Đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh phổ thông qua đề thi và hướng dẫn chấm môn Ngữ văn theo hướng mở

GD&TĐ - Là một môn học công cụ quan trọng, Ngữ văn có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển các năng lực chung cho HS.

Đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh phổ thông qua đề thi và hướng dẫn chấm môn Ngữ văn theo hướng mở

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”, với mục đích: nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.

Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài viết thảo luận về vấn đề nêu trên.

Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn

ttkdung@moet.edu.vn;

pthien@moet.edu.vn

Trân trọng cảm ơn!

Đổi mới nội dung chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK), phương pháp dạy học (PPDH), kiểm tra đánh giá (KTĐG) kết quả học tập môn Ngữ văn của học sinh (HS) phổ thông đang nhận được sự quan tâm và đóng góp công sức, trí tuệ rất lớn từ các nhà giáo, các nhà khoa học. 


Mỗi nhà giáo trực tiếp làm công tác quản lý, giảng dạy môn Ngữ văn tại trường phổ thông sẽ là nhân tố quan trọng góp phần hiện thực hóa quá trình đổi mới đó.

Là một môn học công cụ quan trọng, Ngữ văn có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển các năng lực (NL) chung cho HS. 

Bên cạnh đó, đây là môn học rất quan trọng để góp phần hình thành con người có những phẩm chất tốt đẹp sau khi tham gia vào quá trình học tập. Định hướng đổi mới CT hướng đến điều chỉnh cân đối giữa dạy chữ với dạy người càng khẳng định vai trò của môn Ngữ văn trong việc hoàn thành mục tiêu giáo dục phổ thông nói chung.

Quá trình đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo hướng đánh giá NL và phẩm chất người học sẽ có tác dụng thúc đẩy trở lại để quá trình đổi mới PPDH thực sự đi vào chiều sâu và triệt để. Để thực hiện tốt yêu cầu đổi mới này, việc thay đổi lối tư duy, phương thức tiến hành đánh giá, cách thức ra đề và chấm bài cho HS phải được thay đổi căn bản. 

Các đề thi và hướng dẫn chấm mở vừa là một mục đích, vừa là cách thức, giải pháp đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn của HS phổ thông.

I. Yêu cầu đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh trong môn Ngữ văn

Theo tinh thần đổi mới giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục phổ thông, môn Ngữ văn cũng đang hòa vào tiến trình này một cách mạnh mẽ. Có thể khái quát một số yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản:

Một là: Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”; đánh giá được sự tiến bộ về phẩm chất và NL của người học.

Hai là: Đa dạng hóa các hình thức đánh giá: phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, của xã hội.

Ba  là: Sử dụng đa dạng và linh hoạt các phương pháp đánh giá, kiểm tra. Sử dụng nhiều hình thức kiểm tra phù hợp với tình hình cụ thể của HS.

Bốn  là: Góp phần đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Môn Ngữ văn là môn học công cụ bắt buộc, có vai trò quan trọng trong kỳ thi và việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập của HS sau khi kết thúc giai đoạn học phổ thông. Vì thế, môn học phải hòa vào việc đổi mới chung.

II. Vai trò của kiểu đề kiểm tra theo hướng mở đối với việc đánh giá quá trình phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh

Định hướng phát triển NL và phẩm chất của người học đối với CT giáo dục kéo theo yêu cầu tất yếu phải đổi mới về PPDH. Tuy nhiên, khắc phục những hạn chế, yếu kém trì trệ về PPDH Ngữ văn không phải là điều dễ dàng. 

Nhất là khi mà việc thi và kiểm tra vẫn lạc hậu, lối mòn. Đổi mới cách thức ra đề thi, trong đó có đề thi theo hướng mở sẽ là một giải pháp quan trọng. Vậy nó có vai trò gì trong việc phát triển NL và phẩm chất của người học?

Đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng mở có vai trò gián tiếp thúc đẩy hình thành và phát triển NL, phẩm chất của người học. Điều này có thể thấy rõ qua việc phân tích mối quan hệ biện chứng giữa PPDH và KTĐG.

Hiện nay, CT môn Ngữ văn chú trọng cung cấp kiến thức hơn là rèn NL và phẩm chất cho HS. Điều này dẫn đến PPDH phải làm sao để HS có kiến thức sâu rộng. Cố nhiên, việc hình thành kiến thức các môn học cho HS là rất quan trọng.

Nhưng khi chúng ta không dung hòa được giữa dạy kiến thức và NL, phẩm chất thì khả năng vận dụng kiến thức đó của người học không hiệu quả. Như thế thì kiến thức dù sâu rộng bao nhiêu cũng là vô ích.

Việc dạy học như vậy dẫn đến việc ra đề thi và kiểm tra hoàn toàn đóng kín trong khung kiến thức đã được học. Đó là nguyên nhân vì sao đề thi khó có thể có tính thực tiễn, hấp dẫn. Đề thi không đánh giá được NL, chỉ đánh giá được kiến thức.

Thậm chí, kiến thức ấy cũng chỉ mang tính ghi nhớ rồi tái hiện máy móc. HS bị biến thành cái máy phát thanh lời bình của thầy, của sách (mà vẫn không tốt). Sự sáng tạo, NL toàn diện của HS không được phát huy.

Ở chiều ngược lại, việc ra đề thi máy móc, đóng kín đã tác động ngược lại (theo hướng tiêu cực) đối với PPDH. Đề thi máy móc, thiếu sáng tạo, không phát huy được trí thông minh của HS, không có đất cho HS thể hiện sự phát triển NL của mình thì tất yếu HS phải học vẹt, học tủ, học ghi nhớ máy móc. 

Đây là lý do tại sao những HS thông minh, sáng tạo thường chán ngán học và thi Ngữ văn, thậm chí có tâm lý coi thường các khoa học xã hội nói chung.

Đề thi, kiểm tra theo hướng mở sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng trên. Khi chúng ta có đề mở, đề đòi hỏi HS phải có nhiều NL chung và chuyên biệt mới có thể giải quyết được thì nghiễm nhiên người giáo viên không thể dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều.

Giáo viên phải bắt đầu dạy từ kỹ năng, NL cho HS. Khi đó bài học chỉ đơn giản là một lát cắt những tình huống vô cùng sinh động của cuộc sống muôn màu (trong đó có đời sống văn học, ngôn ngữ, giao tiếp ... mà môn Ngữ văn có liên quan).

Vậy là đề thi đổi mới đã gián tiếp tự nó lôi kéo đổi mới PPDH một cách tự nhiên, bền vững. PPDH sẽ khơi dậy những NL quan trọng của người học để phục vụ cho cuộc sống mà bấy nay ngủ quên. Đó là vai trò phát triển NL của kiểu đề thi mở.

Đề thi theo hướng mở tham gia trực tiếp hình thành, củng cổ các NL cho người học. Điều này khá dễ hiểu. Bởi vì, để giải quyết được tất cả các nhiệm vụ của một đề thi, một bài kiểm tra theo hướng mở, đòi hỏi HS phải được trang bị (đến mức thành thạo) nhiều kỹ năng, NL.

Với các yêu cầu về đọc - hiểu tác phẩm văn chương, yêu cầu đọc - hiểu các văn bản thông thường trong cuộc sống, yêu cầu sử dụng tiếng mẹ đẻ, yêu cầu tạo lập các loại văn bản phục vụ cuộc sống ... 

HS thêm một lần được củng cố, rèn luyện nhiều NL, nhất là NL giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, cảm thụ văn chương. Với số lượng bài kiểm tra và thi khá lớn, trải qua nhiều năm học tập, các NL của HS được hình thành tự nhiên và có chiều sâu.

Một vai trò nữa cần thấy rõ của đề mở là có khả năng bồi đắp, phát triển phẩm chất, tư tưởng cho người học. Khi giải quyết đề kiểm tra theo hướng mở, HS có cơ hội bộc lộ mọi phẩm chất tốt đẹp và cả những sai trái, lệch lạc về tư tưởng. (Trong khi lối kiểm tra máy móc thì HS không thể hiện đúng phẩm chất, thậm chí giả dối về phẩm chất, tư tưởng).

Đây là thước đo chính xác những phẩm chất, tư tưởng, tình cảm của HS mà chúng ta đang cần đạt đến trong mục tiêu môn học. Thông qua sự thể hiện phẩm chất, tình cảm như vậy của HS, giáo viên và cán bộ quản lý sẽ nhận được thông tin phản hồi để điều chỉnh kịp thời nội dung và PPDH. Tức là sẽ ngay lập tức tìm ra hướng để bồi dưỡng phẩm chất cho HS.

Nếu chúng ta đứng ở góc độ KTĐG để nhìn nhận về đề mở thì thấy rằng so với kiểu ra đề máy móc, đề mở có hiệu quả hơn trong việc KTĐG các NL, phẩm chất của người học.

Đề mở sẽ đo được nhiều năng lực hơn, thể hiện chính xác tư tưởng, tình cảm và cả trí tuệ của người học. Việc phải vận dụng nhiều NL để giải quyết nhiệm vụ của đề thi, kiểm tra sẽ giúp giáo viên đánh giá đúng NL của HS ở mức độ nào. Hơn nữa, nó giúp đánh giá được phương pháp rèn luyện NL cho HS đã thực sự hiệu quả chưa, có cần thay đổi gì không?

III. Đề xuất hướng ra đề thi mở

1. Tài liệu ra đề thi, kiểm tra đánh giá mở

Thực tế hiện nay cho thấy, tâm lý thực dụng thi gì học nấy, học ứng thí vì những lợi ích tứ thời đang rất phổ biến. Điều này là xu hướng tất yếu của nhu cầu xã hội. Theo quan điểm cá nhân, đây không phải là nhận thức sai lầm, mà nó chỉ thiếu sự hài hòa trong mục đích, động cơ học tập và thi.

Vậy nên, chúng ta đổi mới KTĐG thì không thể (nhấn mạnh) mong muốn làm cho cả xã hội thay đổi quan niệm: không phải học để thi mà là học làm người. Thử hỏi, nếu học mà không để thi thì tương lai cuộc sống sẽ ra sao? Vậy, vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải đổi mới cách KTĐG để làm hài hòa mục đích học để làm người và học để thi.

Chỉ khi nào hài hòa được những lợi ích này, biến những điều xa nhau ấy thành một thì mới có thể thay đổi cách học. Và cũng chỉ khi đó chất lượng học tập mới được nâng cao thực chất. Để làm được điều này thì cần cả một hệ thống giải pháp. 

Dưới đây là một giải pháp mà thiết nghĩ là khả thi và hữu ích đối với môn Ngữ văn:

- Tuyển lựa lại những văn bản tác phẩm và những loại văn bản khác thực sự có giá trị để giảng dạy. Tiêu chí tuyển lựa có thể dựa và thể loại và kiểu văn bản (như CT hiện hành đã làm). Các văn bản tác phẩm này phải thực sự có giá trị văn chương nghệ thuật sâu sắc, có tính nhân văn, tính dân tộc, tính nhân loại...

Hơn nữa, cố gắng tuyển lựa các văn bản có khả năng đứng vững với thời gian, tránh lạc hậu quá nhanh. Bên cạnh đó, xem xét thêm về tính hợp lý, hệ thống, hiện đại, hội nhập quốc tế của các năng lực ngôn ngữ và làm văn.

- Các văn bản và hệ thống ngữ liệu phục vụ giảng dạy dứt khoát không dùng để ra đề thi một cách trực tiếp (có thể sử dụng gián tiếp).

- Xây dựng mang tính định hướng một hệ thống văn bản và ngữ liệu có thể sử dụng cho việc ra đề thi và KTĐG. Coi đây như là tài liệu để HS phát huy các NL đã được hình thành. HS tự học với định hướng đó. Trên cơ sở đó, đề thi, kiểm tra sẽ được thiết lập. 

Đây là giải pháp để giảm dần việc học vẹt, học tủ, máy móc và cả lối dạy áp đặt của giáo viên đã tồn tại bấy lâu nay. Đề thi và kiểm tra được ra như vậy buộc HS phải có NL tự học và rất nhiều NL chung, NL chuyên biệt gắn với bộ môn Ngữ văn thì mới có thể thi. Muốn thế thì chỉ có cách là giáo viên thay đổi cách dạy và HS thay đổi cách học.

- Tăng cường định hướng các tài liệu học tập hiện đại, cập nhật thực tiễn đời sống để hỗ trợ cho các tài liệu, ngữ liệu học tập thuộc phần cứng. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý các cấp, nhất là tại cơ sở giáo dục phải thực sự vào cuộc, có NL thì mới làm được.

- Đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu phương pháp và thực hành phát triển CT giáo dục nhà trường để cụ thể hóa, mềm hóa CT giáo dục chung. Trong phạm vi có thể, gắn với từng địa phương, đề thi và kiểm tra phải gắn với các nội dung trong CT giáo dục nhà trường và địa phương.

Thiết nghĩ rằng, đây là những biểu hiện sinh động của tính chất mở trong đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn mà chúng ta đang hướng đến.

2. Tính chất mở của đề kiểm tra, thi môn Ngữ văn

Một đề thi, kiểm ta môn Ngữ văn theo hướng mở được đánh giá dựa trên tính chất sáng tạo, tự do của đề đó. Thông thường, do nhiều nguyên nhân, đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn thường có xu hướng đóng kín. HS không cần vận dụng nhiều kiến thức, kỹ năng, nhất là kiến thức liên môn, tich hợp. 

Hình thức ra đề này càng khép kín về khả năng bộc lộ quan điểm, suy nghĩ, tư tưởng của cá nhân người học. Điều đó kéo theo việc đóng kín, không cho phép HS sáng tạo trong cách thức trình bày, biểu đạt tư tưởng của mình. 

Hệ lụy của sự đóng này là triệt tiêu sự năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động của HS trong học tập. Lối đánh giá máy móc vô hình chung không những không tạo động lực đổi mới PPDH mà còn kìm hãm quá trình đổi mới đó.

Vậy, để có thể có những đề thi, kiểm tra theo hướng mở trong môn Ngữ văn, chúng ta cần nhận ra rõ tính chất mở của đề thi, kiểm tra. Cần xem xét tính mở ấy trên tất cả các phương diện:

- Mở về phạm vi kiến thức bộ môn cần vận dụng: Đề thi, kiểm tra phải đáp ứng được yêu cầu vận dụng nhiều kiến thức của bộ môn để giải quyết các nhiệm vụ. Như đã nói, kiến thức đó nhất định không dùng lại những điều thầy đã giảng trên lớp. Phải sử dụng NL được hình thành, các kiến thức cơ bản (có tính chất công cụ) để giải quyết những vấn đề đạt ra.

- Mở về tính liên môn và tích hợp kiến thức: Đề thi cần nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn, kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực được học và tìm hiểu để giải quyết. Tình trạng học lệch, học tủ của đa số HS sẽ được giảm thiểu rất nhiều nếu đề thi có tính liên môn tốt. 

Tuy vậy, khi ra đề mở theo hướng liên môn, tích hợp nhiều kiến thức, kỹ năng cần đảm bảo nguyên tắc vừa sức, tích hợp một cách tự nhiên, tránh khiên cưỡng, cứng nhắc.

- Mở về yêu cầu NL: Đề mở phải thể hiện ở sự rộng mở về các yêu cầu NL cần vận dụng để giải quyết vấn đề. Các NL chung, NL chuyên biệt mà môn Ngữ văn có ưu thế thì cần ưu tiên để yêu cầu vận dụng trong quá trình làm bài. 

Chẳng hạn, các NL: giao tiếp, sử dụng tiếng mẹ đẻ, đọc - hiểu, cảm thụ văn chương... Cố gắng khắc phục hiện tượng yêu cầu ghi nhớ máy móc kiến thức đã và đang tồn tại hiện nay.

- Mở về yêu cầu tăng tính thực tiễn, thực hành vận dụng giải quyết các tình huống cụ thể: Một trong những tiêu chí quan trọng nhất, cũng là yêu cầu của đề mở là phải mở về khả năng vận dụng kiến thức, huy động các năng lực để giải quyết tình huống thực tiến. 

Muốn vậy thì đề mở phải giảm thiểu yêu cầu HS ghi nhớ máy móc kiến thức. Đề cần đưa ra những vấn đề có tình thời sự, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc để gắn việc học của HS vào đời sống. Đề mở theo hướng này sẽ tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho HS.

- Mở về tư tưởng, phẩm chất thể hiện qua bài kiểm tra: Một yêu cầu quan trọng nữa thể hiện tính chất mở của đề thi môn Ngữ văn là khả năng mở về tư tưởng và phẩm chất cho người học. 

Đề thi sẽ phải tạo điều kiện để HS thể hiện tư tưởng của mình một cách trung thực nhất, rõ nét nhất. Tôn trọng những ý kiến, cách nhìn nhận, quan điểm của cá nhân người học về các vấn đề được đặt ra. 

Đề thi phải dũng cảm chấp nhận mọi hướng tích cực hoặc tiêu cực của HS. Đề thi đưa ra được các vấn đề để đánh giá việc bồi đắp tình cảm, nhân cách, phẩm chất của người học, như: lòng nhân ái, vị tha, yêu dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, sống có lương tâm, hướng đến cái đẹp, cái thiện...

- Mở về cách thức biểu đạt của HS: Đề mở còn thể hiện ở yêu cầu về cách biểu đạt, trình bày của HS để thực hiện yêu cầu của đề. 

Theo hướng này, đề thi không nên gò bó, bắt buộc HS trình bày, biểu đạt theo một cách nào cứng nhắc. Khuyến khích sử dụng sáng tạo các phương tiện biểu đạt bằng tiếng mẹ đẻ để diễn đạt suy nghĩ và ý kiến của mình.

3. Định hướng đóng của đề mở

Đề mở trong môn Ngữ văn không vì mở mà có thể tùy tiện trong nội dung, không thể phá vỡ mọi quy chuẩn, giới hạn. Nói như vậy có nghĩa là cần định hướng đóng cho một đề bài mở. Cần lưu ý một số vấn đề (tạm gọi là đóng):

- Mở không có nghĩa là phá vỡ mọi giới hạn chuẩn mực: Đề thi mở rất dễ dẫn đến việc hiểu cực đoan về mặt tư tưởng, suy nghĩ. Cần tập cho giáo viên ra đề mở nhưng hướng đến những chuẩn mực của luật pháp, văn hóa, đạo đức tốt đẹp. 

Không chấp nhận những biểu hiện lệch lạc, xấu xa khi thể hiện quan điểm qua việc ra đề mở. Bản thân giáo viên phải đưa ra những vấn đề, những yêu cầu sát với chuẩn mực. Tránh tình trạng đưa vào đề thi những thứ tạp hóa của cuộc sống và văn chương.

- Mở không chấp nhận tùy tiện về kỹ năng, NL: Người ra đề mở môn Ngữ văn cũng cần phải làm sao đưa ra được những yêu cầu để HS vừa phát huy hết NL, phẩm chất của mình, nhưng không vì thế mà tùy tiện trong cách trình bày, diễn đạt. 

Nếu không thì việc đánh giá việc học không chính xác, không đáp ứng được mục tiêu giáo dục chung. Bên cạnh đó, nếu không có định hướng đúng về kỹ năng, NL, đề mở lại trở thành cản trở cho sự phát triển NL người học đã được định hướng.

ĐỀ XUẤT HƯỚNG XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI       MÔN NGỮ VĂN THEO HƯỚNG MỞ

Để đề thi theo hướng mở của môn Ngữ văn có giá trị, có thể được vận dụng hiệu quả thì việc đề ra hướng dẫn chấm, thực hiện hướng dẫn chấm cũng cần phải mở. Dưới đây là những đề xuất cho hướng dẫn chấm mở:

1. Hướng dẫn chấm cần bảo đảm kiến thức, NL và phẩm chất cần thiết theo chuẩn: Đề thi mở thì hướng dẫn và cách chấm bài, đánh giá HS cũng phải mở. Nhưng, dù mở thế nào thì cũng phải bám vào một điểm chung đó là chuẩn. 

Dựa trên chuẩn đã xây dựng để định hướng cho những yêu cầu về kiến thức, NL, phẩm chất của người học. Vấn đề cần đặt ra là phải hài hòa được các yêu cầu này theo chuẩn. Người giáo viên phải là người nắm rõ các chuẩn của chương trình để xác định rõ phần cứng và phần mở.

2. Đảm bảo yêu cầu cao về NL và phẩm chất của người học, hài hòa yêu cầu về kiến thức: Như đã nói ở trên, đề mở là mở cả về kiến thức, NL và phẩm chất, tư tưởng của người học. 

Tuy vậy, không nên cực đoan, quá xem trọng các NL và phẩm chất trong yêu cầu của hướng dẫn chấm, đánh giá mà quên mất việc đánh giá tri thức, hiểu biết của HS. 

Bất kỳ sự đổi mới nào thì cũng không thể bỏ qua yêu cầu trau dồi tri thức. Phải hài hòa được các yêu cầu này. Đây cùng là xu hướng mà việc đổi mới đang hướng đến.

3. Tạo những khoảng mở cho người chấm đánh giá sự sáng tạo của HS: Khi vận dụng việc ra đề mở, giáo viên thường vấp phải một rào cản đó là tâm lý khó chấp nhận tu duy mở khi chấm bài cho HS. 

Giáo viên quen nghe những điều HS nói theo mình, nói theo sách, không dễ chấp nhận những cái riêng của HS. Đó là chưa kể việc nhiều giáo viên chưa đủ khả năng đánh giá những sự sáng tạo của HS. 

Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, giáo viên thường lựa chọn phương án nêu yêu cầu chấm bài đóng. Điều này là cho việc chấm bài theo hướng mở không thể đúng như mong muốn. 

Vậy, đưa ra yêu cầu cho việc đánh giá bài kiểm tra (hướng dẫn chấm) thì nhất thiết phải có những khoảng mở rộng rãi để chính người chấm được mở. Phải có niềm tin vào giáo viên, phải thay đổi được tư duy và cả NL của họ để có thể chấm bài mở.

Thực tế những năm gần đây, nhiều đề thi của nhiều địa phương, nhiều giáo viên đã là rất tốt điều này. Đề thi và hướng dẫn chấm đã thực sự mở. Nó tạo được sự đồng thuận rộng rãi của cả giáo viên, HS và dư luận xã hội. Tiếc là xu hướng này chưa trở thành phổ biến!

4. Chú trọng đặc trưng môn học công cụ và nghệ thuật của bộ môn để hướng dẫn chấm thực sự có ý nghĩa khi mở.

Với đặc thù là môn học công cụ, môn Ngữ văn cung cấp công cụ giao tiếp, tư duy và nhiều công cụ khác cho con người tồn tại và phát triển. 

Yêu cầu của một hướng dẫn chấm cần phải chú ý tới điều này. Cần cho phép người làm bài vận dụng những công cụ đó tốt nhất, sáng tạo nhất để biểu đạt tư tưởng. Không gò bó sự vận dụng công cụ giao tiếp, tư duy trong một khuôn khổ quá chật hẹp.

Mặt khác, Ngữ văn là môn học nghệ thuật, mà nghệ thuật thì cần sự sáng tạo không ngừng để tồn tại. HS học cách đọc - hiểu văn bản chính là học cách tiếp nhận tác phẩm văn chương, học cách làm một người đọc thông minh và có học. Vì thế, hướng dẫn chấm cho một đề mở phải tạo một khoảng mở thật rộng để người học thể hiện khả năng nghệ thuật của mình. 

Điều đó còn tạo cơ hội cho người chấm có thể nghe, thấu hiểu và trân trọng cảm thụ riêng của người học. Làm được điều này không dễ, nhưng không quá khó. Và khi làm được thì hứng thú của người học sẽ thay đổi hoàn toàn.

Đổi mới hướng ra đề và cách chấm bài như vậy ngoài ý nghĩa to lớn là đánh giá quá trình hình thành và phát triển NL, phẩm chất của người học, còn là một giải pháp quan trọng để tác động ngược lại việc đổi mới PPDH. 

Hơn nữa, đây là một trong những yếu tố chính để khắc phục tình trạng nhàm chán, nặng nề, không còn hấp hẫn và hứng thú học tập đối với môn Ngữ văn của nhiều HS hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.
Thường trực Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng bà Trần Thị Diệu Thúy, ông Dương Ngọc Hải và ông Võ Ngọc Quốc Thuận tại kỳ họp thứ 15, HĐND TPHCM khóa X. (Ảnh: Thành Nhân).

TPHCM có hai tân Phó Chủ tịch UBND

GD&TĐ - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Dương Ngọc Hải được bầu làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố.