Vận dụng cách đánh giá PISA trong ra đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014

GD&TĐ - Trong dạy học và kiểm tra đánh giá rất cần thiết vận dụng cách đánh giá của PISA vào các môn học, trong đó có môn đọc hiểu.

Vận dụng cách đánh giá PISA trong ra đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”, với mục đích: nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.

Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài viết thảo luận về vấn đề nêu trên. 

Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn; 

ttkdung@moet.edu.vn; 

pthien@moet.edu.vn  

Trân trọng cảm ơn!    

Bởi năng lực đọc hiểu bao gồm các quá trình: Đọc, Hiểu, Liên kết, Ứng dụng, Thực hành, Phát triển tiềm năng cá nhân, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Đọc hiểu bao gồm cả việc đọc tất cả các loại văn bản thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống loài người: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ... Văn bản nghệ thuật, văn bản khoa học, văn bản hành chính, văn bản chính luận, văn bản báo chí...

Đánh giá năng lực đọc hiểu của người học chính là cách đánh giá toàn diện, khách quan, hiệu quả về quá trình học tập, sáng tạo của người học.

Vận dụng cách đánh giá PISA vào môn đọc hiểu phục vụ ra câu hỏi trong kỳ thi tốt nghiệp và đại học năm 2014

Trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm nay ( 2014) chưa nên vận dụng cách đánh giá của PISA cho việc ra toàn bộ đề thi. 

Bởi việc thi là khâu đánh giá một quá trình học của học sinh. Chương trình học của học sinh phổ thông ở nước ta có nhiều điểm khác với các nước trên thế giới. 

Để vận dụng cách đánh giá của PISA cho toàn bộ đề thi cần phải có thời gian, cần phải có sự đổi mới từ nội dung chương trình đến cách giảng dạy và cách học.

Tuy nhiên, xét về những phạm vi nhỏ của một số môn học, đặc biệt là đối với việc kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh thì ta có thể vận dụng cách đánh giá của PISA cho một phần của đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm nay.

Câu hỏi trong kỳ thi tốt nghiệp và đại học năm 2014

* Dung lượng: Chiếm khoảng 20% của đề thi.

* Mức độ:

- Câu hỏi phát hiện.

- Câu hỏi yêu cầu trả lời ngắn.

* Cách thức ra câu hỏi:

Có thể trích một đoạn văn trọn vẹn về ý hoặc chọn một văn bản ngắn khoảng vài chục từ (có thể là truyện ngụ ngôn, một bản tin, một văn bản hành chính (đơn từ, biên bản, thông báo...), một bài thơ ngắn); ra câu hỏi yêu cầu điền thông tin, số liệu hoặc chọn đáp án đúng hoặc trả lời ngắn (về nội dung văn bản, về hình thức văn bản, về dụng ý của tác giả, về thái độ của người đọc... ).

* Cách thức đánh giá: Đáp án đánh giá nhiều mức độ, thí sinh đạt mức độ nào cho điểm mức độ ấy.

- Mức độ tối đa (điểm tối đa): thí sinh trả lời đúng và đủ về vấn đề yêu cầu.

- Mức độ 50% ( đạt nửa số điểm): thí sinh trả lời đúng 50% vấn đề yêu cầu.

- Mức độ 20%.( đạt 25% số điểm): thí sinh trả lời đúng 25% vấn đề yêu cầu

- Mức độ 0 (đạt điểm 0).

ĐỀ THI THAM KHẢO VÀ ĐỀ XUẤT CÁCH ĐÁNH GIÁ

Ví dụ 1:

Đọc văn bản sau:

Nơi dựa

Người đàn bà dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?

Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào...

Đưa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, hai bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

* * *

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)

a. Anh (chị) hãy nói về nội dung chính của văn bản trên bằng một, hai câu ngắn gọn? (1,0 điểm)

b. Nhận xét ngắn gọn về hình thức của văn bản? (1,0 điểm)

- Cách đánh giá:

a. + Điểm 1,0 với các câu trả lời nhắc đến nơi dựa tinh thần của con người. Có thể trả lời một trong các trường hợp sau:

- Cuộc sống của con người rất cần chỗ dựa về tinh thần.

- Nơi dựa tinh thần của con người có sức mạnh lớn lao.

- Ai cũng cần có chỗ dựa tinh thần.

- Mỗi người cần có nơi dựa của mình ( Đó là nơi con người tìm thấy niềm vui sống) .

- ...

+ Điểm 0,5 với các câu trả lời nhắc đến nội dung của văn bản nhưng chưa thật rõ. Có thể trả lời một trong các trường hợp sau:

- Nơi dựa ở đây không phải về vật chất.

- Người mẹ trẻ đẹp dựa vào đứa bé bước còn chưa vững. Người chiến sĩ dạn dày chiến đấu dựa vào bà cụ lưng còng, bước đi run rẩy.

- Sức mạnh của tình mẫu tử.

- ...

+ Điểm 0 với các câu trả lời nhắc đến các nội dung không liên quan đến vấn đề mà văn bản đề cập đến. Ví dụ:

- Người lính dắt bà cụ lưng còng.

- Người mẹ dắt đứa trẻ trên đường.

- ...

b. + Điểm 1,0 với các câu trả lời nhắc tới hình thức của văn bản nghệ thuật. Có thể trả lời một trong các trường hợp sau:

- Đây là một văn bản ngắn gọn, hàm súc, giàu hình tượng và sức gợi.

- Đây là một văn bản nghệ thuật.

- Văn bản như một bài thơ giàu sức gợi.

+ Điểm 0,5 với các câu trả lời nhắc tới hình thức của văn bản nhưng chưa ró là văn bản nghệ thuật. Ví dụ:

- Văn bản diễn đạt thú vị.

- Văn bản diễn đạt cũng không đến nỗi khó hiểu.

- Văn bản có hình tượng nghệ thuật thú vị.

- ...

+ Điểm 0 với các câu trả lời nhắc đến các nội dung không liên quan đến vấn đề mà văn bản đề cập đến. Ví dụ:

- Văn bản của Nguyễn Đình Thi.

- Văn bản in trong tập “Tia nắng”.

- ...

Ví dụ 2:

Đọc văn bản sau:

Hỏi

“ Tôi hỏi đất:

- Đất sống với đất như thế nào ?

- Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:

- Nước sống với nước như thế nào ?

- Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:

- Cỏ sống với cỏ như thế nào ?

- Chúng tôi đan vào nhau.

Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào ?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào ?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào ?”

(Hữu Thỉnh)

a. Anh ( chị ) hãy giúp nhà thơ trả lời câu hỏi trong bài thơ trên bằng một, hai câu ngắn gọn? (1,0 điểm)

b. Hãy nêu thông điệp mà nhà thơ muốn gủi đến cho bạn đọc? (1,0 điểm)

- Cách đánh giá:

a. + Điểm 1,0 với các câu trả lời nhắc đến lối sống đẹp của con người. Có thể trả lời một trong các trường hợp sau:

- Con người sống với nhau cần lòng vị tha và tình đoàn kết.

- Nhân ái và đoàn kết là sức mạnh của con người.

- Đất nước, cây cỏ cũng cần có nhau, huống chi con người.

- Sống trên đời cần có một tấm lòng: nhân ái, vị tha.

- ...

+ Điểm 0,5 với các câu trả lời nhắc đến nội dung của văn bản nhưng chưa thật rõ. Có thể trả lời một trong các trường hợp sau:

- Người với người sống tôn cao nhau, đan vào nhau.

- Người với người cần có nhau.

- ...

+ Điểm 0 với các câu trả lời nhắc đến các nội dung không liên quan đến vấn đề mà văn bản đề cập đến. Ví dụ:

- Hữu Thỉnh hỏi nhiều sự vật.

- Nhà thơ băn khoăn về con người .

- Bài thơ là một câu hỏi.

- ...

b. + Điểm 1,0 với các câu trả lời nhắc tới thông điệp của nhà thơ về lối sống vị tha của con người. Có thể trả lời một trong các trường hợp sau:

- Nhà thơ khuyên con người xây dựng cho mình lối sống đẹp: nhân ái, vị tha, đoàn kết.

- Nhà thơ gủi gắm triết lý về lẽ sống cao đẹp.

- Nhà thơ phê phán lối sống cá nhân ích kỉ.

- ...

+ Điểm 0,5 với các câu trả lời nhắc tới thông điệp của văn bản nhưng chưa rõ Ví dụ:

- Lời khuyên bổ ích.

- Răn dạy con người.

- Gợi suy nghĩ về lối sống của con người

- ...

+ Điểm 0 với các câu trả lời nhắc đến các nội dung không liên quan đến vấn đề mà văn bản đề cập đến. Ví dụ:

- Bài thơ hàm súc.

- Văn bản ngắn gọn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ