ Hồn thơ lãng mạn, bay bổng pha chút ngông nghênh, kiêu bạc thể hiện rõ cái tôi cá nhân của Tản Đà; ngôn ngữ: trong sáng, bình dị, gần gũi, có giá trị biểu cảm cao (buồn lắm, chán nửa rồi, xin chị, can chi, thế mới....)
+ Tứ thơ: lạ, hóm hỉnh, thể hiện được chiều sâu ý nghĩa: tấm lòng của tác giả với cuộc đời (khác với vẻ đẹp ước lệ, tượng trưng của thơ ca cổ); hình ảnh thơ: độc đáo, sáng tạo, có sức khơi gợi (vượt ra khỏi thế giới của những hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng quen thuộc trong thơ Đường).
…
Mức chưa tối đa
Mã 1: Học sinh nêu được một trong 2 lí do đã đề cập ở trên.
Mức không đạt
Mã 0: Các câu trả lời chung chung, mơ hồ, lạc đề, không đúng yêu cầu câu hỏi. Ví dụ:
Bài thơ đã có những tìm tòi đổi mới thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển của tác giả.
Bài thơ rất hay, khác hẳn những bài thơ thất ngôn bát cú khác.
Bài thơ được làm theo thể thất ngôn bát cú.
…
Mã 9: Không trả lời/ Học sinh không làm bài.
Câu hỏi 5
Nhân vật em trong bài thơ muốn rời xa cuộc sống thực tại để vơi bớt đi những buồn phiền, sầu muộn trong lòng. Em có đồng ý với cách giải quyết đó không? Vì sao?
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI: Hướng dẫn mã hóa câu hỏi 5
Mục đích của câu hỏi: Phản hồi, đánh giá bằng cách kết nối được những vấn đề đặt ra trong văn bản và thực tiễn cuộc sống.
Mức tối đa:
Mã 2: Học sinh đưa ra được quan điểm; lập luận logic, diễn đạt mạch lạc; có sức thuyết phục (biết đặt vào từng hoàn cảnh xã hội cụ thể để lí giải).
+ Không đồng ý, vì đó chỉ là những ý tưởng viển vông, không có trong thực tế; không cải tạo được hoàn cảnh.
+ Có thể chấp nhận được, vì trong xã hội thời bấy giờ những trí thức như nhà thơ khó có thể làm được điều gì hơn.
+ Có thể chấp nhận được, khi người ta biết rõ mình không thể làm gì khác; mơ ước cũng có ích lợi nhất định.
+ Rất khó để có được quan điểm rõ ràng, phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, phải biết người đó như thế nào mới đánh giá được cách lựa chọn của họ.
…
Mức chưa tối đa:
Mã 1: Học sinh đưa ra được quan điểm; lập luận logic, diễn đạt tương đối rõ ràng; có thể chấp nhận được.
+ Không đồng ý, vì những kiểu mơ ước như vậy chẳng giải quyết được gì.
+ Đồng ý, vì đôi lúc mơ ước cũng giúp người ta đỡ buồn.
+ Rất khó nói, vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan hoặc chủ quan.
…
Mức không đạt:
Mã 0: Các câu trả lời chỉ nêu quan điểm mà không giải thích; mơ hồ, chung chung; không đúng yêu cầu câu hỏi.
· Em không đồng ý.
· Em cũng có những mơ ước như vậy.
· Mơ ước thật thú vị.
· …
Mã 9: Không trả lời/ Học sinh không làm bài.