Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 cũng đã xác định: Bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, thực trạng truyền thông và giáo dục bình đẳng giới trong các trường ĐH - CĐ của chúng ta hiện còn khá mờ nhạt.
Truyền thông yếu - định kiến về giới khó xóa bỏ
Tại Hội thảo về “Lồng ghép truyền thông về bình đẳng giới trong các trường ĐH” của Viện Nghiên cứu phát triển mới đây, nhiều đại biểu cho rằng: Giáo dục là lĩnh vực đầu tư có lợi nhất cho sự phát triển của con người và xã hội.
Chúng ta chỉ có thể nâng cao công bằng và bình đẳng giới trong xã hội một cách bền vững khi vấn đề trên được nhận thức một cách rõ ràng, thường xuyên và trở thành bộ phận thiết yếu của toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chương trình nghiên cứu và giảng dạy về giới trong nhà trường hoàn toàn riêng biệt và bị bó hẹp trong một số khoa chuyên ngành như: Tâm lý học, Xã hội học, Công tác xã hội… cộng thêm việc thiếu một đội ngũ giảng dạy chuyên sâu và chính quy đã khiến công tác giáo dục về giới chưa thật sự hiệu quả. Chính công tác truyền thông về giới yếu, thiếu tính định hướng là nguyên nhân dẫn đến định kiến về giới nơi một số người chưa thể xóa bỏ.
ThS Lê Thị Phương Hải - Khoa Công tác xã hội (ĐH Thủ Dầu Một) - nói: Lồng ghép giới đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong giáo dục.
Tuy vậy, để hoạt động này đạt hiệu quả còn tùy thuộc phần lớn vào quan niệm của người dạy. Số liệu khảo sát của Khoa Công tác xã hội (ĐH Thủ Dầu Một) trên giáo viên nhà trường cho thấy:
Mặc dù nhiều GV nhận thức tầm quan trọng của việc lồng ghép giới trong giảng dạy, cũng như có quan niệm đúng đắn về hoạt động này nhưng tỉ lệ áp dụng lại không cao.
Số GV thường xuyên áp dụng lồng ghép chỉ đạt 23,7%, thỉnh thoảng chiếm 57,6%, hoàn toàn không áp dụng 10,2%, chỉ có 23,3% GV nhận định việc lồng ghép giới sẽ thay đổi hành vi ứng xử phù hợp với đặc điểm giới, 60% nghĩ việc lồng ghép giúp người được giáo dục thay đổi nhận thức giới… Điều đó cho thấy tính hiệu quả chưa cao.
Nhìn thẳng vào thực trạng, ThS Nguyễn Thị Thu Trang (Khoa KHXH&NV, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết: Trong những năm qua, dù chúng ta đã đẩy mạnh lồng ghép giới trong nhiều môi trường như: Nơi làm việc, trong các cơ quan Nhà nước, trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên, chưa đẩy mạnh hoạt động này trong môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH.
Khó khăn của việc này xuất phát từ việc GV chưa xác định việc lồng ghép giới là một trong những nhiệm vụ hoạt động giảng dạy, chưa được tập huấn về giới, GV thiếu kiến thức về giới, thiếu kỹ năng và đặc biệt là kinh phí để thực hiện các hoạt động này cho SV.
Chính những tồn tại trên đã khiến công tác truyền thông, lồng ghép về giới trong các trường ĐH vẫn chỉ mang tính chắp vá, thiếu chiến lược tổng thể.
ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên (Học viện Hành chính Quốc gia) cho biết: Để triển khai Quyết định số 2351/QĐ-TTg, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4247/QĐ-UBND với 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu về chiến lược bình đẳng giới trên địa bàn.
Trong đó, môi trường giáo dục giữ vai trò xương sống cho công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, bồi dưỡng sinh viên, học viên, cán bộ công chức, giảng viên…
Tuy nhiên, theo ThS Duyên các hoạt động trên còn mang tính phong trào, không được thực hiện thường xuyên, vì vậy hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân đến từ hai lý do: Một bộ phận GV khối khoa học kỹ thuật, ngôn ngữ, mỹ thuật không quan tâm đến vấn đề này. Hai là GV khối XHNV, Pháp luật, Hành chính dù quan tâm nhưng thiếu kỹ năng lồng ghép.
Cần một giải pháp bền vững
Để khắc phục những yếu kém trong công tác tuyên truyền và lồng ghép về giới cho SV, ThS Hoàng Thị Thu Huyền (Trường ĐH Lao động) cho rằng: Các trường cần phải chương trình hóa việc giáo dục bình đẳng giới theo hướng chuyên đề và tích hợp.
Tập huấn cho đội ngũ GV các kỹ năng lồng ghép về giới, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Đoàn, chi hội phụ nữ trong hoạt động ngoại khóa.
Đặc biệt là tiến hành phối hợp, lồng ghép các chuyên đề giáo dục với ban, ngành Dân số - KHHGĐ của tỉnh để SV nhận thức và hiểu sâu hơn về sự bình đẳng nữ quyền.
ThS Nguyễn Thị Hồng Duyên nêu giải pháp: Các trường cần thường xuyên dùng nội dung của hoạt động truyền thông về bình đẳng giới quốc gia làm các chủ đề trong phong trào sinh hoạt khoa học của GV; Tạo động lực và cơ hội tiếp cận, nghiên cứu vấn đề truyền thông về bình đẳng giới cho GV.
Từ đó giúp họ ý thức được vai trò của bình đẳng giới trong xã hội, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc truyền thông bình đẳng giới đến SV.
Tuy các tác động nhận thức về giới nơi SV chưa thật rõ ràng và cực đoan như một số chủ thể hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác, nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia, nếu các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép về giới trong các trường ĐH - CĐ vẫn hời hợt, thiếu và hình thức như hiện nay… tỉ suất chênh lệch giới tính giữa nam và nữ của Việt Nam sẽ khó được kéo giảm.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường cần mạnh dạn phát động các phong trào NCKH lấy chủ đề bình đẳng giới làm trọng tâm; Thường xuyên tổ chức các hội thi, các chương trình tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới.
Song song đó, đẩy mạnh việc lồng ghép các nội dung truyền thông về bình đẳng giới vào các môn học một cách đậm đặc hơn, có thể thiết kế và xây dựng một giáo trình riêng về vấn đề này, nhằm thúc đẩy nhận thức về giới nơi SV có tính chiều sâu hơn.
Để việc tuyên truyền và lồng ghép về giới đạt hiệu quả tốt nhất, các trường cần tập chung vào việc xây dựng chương trình hóa việc giáo dục bình đẳng giới theo hướng chuyên đề. Gạt bỏ ngay việc tuyên truyền theo lối hô hào, khẩu hiệu bằng các phân tích khoa học, chỉ rõ cho SV thấy rõ hệ lụy và lợi ích của chính sách cân bằng giới với xã hội. Bên cạnh đó, các trường cần phải xem việc bồi dưỡng nhận thức, năng lực, kỹ năng quản lý giáo dục đối với các chương trình về giới, để giúp GV xây dựng các chuyên đề hiệu quả hơn. ThS Tạ Thị Thanh Thủy (Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)