Vắc-xin tứ giá phòng bệnh gia cầm made in Việt Nam

GD&TĐ - Làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin tứ giá (phòng 4 bệnh cho gia cầm) từ thành phần vi khuẩn và virus trong nước giúp các nhà sản xuất giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.  

Nhóm nghiên cứu thực hiện việc phối trộn hợp chất để tạo ra vắc-xin trong phòng thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu thực hiện việc phối trộn hợp chất để tạo ra vắc-xin trong phòng thí nghiệm.

Vắc-xin 4 trong 1 cho gia cầm

Dự án “Vắc-xin tứ giá phòng 4 loại bệnh ở gia cầm: Newcastle do virus Newcastle (ND), viêm phế quản truyền nhiễm do virus Infectious bronchitis (IB), Gumboro do virus Infectious bursal disease (IBD) và sổ mũi truyền nhiễm do vi khuẩn H. paragallinarum” do Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5, Fivevet, được giao là đơn vị chủ trì và TS Trịnh Quang Đại làm chủ nhiệm. Dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Những năm gần đây, đi kèm với sự phát triển chăn nuôi thì tình hình dịch bệnh diễn biến cũng hết sức phức tạp gây thiệt hại lớn. Một trong những biện pháp kiểm soát dịch bệnh là thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi và sử dụng các loại vắc-xin phòng bệnh.

Vắc-xin đa giá là xu hướng công nghệ đang được thế giới sử dụng để phòng bệnh gia cầm.

Tại Việt Nam, nhận thấy tiềm năng lớn từ vắc-xin đa giá cho gia cầm, đã có một số cơ sở khoa học, doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển nhưng đều mới dừng ở thử nghiệm trên quy mô nhỏ. Do vậy, vắc-xin dùng trong nước vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu với giá thành cao.

Vắc-xin đa giá có chứa hai hoặc nhiều chủng/type huyết thanh của vi khuẩn hoặc virus. Khó khăn lớn để tạo ra loại vắc-xin này là tìm loại kháng nguyên có thể phối hợp với nhau mà không làm giảm hiệu quả phòng bệnh chung cho tất cả các bệnh, kích thích hệ miễn dịch của động vật chống lại tác nhân gây bệnh.

Fivevet đề xuất và được giao thực hiện nghiên cứu sản xuất vắc-xin tứ giá, có chứa bốn loại kháng nguyên, gồm 3 kháng nguyên virus (kháng nguyên Newcastle chủng Lasota, kháng nguyên IB chủng H120 và kháng nguyên Gumboro chủng 2512) và một kháng nguyên vi khuẩn (Haemophilus paragallinarum). Đây sẽ là vắc-xin tứ giá 100% “Made in Vietnam” đầu tiên.

Mục đích của nhóm nghiên cứu là phải làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin đa giá, bao gồm thành phần vi khuẩn và virus trong nước thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắc-xin nhập ngoại. Từ đó, giảm chi phí vắc-xin, nhân công tiêm và giảm stress của vật nuôi khi tiêm phòng.

Vắc-xin đa giá chỉ tiêm một mũi thay vì tiêm nhiều mũi như mỗi loại vắc-xin đơn giá. Tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng giá cả hợp lý phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Tìm ra công thức phối trộn tối ưu

TS Trịnh Quang Đại chia sẻ, thành phần vắc-xin được lựa chọn dựa trên tính toán các bệnh quan trọng nhất trong chăn nuôi gia cầm và tính khả thi về công nghệ. Nhóm đã chọn ba thành phần virus (virus gây bệnh Newcastle, virus gây bệnh viêm phế quản truyền nhiễm, virus gây bệnh Gumboro) và một thành phần vi khuẩn gây bệnh sổ mũi truyền nhiễm ở gà.

Nguồn kháng nguyên dùng trong vắc-xin được tạo ra từ công nghệ sản xuất kháng nguyên trên phôi trứng, trên tế bào đối với các kháng nguyên virus và trên môi trường nuôi cấy đặc trưng cho vi khuẩn Haemophilus paragallinarum. Sau đó, vắc-xin được tạo ra trên công nghệ phối chế để tạo thành vắc-xin tứ giá với hiệu quả cao đối với từng loại bệnh trên thể tích tương đương với thể tích của một vắc-xin đơn giá.

Cũng theo TS Đại, nhóm nghiên cứu luôn bám sát slogan “Chất lượng tạo nên thương hiệu” của Công ty Fivevet, nên nguyên liệu sử dụng bên cạnh nguồn kháng nguyên tinh khiết là chất bổ trợ chất lượng cao, được bào chế tối ưu cho vắc-xin đa giá, nhằm đem lại hiệu quả bảo hộ tốt nhất cho đàn vật nuôi.

Nguyên liệu này có ưu điểm độ đồng đều cao, dễ phân tán, kích thích đáp ứng miễn dịch ở cơ thể vật nuôi… Nguồn bổ trợ được nhập từ hãng sản xuất hàng đầu thế giới (Seppic – CH Pháp). Ngoài ra, là các chất ổn định, bổ trợ đặc biệt tăng tính ổn định và chất lượng cho vắc-xin.

Vắc-xin được bào chế để chứa cùng lúc kháng nguyên vi khuẩn và 3 kháng nguyên virus trong cùng 1 mũi tiêm, do đó, để tìm ra công thức để có thể phối trộn ổn định bốn thành phần là một thách thức lớn với nhóm nghiên cứu.

Làm thế nào để có một công thức phối chế giữa các virus, vi khuẩn vốn mang đặc điểm khác biệt nhau? Vắc-xin được tạo ra phải đạt được các mục đích về hiệu quả bảo hộ, hạn chế việc phải dùng nhiều vắc-xin để bảo hộ cho 4 bệnh, giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi cũng như giảm stress cho đàn vật nuôi.

“Với chủng vi khuẩn Haemophilus paragallinarum, tại Việt Nam chưa nhiều, và chủ yếu ghi nhận type A ở các nghiên cứu trước đây. Thành công của chúng tôi là đã phân lập, định danh được cả 3 type A, B, C của vi khuẩn Haemophilus paragallinarum trên gà ở Việt Nam. Vì vậy, nếu như dự định ban đầu chỉ là một type vi khuẩn trong vắc-xin thì hiện tại chúng tôi có cả 2 type A và C trong vắc-xin”, TS Đại kể.

Suốt hơn hai năm miệt mài, từ năm 2018 đến cuối năm 2020, công ty mới thực hiện xong các khâu để hoàn thành quá trình nghiên cứu vắc-xin.

Nghiên cứu xong, việc thử nghiệm trên gia cầm cũng là khâu phức tạp. Nhóm phải sàng lọc đến trên 60 nghiệm thức phối trộn khác nhau. Mỗi nghiệm thức được đánh giá để đưa ra nghiệm thức tối ưu. Kết quả này được sử dụng trong việc bào chế vắc-xin tứ giá.

Kết quả kiểm nghiệm và thử nghiệm với nghiệm thức lựa chọn của bốn loại kháng nguyên cho kết quả an toàn là 100% gà thử nghiệm và cho kết quả bảo hộ trên 80% với cả bốn loại kháng nguyên.

Vắc-xin đã được đánh giá tại cơ sở và được gửi mẫu đánh giá tại Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương 1. Kết quả cả ba lô vắc-xin thử nghiệm đều được công nhận Đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Fivevet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin tứ giá bao gồm ba thành phần virus và một thành phần vi khuẩn; quy trình đã được áp dụng để sản xuất vắc-xin tứ giá ở quy mô phòng thí nghiệm; đề tài đã được nghiệm thu và có những kết quả được đánh giá rất cao.

Để các kết quả nghiên cứu trên chuyển tiếp thành sản phẩm thương mại, kế hoạch tiếp theo cần phải tiếp tục triển khai dự án sản xuất thử nghiệm (dự án P) để hoàn thiện quy trình công nghệ ở quy mô sản xuất công nghiệp. Sau đó tiến tới đăng ký và thương mại hóa sản phẩm, dự kiến vào khoảng năm 2023. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ