Vắc-xin 'made in Vietnam' sau hơn 60 năm được đặt tên: Trí tuệ làm nên kỳ tích

GD&TĐ - Từ những năm 1960, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được vắc-xin đầu tiên. Đó là vắc-xin phòng bại liệt.

Việt Nam chủ động sản xuất được nhiều loại vắc-xin. Ảnh minh họa
Việt Nam chủ động sản xuất được nhiều loại vắc-xin. Ảnh minh họa

Từ những năm 1960, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được vắc-xin đầu tiên. Đó là vắc-xin phòng bại liệt. Đến nay, sự nghiệp sản xuất vắc-xin của nước ta đã có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ.

Để trẻ không bị... bỏ lại phía sau

Thời gian qua, nhiều địa phương bị gián đoạn các vắc-xin chương trình TCMR. Riêng vắc-xin 5 trong 1 đã thiếu hụt từ tháng 3/2023. Bộ Y tế đã bổ sung 2 đợt tháng 8 và tháng 12/2023 cho một số tỉnh, thành từ nguồn viện trợ.

Trước lo lắng của người dân về việc tiêm vắc-xin 5 trong 1 xong mũi 1 lại có thể bị gián đoạn mũi 2, 3, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc mua thêm khoảng 2,8 triệu liều vắc-xin 5 trong 1 sẽ đáp ứng đủ 100% nhu cầu, ít nhất trong 6 tháng của năm 2024. Viện sẽ cung ứng, phân bổ ngay khi có thêm vắc-xin. Do đó, cha mẹ không lo trẻ bị gián đoạn mũi 2, mũi 3.

Theo kế hoạch, số vắc-xin 5 trong 1 được triển khai tại các trạm y tế xã, phường trên cả nước ngay từ những ngày đầu tháng 1/2024. Vắc-xin được ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 - 18 tháng tuổi sau đó có thể sử dụng tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi.

Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Bộ Y tế cũng đã giám sát tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 tại Tuyên Quang. PGS.TS Dương Thị Hồng, trưởng đoàn giám sát cho hay, cùng với các tỉnh miền núi khác, Tuyên Quang là một trong những tỉnh được ưu tiên cấp vắc-xin TCMR để tiêm theo lịch, tiêm bù cho trẻ, bảo đảm bao phủ vắc-xin, bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt trước nguy cơ dịch bệnh mùa Đông - Xuân.

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn cho trẻ, chương trình TCMR đã tổ chức tập huấn lại quy trình tiêm và yêu cầu mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ. Dự kiến, trong năm 2024, chương trình TCMR cũng sẽ triển khai việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ em nhập học mầm non, tiểu học. Đây là lần đầu tiên Việt Nam rà soát tiêm chủng, tiêm bù liều cho nhóm trẻ này trên toàn quốc.

PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, thực tế, hoạt động này đã được triển khai trên quy mô nhỏ tại 12 tỉnh, thành của 4 khu vực gồm: Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng trong năm 2023.

Năm 2024, chương trình TCMR sẽ mở rộng phạm vi triển khai thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học sang 30% số tỉnh thành, từ năm 2025 sẽ triển khai trên toàn quốc.

Mục tiêu của hoạt động là ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc-xin sởi, sởi - rubella, vắc-xin bại liệt và viêm não Nhật Bản được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh.

Việc triển khai tiêm tại trường học nhằm tiêm vét, bù mũi cho các cháu bị hoãn hoặc bỏ lỡ những mũi tiêm chủng đầu đời. Điều này giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng dịch, tiết kiệm nguồn nhân lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt. Các bệnh được chú trọng tiêm bù vắc-xin gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản B, sởi - rubella, bại liệt.

Tiêm chủng cho trẻ em ở Hà Nội. Ảnh: INT

Tiêm chủng cho trẻ em ở Hà Nội. Ảnh: INT

Không ngừng nghỉ cho ngày hái “trái ngọt”

Có thể nói, sự xuất hiện của vắc-xin trong hơn 200 năm qua đã bảo vệ nhân loại chống lại hơn 20 căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, giúp ngăn chặn từ 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Lợi ích của việc tiêm chủng là khó có thể chối cãi. Vắc-xin ngày càng được mở rộng đến thanh, thiếu niên và người lớn, bảo vệ con người chống lại những bệnh nguy hiểm như cúm, viêm màng não và các loại ung thư (như ung thư cổ tử cung và ung thư gan), thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

Cùng với việc phòng chống dịch bệnh, vắc-xin cũng giúp hạn chế sự lan rộng của tình trạng kháng kháng sinh, Bởi, khi được tiêm vắc-xin, người chủng ngừa sẽ giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Từ đó, giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh. Điều này góp phần hạn chế tình trạng kháng kháng sinh.

Đặc biệt, những năm vừa qua, khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch toàn cầu Covid-19, tầm quan trọng của vắc-xin càng được khẳng định hơn nữa. Bằng chứng đanh thép nhất là sau khi các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được thực hiện rộng rãi ở các quốc gia, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong đã giảm đáng kể.

Song song cùng công tác phổ cập, bao phủ các mũi tiêm chủng để giúp trẻ em cũng như người lớn chống lại các dịch bệnh nguy hiểm, việc nghiên cứu, phát triển vắc-xin đều được các nước trên phạm vi toàn cầu xem là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Việt Nam cũng không là ngoại lệ so với thế giới.

Từ những năm 1960, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được vắc-xin đầu tiên. Đó là vắc-xin phòng bại liệt. Đến nay, sự nghiệp sản xuất vắc-xin của nước ta đã có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ.

Sau đó, Việt Nam dần chủ động sản xuất được nhiều loại vắc-xin như: Viêm gan B từ huyết tương người, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Tới năm 2015, mọi nỗ lực của các thế hệ y - bác sĩ trong nghiên cứu vắc-xin đã được khẳng định một cách xứng đáng.

Trong năm này, Bộ Y tế đã đón nhận Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin Việt Nam (NRA) đạt chuẩn quốc tế, được trao bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với cơ hội này, Việt Nam đã trở thành một trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận NRA và có điều kiện xuất khẩu vắc-xin.

Thời điểm đó, rất nhiều nước trên thế giới chưa nộp hồ sơ để WHO đánh giá và cấp Giấy chứng nhận nói trên, bởi tiêu chí kiểm nghiệm rất khắt khe. Có những nước phải mất tới 19 - 20 năm mới hoàn thiện đánh giá này.

Ngay cả các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc cũng phải đến lần đánh giá thứ 2 mới đạt tiêu chuẩn này. Trong khi đó, thời gian từ lúc Bộ Y tế quyết định khởi động, tăng tốc triển khai đến khi nhận được NRA là 18 tháng.

GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải: “Việc Việt Nam được WHO công nhận hệ thống quản lý về vắc-xin có nghĩa chúng ta đã sánh ngang các nước phát triển trên thế giới cũng đạt tiêu chuẩn này.

Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B. Ảnh: ITN

Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B. Ảnh: ITN

Ví dụ trong kiểm nghiệm vắc-xin, từ chỗ phải gửi mẫu ra nước ngoài để đánh giá, thì nay ta có thể nhận mẫu vắc-xin của các nước trên thế giới để kiểm nghiệm và kết quả kiểm nghiệm này được WHO công nhận.

Với Giấy chứng nhận này, Việt Nam có đủ khả năng giám sát, đánh giá chất lượng vắc-xin một cách độc lập. Khi đó, vắc-xin của chúng ta làm ra có thể xuất khẩu ra thế giới và các nước công nghệ cao có thể yên tâm đầu tư vào đây cùng hợp tác sản xuất vắc-xin, cạnh tranh lành mạnh”.

Ngay sau đó, vào năm 2016, Việt Nam sản xuất được vắc-xin phối hợp phòng sởi - rubella (MR) chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Tại thời điểm này, Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắc-xin trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vắc-xin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Đây là vắc-xin đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm tiền lâm sàng. Năm 2018 - 2019, chúng ta sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1.

Hiện tại, “quả ngọt” đã đến nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ sau hơn nửa thế kỷ. Việt Nam đã tự chủ sản xuất được 11 trên tổng số 12 loại vắc-xin có trong chương trình TCMR quốc gia. Không những thế, vắc-xin “made in Việt Nam” đã chính thức được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

GS.TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế thông tin, trong năm 2023, Polyvac đã xuất khẩu 1 triệu liều vắc-xin sởi đi Ấn Độ. Đồng thời, cả Iran và Bangladesh cũng đã có nhiều cuộc làm việc để có thể sớm ký kết hợp đồng xuất khẩu vắc-xin Rota do Polyvac sản xuất đi những nước này.

Cũng trong năm 2023, vắc-xin dịch tả lợn châu Phi - loại vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi mà Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu ra đã chính thức được xuất khẩu đi 5 nước: Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ,

Myanmar với khoảng 2 triệu liều. Nhiều chuyên gia dự đoán, với năng lực của Việt Nam về hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin, đội ngũ nhà khoa học cùng với chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất vắc-xin nhiều nhất trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xưởng in thiệp mời Hoàng Gia