I. Tình hình tiêm vắc xin trên thế giới 30/06/2021
Tình hình dịch Covid-19 ở Châu Âu và Châu Mỹ năm 2020 và đầu 2021 rất phức tạp hơn hẳn ở Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương.
Ngày 27/12/2020, khi toàn thế giới bình quân 1 triệu người dân có 2.858 người nhiễm Covid-19 phải được điều trị ở các bệnh viện, thì Châu Mỹ có 9.204 người/1 triệu dân, Châu Âu có 7.854 người/1 triệu dân, trong khi ở Châu Á chỉ có 257 người/1 triệu dân, Châu Phi 287 người/1 triệu dân và Châu Đại Dương có 324 người/1 triệu dân.
Tại Mỹ trên 1 triệu dân có tới 23.208 người phải được điều trị, tại Pháp là 32.292 người, tại Bỉ là 49.778 người, tại Hungari là 18.578 người, trong khi tại Nhật là 239 người, Ai Cập là 144 người, Hàn Quốc là 323 người, Angôla là 213 người, Thái Lan là 26 người, Việt Nam là 1,1 người.
Vì vậy Chính phủ các nước ở Châu Âu và Châu Mỹ sớm có ý thức rằng, chỉ có vắc xin phòng Covid-19 là giải pháp căn cơ, lâu dài giúp họ thoát khỏi dịch Covid-19.
BẢNG 1: Tình hình đặt hàng Vắc xin phòng Covid-19 của 1 số nước và tổ chức
Nguồn: Tracking the Vaccine race, Graphics.reuters.com (03.07.2021)
Do đó, từ cuối năm 2020 và nhất là quý 1.2021 họ đã đặt các hãng sản xuất vắc xin một lượng lớn vắc xin cho các nước của họ, kể cả qua đặt hàng của Liên minh Châu Âu (EU) cho 27 nước thành viên (Bảng 1).
Ngoài ra tổ chức Covax (phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới) và Liên minh Châu Phi cùng đặt hàng. Nhờ có sự đặt hàng sớm và nhiều nên tỉ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Châu Âu và Châu Mỹ cao nhất thế giới (Bảng 2).
Tỉ lệ người dân đã tiêm đủ liều vắc xin (2 mũi) ở Châu Âu là 25,8% dân số, ở Bắc Mỹ là 32,87%, trong khi ở Châu Á là 8,22%. Trong các nước ASEAN thì Singapore có tỉ lệ tiêm đủ liều vắc xin cao nhất là 35,8%, kế đó là Campuchia 18,24%, còn tất cả 8/10 nước còn lại không quá 8%. Việt Nam là nước duy nhất đạt dưới 1% dân số (0,2% dân số) (Bảng 2).
BẢNG 2: Tình hình tiêm Vắc xin phòng Covid-19 của Thế giới và một số nước (30.06.2021) – Nguồn: Ourworlddata.org
Bình quân toàn thế giới tính đến 30.06.2021, 11,04% dân số đã tiêm đủ liều vắc xin và 12,63% tiêm một mũi. Một số nước có tỉ lệ tiêm đủ liều vắc xin cho nhân dân cao như Mỹ 46,61%, Anh 48,68%, Mông Cổ 53,39%, Israel 57,2%.
II. Tình hình sản xuất, đặt hàng và phân phối vắc xin đến 30/06/2021, dự báo 12/2021
Phân tích số lượng một nước đã đặt hàng sản xuất vắc xin phòng Covid-19, (Bảng 1), cho ta thấy sự phân bổ rất không tương ứng với dân số của việc đặt hàng sản xuất vắc xin hiện nay.
Trong khi số vắc xin đã được tiêm toàn thế giới tương đương 34,71% dân số thế giới (11,04% dân số đã tiêm 2 mũi, 12,63% tiêm đủ 1 mũi, Bảng 2), thì số vắc xin mà nước Anh đã đặt hàng sản xuất cho mình là 517 triệu liều, bằng 755% dân số. Tức là bình quân mỗi người dân đã được chính phủ đặt hàng có 7,55 liều, Bảng 1.
Ở Canada mỗi người dân đã được đặt hàng 7,65 liều, ở Mỹ 3,95 liều, trong Liên minh Châu Âu 5 liều, Nhật Bản và Úc là 4,5 liều, ở Israel là 3,07 liều, Hàn Quốc 2,18 liều và Brazil 2,1 liều. Tổ chức Covax đã đặt hàng 1.550 triệu liều và Liên minh Châu Phi đã đặt 670 triệu liều, Bảng 1. Tổng cộng 47 nước (đã được công bố công khai số vắc xin họ đặt mua, Bảng 1) và 2 tổ chức Covax và Liên minh Châu Phi đã đặt hàng sản xuất 9.312 triệu liều vắc xin, Bảng 1.
Thức tế đến 30/06/2021, toàn thế giới đã sản xuất và phân phối hơn 3,12 tỉ liều vắc xin, Bảng 3, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 số đã được đặt hàng là 9,31 tỉ liều. Theo dự báo của các chuyên gia, đến 09/2021 thế giới có thể sản xuất được 5 tỉ liều vắc xin, vẫn còn thiếu 4,31 tỉ liều so với số đã được đặt hàng.
Từ đó có thể dự báo sơ bộ là đến 15/12/2021, thế giới sản xuất được khoảng 6,5 tỉ liều vắc xin, Bảng 3 và Hình 1, vẫn còn thiếu khoảng 2,8 tỉ liều so với số đã được đặt hàng (từ 47 nước và Covax, Liên minh Châu Phi).
Như vậy, các nước khác đã đặt hàng MUỘN HƠN 47 nước trên và 2 tổ chức Covax, Liên minh Châu Phi sẽ rất khó nhận được vắc xin theo thời hạn ghi trong hợp đồng, vì bản thân các thời hạn này là KHÔNG RÀNG BUỘC trong hợp đồng với nhiều nhà sản xuất.
BẢNG 3: Tình hình sản xuất và phân phối Vắc xin toàn cầu và dự báo
Nguồn: Financial Times, Tracking Covid-19 (02.07.2021)
Câu hỏi đặt ra là: Các nước đặt hàng sớm và lớn (32 nước), Bảng 4, thì nhu cầu vắc xin thực sự của họ năm 2021 là bao nhiêu, họ còn dư bao nhiêu sẽ không dùng đến năm 2021, nếu họ nhận đủ số vắc xin đã đặt hàng cho 2021.
Nếu ước tính rằng năm 2021, 32 nước này sẽ tiêm đủ cho 70% dân số của mình (2 liều/1 người) và còn dự trữ 2 liều/người cho 2022, tức là mỗi người dân đảm bảo có 4 liều vắc xin năm 2021, thì họ sẽ cần 3.003 triệu liều vắc xin, trong khi họ đã đặt hàng 5.012 triệu liều. Tức là với tổng dân số 32 nước này là 1.036,5 triệu người, họ không thể dùng hết 5.012 triệu liều, mà sẽ còn dư 2.009 triệu liều, Bảng 4.
BẢNG 4: Số liều Vắc xin 32 nước đã đặt hàng 2021 và dự báo số liều chưa có nhu cầu sử dụng trong năm 2021
III. Vấn đề của Việt Nam và tìm giải pháp cho 2021 - 2022
Hiện nay, dịch Covid-19 ở Việt Nam là làn sóng lây nhiễm thứ 4, kể từ tháng 02/2020. Mặc dù chưa đạt đỉnh, song đây là làn sóng lây nhiễm dài nhất và nặng nhất. Làn sóng lây nhiễm thứ 3 đạt đỉnh ngày 17/02/2021 với 710 người lây nhiễm đang được điều trị. Tại làn sóng thứ 4, đến nay số người đang được điều trị đã là 10.877, gấp 15 lần đỉnh của làn sóng thứ 3. Số người đang được điều trị/1 triệu dân là 111 người, gấp 11 lần ngưỡng có dịch (10 người/1 triệu dân) và gấp 10 lần khi dịch bắt đầu với 11,1 người/1 triệu dân vào ngày 13/05/2021.
Trong bối cảnh dịch còn tiếp tục gia tăng, việc sử dụng vắc xin để ngăn chặn mạnh, nhanh việc lây nhiễm ở 6 địa phương là nơi dịch nặng nhất (hiện nay là Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Phú Yên, Lạng Sơn) là rất cần thiết và sau đó là tại 45 tỉnh thành phố đang có dịch và lây nhiễm, cuối cùng là 12 địa phương không có lây nhiễm để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Nếu đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 70% dân số trong năm 2021 thì chúng ta cần tiêm cho 68,32 triệu người dân, với tổng cộng 136,64 triệu liều (2 liều/người). Đến nay chúng ta đã kí hợp đồng mua hoặc cung cấp cho Việt Nam 110 triệu liều vắc xin, tuy nhiêm đa số trong số đó không bị chế tài nếu không cung cấp được vào thời gian dự kiến cung cấp đã ghi trong hợp đồng.
Vì vậy đến nay ta không biết chính xác lúc nào 110 triệu liều vắc xin này sẽ được đưa về Việt Nam. Việt Nam đã được Nhật Bản tặng hơn 1,9 triệu liều vắc xin và Trung Quốc tặng 0,5 triệu liều.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm được khoảng 3,8 triệu liều vắc xin trong tổng số 4,9 triệu liều đã nhận được, trong đó số người đã tiêm 1 mũi là khoảng 3,5% dân số và tiêm 2 mũi là 0,2% dân số. Như vậy, so với tỉ lệ tiêm bình quân của thế giới là 12,63% dân số tiêm 1 mũi và 11,04% dân số tiêm 2 mũi thì tỉ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam thuộc nhóm rất thấp và thấp nhất ASEAN, Bảng 2. So với yêu cầu 70% dân số được tiêm 2 mũi năm 2021 thì tỉ lệ hiện nay của Việt Nam 0,2% là quá thấp.
Như vậy, vấn đề của Việt Nam là: làm sao trong khoảng 2 – 4 tháng tới có được khoảng 100 triệu liều vắc xin và 2 tháng cuối năm có được 30 triệu liều nữa để đạt mục tiêu tiêm chủng đủ cho 70% dân số, đặt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm và hoàn chỉnh vắc xin do Việt Nam sản xuất (khả năng đầu 2022 có thể được cấp phép sử dụng), thì vấn đề quyết định là tìm ra nguồn vắc xin có thể mua nhanh hoặc hoán đổi nhanh, sau đó ta trả lại họ bằng vắc xin mới do ta đã đặt hàng nhưng được cung cấp muộn hơn.
Qua phân tích ở trên, Bảng 4, tại 32 nước đã đặt mua số lượng lớn vắc xin, 5,012 tỉ liều cho năm 2021, nhu cầu thực tế của họ, đã tính cả dự trữ cho 2022 (4 liều cho 1 người dân cần tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng) chỉ là 3.003 tỉ liều, còn 2,009 tỉ liều không dùng đến.
Như Israel là một nước nhỏ, dân số 9,1 triệu người, đã đặt mua 28 triệu liều, Bảng 1, đến tháng 07/2021 có 1,4 triệu liều vắc xin sẽ hết hạn mà chưa có nhu cầu sử dụng.
Ngày 29/06/2021 Bộ Y tế Israel thông báo 0,8 triệu liều vắc xin Pfizer có nguy cơ phải hủy bỏ vì hết hạn. Giữa tháng 06/2021 Israel đã thông báo tặng Palestin số vắc xin này song Palestin đã từ chối vì sắp hết hạn. Ngày 21/06/2021 Chính phủ Mỹ thông báo sẽ chia sẻ (tặng) 55 triệu liều trong 80 triệu liều vắc xin dư thừa. Trong trường hợp này, nếu Việt Nam đặt vấn đề mua 25 triệu liều còn lại mà họ thừa, thì có thể họ sẽ bán. Thực tế đến hết năm 2021, số vắc xin họ không có nhu cầu sử dụng, nhưng đã đặt hàng sản xuất có thể lên tới 380 triệu liều, Bảng 4.
Còn tại 32 nước đã đặt hàng nhiều, thì họ sẽ có thể dư thừa 2,009 tỉ liều, Bảng 4. Vì vậy, nếu Việt Nam gặp lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU, 27 nước) và chính phủ của 5 nước Anh, Mỹ, Canada, Úc và Nhật đàm phán để mua lại hoặc hoán đổi bằng vắc xin mới mà Việt Nam đã kí hợp đồng, nhưng bị giao muộn thì chúng ta có thể nhanh chóng có được khoảng 100 triệu – 130 triệu liều, chiếm 5% đến 6,5% số vắc xin họ sẽ dư thừa vào năm 2021.
Liên minh Châu Âu và 5 nước này đều có quan hệ đối tác hợp tác toàn diện hoặc đối tác chiến lược với Việt Nam. Việc mua lại hoặc hoán đổi một phần số vắc xin mà họ đã đặt hàng quá nhu cầu năm 2021, 2022 của họ là có lợi cho cả hai bên.