45 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

GD&TĐ - Ngày 27/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của ngành giáo dục.

45 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thứ trưởng Ngô Thị Minh dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, ban ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương cùng các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. Hội nghị được tổ chức tại trụ sở Bộ GD&ĐT, kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước.

Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, Bộ GD&ĐT đã triển khai đến tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước. Sau 5 năm triển khai, Đề án 1665 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022); 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên. Khởi nghiệp góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị.

Có 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Trong đó, 10 trung tâm đã và đang thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, hàng năm, Bộ GD&ĐT còn tổ chức các Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV, tạo sự kết nối giữa 3 chủ thể: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV.

Trong Ngày hội khởi nghiệp, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo HSSV. Trải qua 5 năm tổ chức, từ hàng nghìn dự án của các HSSV, Ban tổ chức cấp trung ương đã nhận được tổng số 1670 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và 900 dự án đến từ các trường THPT, THCS.

Trong quá trình khởi nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên có cơ hội triển khai, tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp. Chất lượng của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, kết nối tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp quốc gia.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các đơn vị triển khai hiệu quả Đề án 1665.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các đơn vị triển khai hiệu quả Đề án 1665.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Hội nghị Sơ kết 5 năm triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 là một hoạt động thiết thực đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan và đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở giáo dục.

Hội nghị là dịp để nhìn nhận, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của Bộ GD&ĐT, đánh giá hiệu quả của công tác này tại các nhà trường và cũng là cơ hội để các đơn vị học hỏi, trao đổi, kinh nghiệm để thời gian tới, hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, tạo môi trường tốt nhất hỗ trợ HSSV, để HSSV thực sự là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Hội nghị được nghe tham luận đến từ các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm thành công cũng như một số khó khăn vướng. Cụ thể, Trường Đại học Trà Vinh đã giới thiệu mô hình khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai có hiệu quả hoạt động khởi nghiệp. Các Sở GD&ĐT Gia Lai và Sở GD&ĐT Hưng Yên đã tham luận về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Trường Đại học Phenikaa tham luận về mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp từ phổ thông đến Đại học. Tổ chức giáo dục Nova Edu trình bày nội dung về kết nối nguồn lực, tầm quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đối với chất lượng nguồn nhân lực. Tổ chức JA Việt Nam với tham luận về công tác phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ: Hiện tại Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị hoàn thiện ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đây là một thước đo quan trọng giúp cộng đồng đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học và tầm ảnh hưởng của cơ sở cơ sở giáo dục đại học đó với cộng đồng, xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.