Vai trò tiên phong

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng, việc gắn kết đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với kết quả NCKH trong trường ĐH phải được xác định là điều kiện tiên quyết.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các em hình thành, hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp…

Là cơ quan đầu mối triển khai Đề án 1665, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều việc; ban hành kịp thời các văn bản nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo trong trường đại học. Có thể kể đến Quyết định 2158/QĐ-BGDĐT giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 3 cơ sở giáo dục đại học; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 126/2018/TT-BTC hướng dẫn nguồn kinh phí sự nghiệp triển khai Đề án 1665.

Năm 2021, Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT ra đời, trong đó có quy định hoạt động khởi nghiệp được sử dụng nguồn kinh phí của nghiên cứu khoa học. Năm 2022, Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT ban hành, quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục. Hiện, Bộ GD&ĐT chỉ đạo hoàn thiện Quyết định ban hành bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, về cơ bản tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên được thúc đẩy. Đã có 48% cơ sở giáo dục đại học đưa hoạt động khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn; số lượng lớn sinh viên được đào tạo ngắn hạn qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo trên cả nước. 60% cơ sở đào tạo thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp; 90 cơ sở đào tạo bố trí không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; 45 đơn vị thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã nghiên cứu vận dụng và xây dựng Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tỷ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp được duy trì ở mức trên 7% tính đến cuối năm 2022...

Dù có kết quả ban đầu nhưng trên thực tế các trường đại học vẫn chưa thể hiện được vai trò tiên phong trong thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ít trường đưa nhiệm vụ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào chiến lược; bởi vậy đầu tư cho hoạt động này chưa đi vào thực chất, bài bản, dài hơi. Còn không ít khó khăn về con người - đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và tài chính…

Trong các khó khăn thì trở ngại về tư duy có lẽ là lớn nhất. Chính nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của trường đại học cũng như xã hội dẫn đến việc thiếu đầu tư thích đáng cho hoạt động này.

Hiện, việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam còn non trẻ với nhiều bỡ ngỡ. Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, việc gắn kết đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với kết quả nghiên cứu khoa học trong trường đại học phải được xác định là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh chính sách của Nhà nước, quan trọng hơn cả là nhận thức đúng về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thể hiện qua chiến lược phát triển, hành động cụ thể của mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ