Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em: Cần đặc trị “yêu râu xanh” bằng thiến hóa học

Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em: Cần đặc trị “yêu râu xanh” bằng thiến hóa học

Những con số gây nhức nhối

Cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nước ta được đánh giá là có nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng.

Báo cáo trước Quốc hội ngày 27/5/2020, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn Giám sát của Quốc hội nêu rõ: Trẻ em hiện chiếm khoảng 30% dân số cả nước. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Hình thức phổ biến nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Bàn về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xử lý nghiêm hành vi xâm hại trẻ em. Hình thức xử phạt càng nặng, càng có tính răn đe và hạn chế vi phạm”.

Theo đánh giá chung, số lượng các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế. Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện…

“Đề xuất “thiến hoá học” đối với kẻ xâm hại trẻ em là đề xuất đã được đưa ra thảo luận nhiều lần. Đây là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Chúng ta cần tính đến yêu tố khả thi của mỗi điều luật khi áp dụng vào thực tế. Cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trẻ em khỏi các vụ xâm hại đang tiếp tục diễn ra. Trước mắt, có thể đưa các vụ việc xâm hại trẻ em vào danh sách “án đặc biệt nghiêm trọng” để được ưu tiên giải quyết”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận ngày 27/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ bức xúc và đưa ra đề xuất xử lý yêu râu xanh. “Khi tiếp xúc cử tri, nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em ai cũng rùng mình căm ghét, ám ảnh và mong muốn phải xử lý nghiêm khắc đối tượng này. Tôi cho rằng, nếu áp dụng thiến hóa học thì ít nhất có thể giảm một nửa số vụ xâm hại tình dục trẻ em”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Trước đó, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề xuất giải pháp “thiến hóa học” đối với “yêu râu xanh”: “Giải pháp này đã và đang được sử dụng hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Ở các nước, người ta phát triển những loại thuốc, khi tiêm cho những kẻ bệnh hoạn sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta cũng làm được”.

Cần thiết tăng nặng hình phạt “yêu râu xanh”

Thiến hóa học là biện pháp tiêm (hoặc uống) hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp. Từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu ham muốn về tình dục, thậm chí cả suy nghĩ về tình dục cũng biến mất. 

Theo Luật sư Nguyễn Huế – Công ty luật TNHH XTVN: Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam không quy định riêng các hành vi xâm hại tình dục trẻ em thành một chương cụ thể mà lồng ghép vào trong các quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người bao gồm các điều luật như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) có bị phạt tù từ 7 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144) có thể đối diện với mức án từ 5 - 20 năm tù, tù chung thân; tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) có hình phạt từ 1 năm đến 15 năm tù; Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146) có mức phạt từ 06 tháng cho đến 12 năm tù.

Rõ ràng mức xử phạt này là thích đáng đối với những hành vi mà những người thực hiện tội phạm nhắm tới đối tượng trẻ em (người dưới 16 tuổi) ở thời điểm luật mới được ban hành hay sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, trải qua một thời gian áp dụng bộ luật vào cuộc sống, với những số liệu đáng lo ngại được Chính phủ cung cấp: Giai đoạn từ 1/1/2015 - 30/6/2019 có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ bị xâm hại.

Đây là những con số rất đáng báo động cho thấy mức xử phạt này đang thiếu tính răn đe, hình thức phạt tù giam có thể đang bị xem thường đối với nhóm tội phạm xâm hạm tình dục trẻ em nên số vụ, số trẻ em là nạn nhân của xâm hại vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày, số lượng được thống kê có thể chỉ là bề nổi của tảng băng.

Vì vậy, điều này đòi hỏi cần thiết phải ban hành một hay một số hình thức xử phạt khác song hành cùng hình thức phạt tù vừa có đủ tính giáo dục, răn đe tội phạm vừa giúp đối tượng được bảo vệ cảm thấy an toàn hơn.

Trong bối cảnh đó, biện pháp “thiến hóa học” được một số đại biểu Quốc hội đề xuất. Điều này hoàn toàn có thể được áp dụng bởi thực tế rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng hình thức xử phạt này song song với phạt tù giam để xử lý tội phạm tình dục nói chung và xâm hại trẻ em nói riêng.

Tuy nhiên, để đưa vào pháp luật hình sự Việt Nam cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về tính cần thiết, cũng như tác động của hình thức xử phạt này, bên cạnh việc đưa thêm các hình thức xử phạt khác vào thì cũng cần xem xét, đánh giá một cách toàn diện để điều chỉnh mức xử phạt tù giam đối với nhóm tội phạm xâm hại trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.