Phong phú mô hình nhà trường hỗ trợ khởi nghiệp

GD&TĐ - Sau 5 năm triển khai, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã đạt những thành tựu bước đầu.

Hệ thống xe tự hành cấp độ 4 được Công ty Phenikaa X trực thuộc Trường Đại học Phenikaa khai trương tại thành phố mới Bình Dương. Ảnh: NTCC
Hệ thống xe tự hành cấp độ 4 được Công ty Phenikaa X trực thuộc Trường Đại học Phenikaa khai trương tại thành phố mới Bình Dương. Ảnh: NTCC

Từ đây, xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Nhiều startup trong trường học

Xác định tầm quan trọng việc xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, Trường Đại học Phenikaa không ngừng nỗ lực, tạo nền tảng vững chắc, khơi nguồn cảm hứng bất tận cho học sinh, sinh viên có niềm đam mê và khát khao khởi nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: Với lợi thế công nghệ tiên tiến, 7 công ty startup (khởi nghiệp) và spin-off (hình thành từ trường ĐH để thương mại hóa nghiên cứu) được thành lập ngay trong Trường Đại học Phenikaa nhằm nghiên cứu và phát triển sản phẩm khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao, thúc đẩy thương mại hóa và đưa vào phục vụ đời sống xã hội.

Thành tựu điển hình phải kể đến là hệ thống xe tự hành cấp độ 4 được Công ty Phenikaa X trực thuộc Trường Đại học Phenikaa khai trương tại Bình Dương. Đây là sản phẩm công nghệ không người lái đầu tiên tại Việt Nam ở thời điểm ra mắt, đánh dấu mốc quan trọng cho lĩnh vực công nghệ tự hành.

Tiếp nối thành công của xe tự hành cấp độ 4, dự án của Công ty cổ phần Dịch vụ và Giải pháp công nghệ Giáo dục PHX - đơn vị thành viên của Trường Đại học Phenikaa được đánh giá là giải pháp toàn diện, kết hợp giữa “giáo dục” (education) và “công nghệ” (technology). Đây là hệ thống quản lý tập trung thông minh, được kết nối, liên thông thông tin từ nhiều nguồn.

Nhằm định hướng, thúc đẩy sinh viên nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Trường Đại học Phenikaa kết hợp cùng hệ sinh thái Phenikaa phát động các hoạt động, cuộc thi như “Sáng tạo - khởi nghiệp Sinh viên Phenikaa”.

Cuộc thi tạo sân chơi, góp phần nâng cao nhận thức về sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Tại cuộc thi, Trường Đại học Phenikaa đóng vai trò là nhà tổ chức, tài trợ, đồng thời đề cử các vị mentor (cố vấn) ở nhiều lĩnh vực: Khoa học - công nghệ; Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Tài chính, Khoa học xã hội... dẫn dắt và đồng hành cùng các đội thi.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết thêm: Trường Đại học Phenikaa đã tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần học tập, trải nghiệm, thực hành dành cho những sinh viên có niềm đam mê với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc được đi theo nhóm nghiên cứu mạnh, dìu dắt, hướng dẫn bởi những chuyên gia thành công.

Cùng đó, để tạo ra môi trường tốt giúp học sinh, sinh viên khởi nghiệp, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất hiện đại với không gian xanh rộng, hệ thống giảng đường đa phương tiện, phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại. Tại đây, học sinh, sinh viên có cơ hội phát triển kỹ năng, hoàn thiện bản thân ở câu lạc bộ để nghiên cứu, phát triển ý tưởng riêng mình.

Hợp tác xã Sinh viên, Trường Đại học Trà Vinh hoạt động hiệu quả. Ảnh: NTCC

Hợp tác xã Sinh viên, Trường Đại học Trà Vinh hoạt động hiệu quả. Ảnh: NTCC

Cơ hội trải nghiệm thực tế

Trong khi đó, mô hình Hợp tác xã Sinh viên tại Trường Đại học Trà Vinh đã giúp sinh viên, nhất là khối ngành kinh tế vận dụng, kiểm chứng… những kiến thức đã học trên ghế nhà trường vào kinh doanh thực tiễn. Tham gia vào hợp tác xã sinh viên cũng là cách giúp thành viên học hỏi về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp.

ThS Nguyễn Văn Vũ An - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Trường Đại học Trà Vinh cho hay: Số lượng sinh viên tốt nghiệp tiếp tục tăng mỗi năm nên việc giải quyết đầu ra là thách thức khá lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Để giảm nguy cơ thất nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm, các trường đại học phải tìm kiếm phương án. Trong trường hợp này, điều có thể thực hiện là chuẩn bị cho sinh viên trở thành doanh nhân tiềm năng và thậm chí khởi nghiệp trong thời gian học tại nhà trường hoặc sau khi ra trường.

Hợp tác xã Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh được thành lập vào tháng 6/2018 với 537 thành viên là giảng viên, cán bộ, viên chức, cựu sinh viên, sinh viên đang theo học tại trường. Sau đó, số thành viên tăng lên 552. Hợp tác xã hoạt động với mục tiêu nâng cao đời sống, tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong học tập, làm việc và sinh hoạt cho sinh viên, học viên, giảng viên, cán bộ, viên chức của trường.

Ðồng thời, đây là mô hình mới nhằm tạo môi trường cho sinh viên phát huy tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực tập những kỹ năng học tại trường; kết nối giữa nghiên cứu trong trường đại học và hiện thực hóa trên thị trường khi đưa các kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm tại trường trở thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Nguyễn Anh Thư - sinh viên lớp Quản trị kinh doanh khóa 2020 - 2024, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sinh viên, Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ: Chỉ với 200 nghìn đồng đăng ký ban đầu, sinh viên sẽ trở thành thành viên hợp tác xã và được sử dụng các dịch vụ với mức giá ưu đãi nhất.

Ðặc biệt, thành viên có quyền ứng cử vào ban lãnh đạo, làm quản lý các loại hình dịch vụ của hợp tác xã. Ðây là cơ hội để người học trải nghiệm thực tế và học hỏi nhiều lĩnh vực như kinh doanh, quản trị, kế toán, marketing.

Hơn nữa, khi trở thành thành viên, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội làm việc nhóm, nâng cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể và chủ động hơn với hoạt động cộng đồng. Thành viên cũng được ưu tiên để trở thành nhân viên làm việc bán thời gian trong mô hình dịch vụ của hợp tác xã với mức thu nhập hấp dẫn. Điểm đặc biệt của mô hình là sinh viên không muốn tham gia hợp tác xã nữa có thể nhận lại số tiền đăng ký ban đầu.

Cuối năm 2022, Hợp tác xã Sinh viên, Trường Đại học Trà Vinh đã kinh doanh 5 loại hình dịch vụ chính với doanh thu 767 triệu đồng, mang lại lợi nhuận 91 triệu đồng. Đến năm 2023, trong 9 tháng đầu năm doanh thu đạt mốc 1,2 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 164 triệu đồng. Điều này minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ