'Cánh cửa' rộng mở với ngành điều dưỡng

GD&TĐ - Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vai trò của nền y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được coi trọng.

Công việc điều dưỡng trong các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đòi hỏi ngành y tế phải gấp rút trong đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực trẻ.
Công việc điều dưỡng trong các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đòi hỏi ngành y tế phải gấp rút trong đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực trẻ.

Vai trò của đội ngũ điều dưỡng viên lại một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ. Đây được coi là một động lực để những thí sinh yêu thích ngành tự tin với lựa chọn của mình trước “cơn khát” nguồn nhân lực điều dưỡng giàu chuyên môn.

Thiếu hụt nguồn cung

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo nhân lực điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40 - 50 nghìn nhân lực điều dưỡng. Để tiến tới tỉ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân, nước ta có thể cần thêm số điều dưỡng viên gấp 2 - 3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có.

Trong sự phát triển của nền y học hiện nay, lực lượng điều dưỡng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như đổi mới phong cách, thái độ chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng, khi lực lượng này ngày càng nghỉ việc nhiều và khó tuyển dụng bổ sung ngay được.

Thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngành y tế không thể đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng và hài lòng của người bệnh nếu dịch vụ do điều dưỡng viên, hộ sinh viên và kỹ thuật viên cung cấp chất lượng kém.

Để phát triển ngành điều dưỡng phù hợp với xu hướng quốc tế, trước hết cần hiểu điều dưỡng là ngành khoa học và nghệ thuật. Đây thực sự là ngành khoa học đa khoa có nhiều chuyên khoa sau đại học. Ngoài ra, điều dưỡng cũng là một nghề đòi hỏi nghệ thuật giao tiếp, ứng xử để chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Để trở thành một nhân viên điều dưỡng chuyên nghiệp cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian từ quy trình đào tạo, tích lũy kinh nghiệm, đến khả năng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp.

Các điều dưỡng viên hiện nay, không chỉ phải chịu đựng những áp lực căng thẳng, nhiều rủi ro nghề nghiệp nói chung của ngành y tế, mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều về vấn đề tâm lý. Nghiên cứu mới nhất của Hội Điều dưỡng cho thấy có đến 56,6% cán bộ y tế bị trầm cảm do chăm sóc bệnh nhân ung thư. Họ thường bị rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ.

Tuy nhiên, vì trình độ người dân khác nhau nên đòi hỏi những cán bộ y tế phải có nghệ thuật giao tiếp để người bệnh tin tưởng khi tiếp xúc, muốn vậy người làm nghề cần phải có tấm lòng chân thành của người thầy thuốc đúng như tinh thần “lương y như mẹ hiền”.

Muốn chăm sóc người bệnh cần phải có kiến thức, sự chuyên nghiệp, thái độ phục vụ tận tâm và nghệ thuật giao tiếp, ứng xử là vậy, nhưng thực tế cho thấy bản thân người điều dưỡng còn đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, thiếu trang thiết bị, bảo hộ, thiếu thời gian tổ chức đời sống cá nhân, thu nhập thấp...

Công việc vất vả hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội nhưng điều dưỡng ra trường, mức lương khởi điểm chỉ là 2,8 triệu đồng, sắp tới tăng lương thì lên được 3 triệu. Hiện nay, cơ chế giao bệnh viện tự chủ, tại các bệnh viện công thì mức lương của điều dưỡng được gấp 2,5 lần là cao nhất, bệnh viện nào giỏi vận dụng các cơ chế vận hành thì lương một nhân viên điều dưỡng cũng chỉ ở mức 6 - 7 triệu/tháng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cánh cửa tương lai rộng mở

Em Chung Thị Quyên (huyện Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ, trong đợt xét tuyển đại học năm 2023 có mong muốn học ngành y, nhưng số điểm của em không đủ để lọt vào cánh cửa Trường Đại học Y. Do đó, em đã chọn học một trường cao đẳng y tế.

“Em chọn học điều dưỡng tại trường cao đẳng vì có đủ các điều kiện cần, học phí được giảm, sẽ bớt gánh nặng tài chính cho gia đình… Sau này, khi ra trường em có thể xin việc làm tại xã, huyện nơi em sinh sống. Ở quê em rất cần cán bộ y tế, trong gia đình em cũng có người hiện đang làm cán bộ y tế ở xã nên đã hướng cho em theo học ngành này cho có tương lai”, Quyên thổ lộ.

Còn trường hợp của em Mai Văn Mỹ (huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại khác. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Mỹ đã đạt được điểm số đủ để trúng tuyển vào nhiều trường, nhưng em quyết định không đăng ký học trường đại học nào cả vì thấy học phí cao.

Mỹ cho biết, lúc đầu em dự định đi làm may cho một xưởng của người họ hàng với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gia đình vẫn phân tích và khuyên đi học nên em đã quyết định chọn một trường cao đẳng để được hỗ trợ 70% học phí.

“Để theo học ngành kỹ thuật xét nghiệm y học của trường, em chỉ phải đóng học phí khoảng 700.000 đồng/tháng. Học phí thấp, công việc thuộc nhóm ngành nghề ổn định, có triển vọng tốt về đầu ra nên em đã nộp hồ sơ xét tuyển”, Mỹ cho hay.

Nghề điều dưỡng được ví là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Đây cũng là ngành nghề không thể thay thế trong tương lai bởi AI (trí tuệ nhân tạo) hay công nghệ.

Nghị quyết số 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt chỉ tiêu mà ngành y tế phải nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng/vạn dân, đến năm 2030 đạt 33 điều dưỡng/vạn dân.

Theo các chuyên gia, trong cuộc sống hiện đại chắc chắn AI không thể thay thế nhân viên điều dưỡng, AI không thể thay thế những hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân như nâng giấc, chăm sóc, ân cần hỏi han, dịu dàng, nhẹ nhàng, cũng không thể lập kế hoạch để thay bàn tay, thay khối óc, thay cử chỉ, thay lời nói động viên của người điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân.

Các kỹ thuật chăm sóc, tác động từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp như cho ăn, giúp cho người bệnh thay đổi tư thế, ngủ ngon, giúp người bệnh bớt ho, giúp họ thoải mái trong các hoạt động sinh hoạt trong bệnh viện... không ai có thể thay thế người điều dưỡng.

Ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam nhìn nhận, nghề điều dưỡng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Khi dân số đang bước vào giai đoạn ngày càng già hóa thì không chỉ còn là cách chăm sóc truyền thống như chăm sóc các bệnh cấp tính trong bệnh viện nội, ngoại, sản khoa, mà thực tiễn đời sống còn đòi hỏi mở rộng những công việc của người điều dưỡng với những khía cạnh mới như: Chăm sóc người già, chăm sóc tại nhà, chăm sóc phục hồi chức năng của các bệnh nhân bị di chứng như thế nào…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ