"Lập lờ đánh lận con đen"
Những năm gần đây, nhằm đánh vào tâm lý người dân muốn có thêm những giống cây cảnh lại phục vụ dịp Tết nên nhiều dân buôn đã tìm cách “phù phép” những cây cảnh như dâm bụt, dành dành (giá trị kinh tế thấp) thành táo Mỹ, táo Pháp và bán với giá cao gấp nhiều lần.
Còn 3 tháng nữa mới đến dịp Tết nguyên đán 2020, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên chiều 29/10 (tức 2/10, Âm lịch) tại Hà Nội đã xuất hiện những thợ buôn cây “táo Mỹ” mà thực chất đó là những cây hoa dành dành được gắn quả táo, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khiến người mua phải trả số tiền lớn.
Với những cây nhỏ (cao 50 cm, gắn 4-5 quả táo) được người này bán với giá 280 nghìn đồng, những cây kích thước lớn hơn được bán giá cao hơn ngoài ra còn tuỳ độ đẹp mỗi cây. Những cây táo giả xanh rờn, quả đỏ bóng mịn đã thu hút nhiều người đi đường dừng lại hỏi mua.
Tuy nhiên, khi phóng viên khẳng định đây không phải cây táo thì khách hàng mới ngã ngửa và yêu cầu chủ cây ngắt quả táo trên cây để kiểm tra. Nhưng người này liên tục đưa ra nhiều lý do từ chối, nhất quyết không đồng ý cho kiểm tra.
Không tìm được lý do, cuối cùng người này cũng thừa nhận đó không phải cây táo. Và nói: “Cây em thuận mua vừa bán nếu táo thật giá hơn 1 triệu đồng”, rồi nhanh chóng bỏ đi.
Nhiều người bị thu hút với những chậu cây "táo Mỹ" được làm giả rất tinh vi.
Dân buôn cây lên tiếng
Phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị D., chủ một vườn cảnh tại xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên).
Chị D., khẳng định, đa phần những cây bán rong được quảng cáo là táo lùn, táo cảnh... là cây hoa dành dành hoặc cây hoa dâm bụt được gắn quả táo thật. Những cây này chỉ có giá rẻ khoảng 50 nghìn đồng/cây.
Do đặc điểm là những cây có thân và cành rất dẻo và lá khá giống lá cây táo nên một số người đã lợi dụng gắn quả táo theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để biến thành táo cảnh và đẩy giá lên 200.000-500.000 đồng/cây.
Sau khi mua về trồng một thời gian, quả táo sẽ hỏng, cây sẽ ra hoa đỏ đặc trưng nếu là cây dâm bụt, với cây dành dành sẽ ra hoa màu trắng. Hai cây này đều không có quả.
Lá và nụ hoa của cây dành dành.
Chị D. tiết lộ: "Ngoài táo bị làm giả thì nụ hoa cây hải đường cũng thường được gắn vào để đánh lừa khách hàng như vậy. Với chi phí chỉ vài chục nghìn để biến một cây dành dành thành cây hoa hải đường là họ đã tạo ra lợi nhuận chênh lệch lớn".
Cũng theo chị D., cách để phân biệt rõ nhất là nhìn vào quả được gắn trên cây. Nếu là cây táo thật, quả sẽ ra từ cuống, cuống quả nhỏ, khoảng cách cuống từ quả tới cành rất ngắn.
Đối với cây bị gắn keo, quả thường được gắn luôn từ đầu cành, hoàn toàn không có cuống quả.
Quả táo không mọc ra từ cuống quả mà được gắn từ cành trên thân.
Lá của cây dâm bụt cũng khác, lá xanh đậm, khi vê nát ra sẽ hơi nhớt. Với cây táo lá sẽ tròn, xanh nhạt khi vê nát không bị nhớt. Ngoài ra, với cây táo lùn, táo tây giá bán lên tới cả triệu đồng chứ không có vài trăm nghìn như vậy".
Để tối đa lợi nhuận, nhiều dân buôn dùng thủ đoạn "râu ông nọ cắm cằm bà kia” sẵn sàng lừa dối người mua.
Tương tự, cây hoa dâm bụt cũng hay được biến hoá thành táo cảnh.