Vai trò không thể thay thế
PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: Gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi giáo dục đầu tiên và lớn nhất của mỗi con người. Bởi trước khi đến trường, đứa trẻ đã được sinh ra, lớn lên trong gia đình và hình thành nhân cách cũng như thói quen của bản thân dựa vào môi trường gia đình. Trường học là môi trường giáo dục chuyên nghiệp mà ở đó có các nội dung và phương pháp dành cho mọi người. Dù vậy, giáo dục tại nhà trường không thể thay thế cho tất cả hoạt động giáo dục khác.
Việt Nam có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nhiều gia đình thường có câu cửa miệng là “trăm sự nhờ thầy cô” bởi trước đây chúng ta đều nghĩ rằng trường học là nơi dạy cho con những điều mà gia đình không làm được. Tuy nhiên, gia đình không thể dựa vào đó để phó thác toàn bộ việc giáo dục trẻ cho nhà trường.
Theo tìm hiểu thực tế, nhận thức của người dân về vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ còn chưa đúng mực. Giáo dục nhân cách và thái độ sống của trẻ phụ thuộc rất lớn vào yếu tố gia đình. Nghĩa là, trẻ có yêu thích việc học và sống có trách nhiệm hay không thì hầu hết được vun vén, giáo dục ngay từ trong gia đình chứ không phải từ trường học. Vì thế, bậc phụ huynh nào có ý giao phó hay nhờ toàn bộ vào nhà trường vô hình trung đã làm mất đi vai trò quan trọng của cha mẹ, gia đình với chính con cái của mình.
Sự gần gũi giữa các thành viên hay yếu tố về gen, lối sống, văn hóa của gia đình, dòng họ là nhu cầu tất yếu đối với trẻ. Gia đình nào không biết khai thác điều này, trẻ sẽ thiệt thòi và dễ bị lệch lạc về mặt tâm lý.
“Dù bận rộn với công việc của mình nhưng tôi luôn nói chuyện với chồng và người thân là chúng ta chỉ có quãng đường khoảng 18 năm sống với trẻ. Trong đó, bố mẹ giữ vai trò làm gương, xây dựng lối sống, hỗ trợ con về thể chất, giao tiếp và định hình về xã hội. Do vậy, con cái là ưu tiên hàng đầu. Mỗi ngày các thành viên cùng nhau ăn cơm ít nhất một lần. Cả gia đình cùng nhau nấu ăn, làm việc nhà, trao đổi về mối quan hệ với bạn bè, người thân và xã hội. Do đó, dù mình có bận rộn đi công tác hay làm việc triền miên thì ảnh hưởng với con vẫn rất lớn. Muốn con chăm ngoan, có thái độ sống tốt, cha mẹ phải thực sự làm gương và thực hành một cách liên tục”, PGS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. |
Bỏ tư tưởng “trời sinh, trời dưỡng”
Khảo sát tại Trường Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) cho thấy: Trường có 4 điểm trường với 28 giáo viên và gần 500 học sinh, trong đó có 273 em ăn bán trú. Khoảng cách giữa điểm trường trung tâm với 3 điểm còn lại từ 15 – 22km. Học sinh người Mông chiếm khoảng 78%, còn lại là các dân tộc khác.
Là người có nhiều năm công tác và gắn bó với vùng cao, thầy Phạm Quốc Bảo – Hiệu trưởng nhà trường thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn và thiệt thòi của học trò nơi đây so với các bạn ở khu vực thành thị. Điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều vất vả, không phải phụ huynh nào cũng có thể vun vén chu toàn và quan tâm đến các em, nhất là việc giáo dục trẻ tại nhà.
Để xóa bỏ tư tưởng “trời sinh thì trời dưỡng”, thầy Phạm Quốc Bảo đã cùng với các cấp chính quyền đi đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền để phụ huynh cho con ra lớp. “Chỉ riêng việc tuyên truyền để người dân không cho con lấy vợ, lấy chồng quá sớm cũng vô cùng gian nan. Một phần do môi trường sống và do thói quen của người dân, rất ít gia đình hiểu và khuyên bảo con không nên lập gia đình sớm, dành thời gian cho việc học. Điều đó cho thấy, vai trò giáo dục trẻ trong mỗi gia đình vẫn là điều vô cùng quan trọng bên cạnh giáo dục từ nhà trường” – thầy Phạm Quốc Bảo cho biết thêm.
Là phụ huynh có hai con học lớp 3 và lớp 6 tại TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), chị Nguyễn Thị Thắm dù bận rộn làm kinh doanh nhưng không vì thế mà việc quản lý, chăm sóc con cái bị bỏ bẵng và “khoán trắng” cho nhà trường. Thời điểm nghỉ hè, chị lên kế hoạch cho cả nhà. Mỗi sáng, các con dậy sớm để đi thể dục cùng với bố còn chị lo chuyện ăn uống, đưa con đi học lớp kỹ năng sống.
Chị Thắm nêu quan điểm: “Dù bố mẹ bận rộn đến đâu nhưng con cái chính là tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình. Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở các cháu phải nâng cao ý thức tự giác trong học tập và làm việc nhà. Chỉ khi tập trung vào công việc gia đình, giúp đỡ bố mẹ thì trẻ mới hiểu được công sức của người khác. Chúng tôi cũng thường xuyên nhận được trao đổi, phối hợp với thầy cô trên lớp về tình hình học tập của các cháu. Vì giáo dục tại gia bao giờ cũng phải đi trước so với giáo dục tại trường học”.
Là nhà quản lý và người mẹ, cô Nguyễn Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) khẳng định: Gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ. Gia đình là nơi tạo cho trẻ những bài học đầu tiên về cảm xúc, kỹ năng xã hội để bước ra xã hội. Với con cái, cô Hà luôn đề cao giáo dục truyền thống gia đình. Các thế hệ luôn quan tâm, chia sẻ và tôn trọng, tạo động lực cho trẻ phát triển. Giáo dục trẻ có tinh thần trách nhiệm với chính mình, với gia đình và xã hội qua từng công việc cụ thể. Luôn lắng nghe để hiểu những khó khăn trẻ gặp phải, từ đó hình thành kỹ năng quản lý cảm xúc và vượt qua khó khăn bằng chính nội lực của mình.