Mặc dù Việt Nam có nhiều cải thiện về các Chỉ số phát triển liên quan đến giới (GDI), chỉ số vai trò của phụ nữ (GEM), chỉ số bất bình đẳng giới (GII); nhiều vấn đề giới ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục hiện hữu; thực trạng vai trò giới trong gia đình vẫn cho thấy sự bất bình đẳng theo hướng bất lợi đối với phụ nữ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các chức năng gia đình có sự biến đổi và vai trò giới cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới cần nghiên cứu.
PGS. TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, Hội thảo được tổ chức theo hướng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến/ Online, với sự tham dự của các nhà khoa học uy tín đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và nhiều học giả quốc tế.
Theo TS. Dương Kim Anh- Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, thực tế còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập liên quan đến việc thực hiện vai trò giới trong gia đình như: sự tham gia không bình đẳng vào công việc gia đình; định kiến giới gắn phụ nữ với vai trò gia đình, coi việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là của phụ nữ;
Bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm, thu nhập; quyền quyết định của phụ nữ trong gia đình còn hạn chế; tồn tại bạo lực gia đình và các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác v.v.
Bất bình đẳng trong thực hiện vai trò giới có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của gia đình, hạn chế tiến bộ bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong nghiên cứu cần được bàn luận, đào sâu thêm.
TS. Dương Kim Anh nhấn mạnh, quan tâm thúc đẩy thực hiện tốt vai trò giới trong gia đình, chính là thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện tốt các quy định luật pháp, chính sách quốc gia và quốc tế.
Đặt vấn đề, thanh niên hiện nay quan niệm như thế nào về trách nhiệm của người vợ và như thế nào là một người vợ tốt; TS Vũ Thị Thanh – Viện nghiên cứu con người cho hay: Phân tích được dựa trên các kết quả phỏng vấn sâu 60 phụ nữ và nam giới có tuổi đời không quá 30 tuổi ở khu vực thành thị, nông thôn.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, sự ảnh hưởng lớn của quan điểm truyền thông đến suy nghĩ của giới trẻ về vai trò của người vợ. Thanh niên hiện nay không quá coi trọng vai trò kinh tế của người vợ, nhưng họ lại rất đề cao trách nhiệm của người vợ trong việc chăm sóc gia đình, duy trì sự hòa thuận và mối quan hệ với gia đình chồng và coi đó là những tiêu chí của một người vợ tốt.
Nghiên cứu về các yếu tố quyết định khoảng cách tiền lương theo giới dưới góc độ toàn cầu hóa ở Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt – Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, phụ nữ không chỉ có vai trò quan trọng trong gia đình, đặc biệt là chăm sóc con cái – tương lai của bất kỳ nền kinh tế nào, mà còn chiếm một nửa lực lượng lao động của thế giới.
Bình đẳng về tiền lương giữa nam và nữ không chỉ bảo vệ quyền con người mà còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, giải phóng sức lao động và tối ưu hóa phân phối nguồn lực kinh tế; từ đó thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế.