Sau khi bàn bạc, anh chị thống nhất quyết định lương của vợ sẽ để chi tiêu những nhu cầu hàng ngày trong gia đình, còn lương của anh để dành để tiết kiệm, dành cho những việc lớn hơn, như mua xe, mua nhà…
Thật lòng mà nói, đó không phải là ý định của chị. Theo như mong muốn của chị, thì lương của mỗi người sẽ chia làm 3 phần, 1 phần dành cho sinh hoạt phí, 1 phần dành cho tiết kiệm và 1 phần để mỗi người tự tiêu riêng. Như thế, khoản gì cũng có mà mỗi người cũng có thể thoải mái chi tiêu những nhu cầu riêng của mình.
Vẫn biết lương của chị không cao bằng anh, nhưng cũng không phải là thấp, với lại, đã là vợ chồng thì đâu thể sòng phẳng tôi góp từng này cô cũng phải góp từng này, đóng góp theo khả năng và trong phạm vi lương của mỗi người mà thôi.
Chị mới đầu cũng đề xuất ý kiến như thế, nhưng anh gạt đi. Anh bảo, phân chia thế làm gì cho nhì nhằng, rắc rối. Chị là người chợ búa, cơm nước, lo đối nội thì chị cứ lấy lương của mình ra mà chi dùng đi, lương của chị cũng thừa đủ, chắc chắn còn dư để chị sắm sửa cho bản thân, còn lương anh, anh để gọn cả cục vào tiết kiệm.
Chị nghe cũng thấy không có gì là không hợp lí, suy đi tính lại thì cũng thế cả mà thôi. Anh tiết kiệm thì cũng là để sau này lo cho gia đình , con cái chứ cho ai, đi đâu mà thiệt. Thêm nữa, chị cũng tin tưởng vào khả năng tính toán chi tiêu của chồng mình, tin rằng anh sẽ là một người biết giữ tiền và tiêu pha hợp lí.
Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra hoàn toàn êm đẹp. Lương của chị cũng không tệ, vì thế, ngoài chi tiêu trong gia đình , chị vẫn có khoản dành cho riêng mình. Nhưng đến khi con đầu lòng của 2 người ra đời thì chị gần như trở nên túng bấn khi mà chi phí đội lên rất nhiều.
Chị cầu cứu anh thì anh nhăn mặt chê chị chi tiêu hoang phí, từng ấy mà còn chưa đủ, khuyên chị nên biết tiết kiệm và tính toán hơn. Chồng đã nói thế, chả lẽ chị cứ nhằng nhằng đi theo xin tiền anh, hơn nữa, có lẽ anh nói cũng có lí.
Vì thế chị lại cố gắng hạch toán chi tiêu trong khoảng lương của mình mà thôi, và dĩ nhiên, lương thưởng của chị lúc nào cũng sạch bách chẳng còn dư được đồng nào.
Năm năm cưới nhau, con gái đã hơn 3 tuổi, chị chưa 1 lần được biết đến đồng lương của chồng. Tiền anh tiết kiệm được, chị cũng chẳng được cầm hay quản lí, thi thoảng anh chỉ đưa về cho chị xem con số trong sổ tiết kiệm đứng tên anh mà thôi.
Nhìn con số ấy, chị cũng yên tâm, vì chị đã không đặt niềm tin nhầm chỗ vào khả năng giữ tiền của anh. Nhưng khi chị thắc mắc sao anh không để chị cùng đứng tên, anh cười xòa: “Hôm đi lập tài khoản đúng hôm em có chuyến công tác, nên làm sao mà rủ được! Mà em cứ quan trọng hóa vấn đề thế, đứng tên như nào mà chả được!”.
Ừ thì cũng đúng thế thật, có công to việc lớn trong nhà thì chả dùng đến tiền trong đó thì ở đâu, lúc ấy lại phải 2 người mới đi rút được, phiền phức ra.
Chị nghĩ thế cũng chẳng có gì không đúng, nhưng có lẽ chỉ là trong trường hợp không có biến cố gì xảy ra mà thôi. Kỉ niệm 5 năm ngày cưới chưa được bao lâu thì chị phát hiện ra anh đang ngoại tình - là một em gái rất trẻ, rất xinh.
Đau đớn lắm, người chồng chị tin tưởng bấy lâu nay lại có thể phản bội chị một cách thản nhiên như thế. Rồi chị gần như rơi vào tận cùng của tuyệt vọng khi đưa ra cho anh 2 sự lựa chọn, 1 là nhân tình, 2 là chị và con thì anh sau 1 đêm suy nghĩ đã quyết định chọn… cô ta, vì “anh yêu cô ấy, anh không thể rời xa cô ấy được”.
Chị không hề muốn chia tay , nếu anh biết quay đầu là bờ, nếu anh vẫn cần chị và con, thật tâm hối lỗi. Nhưng trớ trêu thay, anh có cần cơ hội tha thứ của chị đâu!
Cố nén giọt nước mắt chỉ trực trào ra, chị nhìn anh viết đơn ly hôn – án tử cho cuộc hôn nhân của 2 người. Cầm tờ đơn trên tay, thấy anh viết 2 người không có tài sản chung, con thì giao cho chị chăm sóc (đây cũng là ý muốn của chị), chị cười gượng hỏi anh: “Sổ tiết kiệm thì…”.
Chị chưa nói hết câu, anh đã cắt ngang lời chị: “Anh rút hết tiền ra rồi, trong đó giờ trống không, còn gì mà chia! Hơn nữa, đấy là sổ tiết kiệm của anh, toàn tiền anh làm ra, em nghĩ sao mà đòi chia chác?”.
Chị sững người, không thốt nên lời, chỉ nhìn anh chăm chăm. Chẳng lẽ anh đã quên những năm qua anh sống bằng tiền của ai, tất cả những khoản chi dùng trong gia đình là từ lương của ai? Nhưng anh chỉ đáp lại cái nhìn xoáy sâu, ánh mắt đầy phức tạp của chị bằng 1 cái nhún vai thờ ơ.
Chị đặt bút kí ngay lập tức, không nói thêm 1 lời nào nữa, cho dù cảm giác đắng chát dâng ứ nghẹn trong cổ họng. Anh đối xử với mẹ con chị như thế là quá hiểu sự tuyệt tình đến tận cùng của anh rồi. Số tiền trong sổ tiết tiệm đó không phải là nhỏ, nhưng giờ phút này, chị chẳng thiết tha gì nữa.
“Tay trắng chia tay ư? Hề gì! Mình có công việc tốt, còn sức khỏe, chẳng sợ không làm ra tiền, càng chẳng lo không đủ sức nuôi con!” - chị cười cay đắng.