Vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc phục hồi chức năng người bệnh sau đột quỵ

GD&TĐ - Lần đầu tiên, một khóa đào tạo liên tục dành cho điều dưỡng về kỹ năng chăm sóc phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ đã được tổ chức.

Đột quỵ gây ra tình trạng khuyết tật phức tạp về nhiều mặt như hạn chế vận động, rối loạn nhận thức, giao tiếp, tâm lý…

Do đó, phục hồi chức năng (PHCN) sau đột quỵ đòi hỏi sự can thiệp toàn diện của nhóm đa chuyên ngành gồm: bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu...

Học viên khóa đào tạo thực hành lâm sàng trên bệnh nhân đột quỵ tại Khoa Phục hồi chức năng và bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện 199, TP Đà Nẵng.

Học viên khóa đào tạo thực hành lâm sàng trên bệnh nhân đột quỵ tại Khoa Phục hồi chức năng và bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện 199, TP Đà Nẵng.

Trong các thành viên nhóm PHCN đa chuyên ngành, điều dưỡng là người có thời gian tiếp xúc với người bệnh sớm nhất và theo suốt quá trình điều trị người bệnh.

Bên cạnh thực hiện các chỉ định của bác sĩ trong dùng thuốc, thủ thuật y khoa, điều dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong việc hợp tác nhóm PHCN qua các giai đoạn lâm sàng của tình trạng đột quỵ, với nhiệm vụ theo dõi, phát hiện nhu cầu, hỗ trợ các chăm sóc hằng ngày (dinh dưỡng, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, phòng ngừa loét...) và tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và gia đình.

Thực hành tiền lâm sàng với ca bệnh giả định tại Trường ĐH KTYD Đà Nẵng.

Thực hành tiền lâm sàng với ca bệnh giả định tại Trường ĐH KTYD Đà Nẵng.

Các khóa đào tạo điều dưỡng chính quy được thực hiện theo hướng đa khoa, cung cấp những kiến thức chung thuộc nhiều lĩnh vực: Nội khoa, Nhi khoa, Ngoại khoa, Lão khoa... Trong khi đó, chăm sóc PHCN cho người bệnh có tình trạng khuyết tật phức tạp như đột quỵ đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên sâu hơn, dẫn tới những khó khăn nhất định đối với điều dưỡng khi tham gia nhóm PHCN.

Trước thực tế này, trong khuôn khổ Dự án Hòa Nhập 1, MCNV đã hợp tác với Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược (ĐH KTYD) Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về chăm sóc PHCN dành cho 20 điều dưỡng đang tham gia mô hình PHCN đa chuyên ngành tại 16 cơ sở y tế tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện tại 03 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Khóa đào tạo do Bộ môn PHCN và Khoa Điều dưỡng - Trường ĐH KTYD Đà Nẵng phối hợp giảng dạy từ ngày 15-19/1/2024. Với thời lượng 50 tiết học (50% lý thuyết, 50% thực hành), chương trình tập trung vào các chủ đề chăm sóc PHCN theo từng giai đoạn đột quỵ (cấp, bán cấp, mạn tính) trong bối cảnh phối hợp nhóm đa chuyên ngành.

Phương pháp giảng dạy chú trọng vào các hoạt động thực hành có tính tương tác, gồm thực hành trên mô hình, thực hành tiền lâm sàng (ca bệnh mô phỏng – đóng vai) và thực hành lâm sàng tại bệnh viện.

Tài liệu giảng dạy được xây dựng trên cơ sở tham khảo các hướng dẫn chăm sóc của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, các tạp chí khoa học uy tín và cập nhật nhất về chăm sóc và PHCN đa chuyên ngành từ Hoa Kỳ, Anh quốc, Singapore…

ThS.BS.Cao Bích Thuỷ (Bộ môn PHCN, Trường ĐH KTYD Đà Nẵng) giảng lý thuyết về đột quỵ.

ThS.BS.Cao Bích Thuỷ (Bộ môn PHCN, Trường ĐH KTYD Đà Nẵng) giảng lý thuyết về đột quỵ.

Theo ThS.BS.Cao Bích Thủy (Bộ môn PHCN, Trường ĐH KTYD Đà Nẵng), trước đây, các chủ đề này được giảng dạy tách rời bởi Bộ môn và Khoa, thì trong khóa đào tạo này, quy trình được lồng ghép, tích hợp. Các cán bộ y tế bao gồm điều dưỡng hay kỹ thuật viên (KTV), bác sĩ PHCN sử dụng các thông tin chung khi trao đổi, làm việc với bệnh nhân.

Học viên có cơ hội hiểu rõ về phạm vi hành nghề của từng chuyên ngành, biết cách phối hợp làm việc có thứ tự, tránh trùng lặp.

Học viên Trương Thị Kim Huệ (Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) cho biết:

“Khóa đào tạo đã giúp tôi nắm rõ các giai đoạn của PHCN cho bệnh nhân đột quỵ và sự phối hợp giữa điều dưỡng và các chuyên ngành khác qua từng giai đoạn, ví dụ như ở giai đoạn phục hồi sớm (24 giờ - 03 tháng) điều dưỡng cần phối hợp với KTV Ngôn ngữ trị liệu để sàng lọc rối loạn nuốt, vấn đề giao tiếp; ở giai đoạn muộn (03-06 tháng) cần phối hợp với KTV Hoạt động trị liệu, Vật lý trị liệu tập mạnh cơ để giúp người bệnh tham gia các hoạt động thường ngày.”

TS.Lưu Thị Thủy, Trưởng Khoa Điều dưỡng, Trường ĐH KTYD Đà Nẵng điều hành thảo luận nhóm.

TS.Lưu Thị Thủy, Trưởng Khoa Điều dưỡng, Trường ĐH KTYD Đà Nẵng điều hành thảo luận nhóm.

Đánh giá về các học viên, TS.Lưu Thị Thuỷ, Trưởng Khoa Điều dưỡng, Trường ĐH KTYD Đà Nẵng cho biết:

“Học viên đã biết cách nhận định chăm sóc người bệnh đột quỵ một cách toàn diện, áp dụng một số thang công cụ tin cậy và đặc biệt nhận thức rõ tầm quan trọng của chăm sóc đa chuyên ngành và vai trò của điều dưỡng trong nhóm đa chuyên ngành.”

ThS.BS.Cao Bích Thuỷ (Bộ môn PHCN, Trường ĐHKTYD Đà Nẵng) đề cao sự tham gia tích cực vào các hoạt động thực tế và các tình huống mô phỏng của học viên và khẳng định đây sẽ là nền tảng giúp xây dựng những kỹ năng cần thiết để đối mặt với thách thức trong môi trường làm việc thực tế.

Sau khóa học, các học viên đã trở về địa phương, áp dụng những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào việc tham gia mô hình PHCN theo nhóm đa chuyên ngành trong khuôn khổ Dự án Hòa Nhập 1.

Dự án Hòa Nhập 1 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ dự án là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) – Bộ Quốc phòng, đơn vị quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là một đơn vị thực hiện Dự án Hòa Nhập 1, tham gia 02 mục tiêu chính là đào tạo nhân lực và cung cấp dịch vụ PHCN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ