Giáo dục trẻ những giá trị đúng đắn về đạo đức và văn hóa: Học điều tốt từ gia đình

GD&TĐ - Giáo dục trẻ những giá trị đúng đắn về đạo đức và văn hóa được coi là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của người làm cha mẹ.

Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục kỹ năng văn hóa cho trẻ. Ảnh minh họa.
Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục kỹ năng văn hóa cho trẻ. Ảnh minh họa.

Song, thực tế, đối với nhiều phụ huynh, để truyền đạt cùng lúc văn hóa và đạo đức cho trẻ không phải điều dễ dàng. 

Theo các chuyên gia, cha mẹ cần giáo dục con song song đạo đức và văn hóa. Đồng thời, phải coi đạo đức và văn hóa là hai khía cạnh có mối liên hệ mật thiết. Bởi, trẻ có đạo đức sẽ sở hữu những đức tính tốt. Khi đó, trẻ sẽ nhận được nhiều điều tốt hơn nữa thay vì chỉ là kiến thức văn hóa.

“Chìa khóa” của giáo dục toàn diện

Đạo đức và văn hóa không phải chỉ có thể được truyền đạt tới trẻ dựa trên sách vở. Thay vào đó, kinh nghiệm và những lời khuyên của cha mẹ trước hành vi, cách ứng xử của con mới có thể tạo ra giá trị đạo đức, cốt cách tốt ở trẻ.

Vì hiếm muộn nên lấy nhau gần 10 năm, hai vợ chồng chị Phương Lan - chủ một cơ sở kinh doanh quần áo mới sinh được bé Bi. Từ nhỏ, Bi đã “bội thực” tình thương của cha mẹ và hai bên nội, ngoại. Những gì tốt nhất, món ăn nào ngon, điểm vui chơi thú vị, Bi đều được thưởng thức.

Tuy nhiên, vì là “cục cưng” của gia đình nên Bi chẳng mấy khi biết chia sẻ hay quan tâm bạn bè cũng như mọi người xung quanh. Khi đến trường, “cậu ấm” này thể hiện sự ích kỷ, không tự làm nhiều việc mà đòi hỏi bạn bè, thầy cô phải quan tâm đến mình.

Do thường xuyên được cha mẹ khuyến khích học tập, Bi luôn đạt điểm cao trên lớp. Tuy nhiên, trong mắt các bạn, Bi lại là người cần... tránh xa. Càng lớn, cậu càng thể hiện rõ sự coi thường người khác. Chính điều này khiến cha mẹ Bi không khỏi bận tâm.

Chị Lan từng chia sẻ, gia đình vô cùng bất ngờ khi giáo viên gọi điện và nói rằng, Bi đổ keo 502 vào tay bạn cùng lớp. Thậm chí, nhiều lần “cậu ấm” này đã bị phê bình vì dán giấy viết những lời thiếu tôn trọng lên người các bạn. Khi giáo viên nhắc nhở, khiển trách vì cách ứng xử không đúng mực, Bi có phản ứng gay gắt, tự ý đứng lên đi ra khỏi lớp.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà nhiều phụ huynh than thở rằng, trẻ không nghe lời. Theo các chuyên gia giáo dục, không ít trẻ em thời nay khó bảo, khó uốn nắn vì chúng được nhận nhiều hơn là cho.

Ngoài ra, trẻ cũng ít có cơ hội để thử thách, trải nghiệm cuộc sống đa sắc màu, đủ mùi vị. Vì được cha mẹ bao bọc, chiều chuộng, không được dạy nhìn xuống, nên một bộ phận trẻ em vô cảm, sống ích kỷ, coi mình là trung tâm của vũ trụ.

Hơn nữa, sự nuông chiều thái quá cộng với công thức nuôi con theo kiểu “gà công nghiệp”, chỉ nhồi nhét thức ăn, bắt học nhiều kiến thức nhưng không cho tự do chạy nhảy, đối mặt với khó khăn, nên một số trẻ em thiếu bản lĩnh khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh mải miết cùng con “chạy đua” thành tích học tập mà vô tình quên đi giá trị cốt lõi là đạo đức. Thậm chí, các cha mẹ thường xuyên tìm hiểu những phương pháp để con trở thành thiên tài.

Không ít người cho rằng, cần dạy con văn hóa, kiến thức trước khi hiểu về đạo đức, bởi trẻ còn nhỏ. Trái lại, một số phụ huynh nhận định, đạo đức và văn hóa là những kiến thức nên được truyền tải song song tới trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Văn Thịnh - Phó Giám đốc kỹ năng và truyền thông Hệ thống Trung tâm ATC, Giảng viên kỹ năng mềm cho biết: “Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ cần quan tâm đến việc hướng dẫn trau dồi đạo đức cho các con, bên cạnh truyền tải các kiến thức về văn hóa. Khi các con vâng lời, ngoan ngoãn, biết lắng nghe, sẽ rất thuận tiện trong việc triển khai giáo dục từ gia đình. Những điều tốt đẹp này sẽ hình thành trong các con. Trẻ sẽ vận dụng vào những môi trường khác như tại trường và xã hội…”.

Cũng theo chuyên gia này, nhờ sự giáo dục từ cha mẹ, trẻ sẽ biết lễ phép với thầy cô, kính trên nhường dưới. Từ đó, trẻ sẽ được những người xung quanh yêu mến, nhận được những lời khen và cùng với đó là động lực. Những điều đó tạo tiền đề giúp trẻ phát triển bản thân và mở rộng mối quan hệ, biết lắng nghe học hỏi, nâng cao kiến thức văn hóa.

Không ít phụ huynh đặt câu hỏi về việc, liệu, nên giáo dục trẻ văn hóa hay đạo đức trước. Theo ông Đinh Văn Thịnh, đạo đức và văn hóa là hai trong những mặt quan trọng để giáo dục một người toàn diện. Chuyên gia này nhấn mạnh, cần giáo dục con cả đạo đức và văn hóa song hành với nhau. Đồng thời, phải coi đạo đức và văn hóa là hai khía cạnh có mối liên hệ mật thiết.

“Một người có đạo đức thì sẽ sở hữu những đức tính tốt, dễ nhận được cảm tình từ người xung quanh, khi ấy sẽ nhận được nhiều điều tốt hơn nữa chứ không chỉ là kiến thức văn hóa. Ngày nay để nuôi dưỡng và hướng dẫn giáo dục con không phải là chuyện dễ dàng, mà cần phải có sự kết hợp đồng bộ từ phía nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt là hai phương diện đạo đức và văn hóa”, ông Thịnh chia sẻ.

Cha mẹ cần tạo cho trẻ môi trường không áp lực để phát triển cả văn hóa và đạo đức.

Cha mẹ cần tạo cho trẻ môi trường không áp lực để phát triển cả văn hóa và đạo đức. 

Yêu con “đúng cách”

Theo ông Đinh Văn Thịnh, trong gia đình, cha mẹ cần đặt ra những quy tắc để hướng dẫn và giáo dục con. Một số quy tắc có thể bao gồm “đi thưa về trình”, tôn trọng người lớn, vâng lời… Bên cạnh đó, gia đình cần dành thời gian chia sẻ nhiều hơn với trẻ. Nhờ vậy, giúp nhận biết và hướng dẫn trẻ về những gì các con đang tiếp nhận. Khi đó, cha mẹ sẽ là người đưa ra định hướng cho trẻ.

“Người lớn phải là những tấm gương sống động để con noi theo. Những điều này cũng được hướng dẫn tại trường để có thể đồng bộ với nhau. Ngoài việc hướng dẫn văn hóa, trường học cần triển khai thêm nhiều chuyên đề để chia sẻ cho học sinh về đạo đức, vai trò và tầm quan trọng trong cuộc sống và sự thành công. Học sinh ngày nay với kiến thức và nhiều góc nhìn, đôi lúc các em có thể nhận diện ra đâu là một người tốt và đáng trân trọng, đâu là người thầy tận tâm, tận tuỵ”, ông Thịnh cho biết.

Chính vì vậy, theo chuyên gia này, trong trường học, người thầy phải là một người thầy thực thụ, người truyền cảm hứng. Đồng thời, là người tiên phong, tấm gương sáng cho học sinh về đạo đức và văn hóa. Trong quá trình giáo dục người trẻ, gia đình cần phải kiên nhẫn và đầu tư.

“Một câu nói nổi tiếng để gia đình và mỗi người chúng ta suy tư thêm: “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”, chuyên gia dẫn chứng.

Trong khi đó, theo bà Phan Hồ Điệp - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng mong muốn con mình thông minh, nhanh nhẹn, giỏi giang, lớn lên trở thành người có tư cách, đạo đức và thành công trong công việc cũng như cuộc sống.

Vì vậy, theo bà Điệp, cha mẹ cần giáo dục trẻ ngay từ khi con còn nhỏ. Khi trẻ lên 5 - 6 tuổi, không ít phụ huynh gửi gắm con mình cho những người không biết cách giáo dục hoặc các nhà trẻ không có phương pháp khoa học. Khi đó, trẻ có thể sẽ nhiễm nhiều thói quen xấu. Thay vào đó, nữ giảng viên cho rằng, phụ huynh cần lên kế hoạch để dạy con học sớm.

Một yếu tố quan trọng khác là tận dụng ưu thế để trẻ có thể vượt trội. Nhiều ông bố bà mẹ phát hiện khả năng xuất sắc của con mình khi thấy chúng đáp ứng được mọi kỳ thi và giành được những bằng khen ưu tú. Thực tế, các cha mẹ có thể tìm hiểu về việc nên làm thế nào để tận dụng ưu thế, tranh thủ thời gian. Từ đó, giúp trẻ có thể học vượt lớp hoặc theo học lớp tài năng.

Theo bà Phan Hồ Điệp, cha mẹ không nên tán dương con trước mặt người khác. Bởi, việc ca ngợi khả năng xuất chúng của con sẽ vô tình tăng thêm áp lực cho trẻ. Không tán dương con trước mọi người cũng đồng nghĩa rằng, cha mẹ đang tạo cho trẻ môi trường không áp lực. Từ đó, để trẻ phát triển năng lực một cách tự nhiên nhất. Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyên khích lệ con mỗi khi trẻ thất bại.

Theo nữ giảng viên, chỉ khi coi việc nuôi dạy con là một sự nghiệp cần theo đuổi, các phụ huynh mới có thể cảm nhận được giá trị mà gian khổ mang lại là sự thỏa mãn về tinh thần. Đó đồng thời là hạnh phúc lớn nhất của đời người.

Nữ giảng viên này cho rằng, con trẻ cần một môi trường sống an toàn, vững chắc, cần tình yêu vô điều kiện, yêu thương dịu dàng. Trẻ cần được quan tâm tới sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần. Trong môi trường sống ấy, trẻ bắt đầu tự lựa chọn, quyết định và mắc lỗi, chịu trách nhiệm cũng như trở thành thành viên tích cực của gia đình. Sau đó, trẻ sẽ lớn lên kiên cường, linh hoạt, giàu tình yêu thương, có thể tự chăm sóc bản thân, bảo vệ mình khi biết tôn trọng quyền và nhu cầu chính đáng của người khác.

“Tình yêu là khả năng và sự sẵn lòng để cho người ta yêu được lựa chọn là chính mình mà không nhất thiết phải làm hài lòng ta. Trong triết lý về “yêu” đó, hy vọng mỗi gia đình sẽ biết yêu con đúng cách trong vẻ đẹp của sự khích lệ và truyền cảm hứng. Ngày càng có nhiều ông bố bà mẹ thành công trong sự nghiệp làm cha mẹ cũng có nghĩa là càng có nhiều em bé xuất chúng - hạnh phúc!”, nữ giảng viên nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.