V-League 2023/2024 còn lắm ưu tư: Cầu thủ trẻ đứng ở đâu?

GD&TĐ - Lần đầu tiên, sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam có quy định cụ thể với các câu lạc bộ về việc sử dụng cầu thủ trẻ.

Khuất Văn Khang (bên phải - Thể Công Viettel) gương mặt trẻ hiếm hoi đá chính ở V-League 2023-2024. Ảnh: VPF.
Khuất Văn Khang (bên phải - Thể Công Viettel) gương mặt trẻ hiếm hoi đá chính ở V-League 2023-2024. Ảnh: VPF.

Tuy nhiên, V-League 2023-2024 khép lại, nhân tài bóng đá Việt Nam vẫn như… lá mùa thu.

Đăng ký… cho vui!

Trước V-League 2023-2024, mùa giải đầu tiên vắt qua 2 năm, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mong muốn các cầu thủ trẻ được tạo điều kiện ra sân nhiều hơn, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia.

Trong một cuộc hội thảo với đại diện các câu lạc bộ, VPF đưa ra 3 phương án về sử dụng cầu thủ trẻ. Theo đó, phương án 1 là 3 cầu thủ trẻ/30 người được đăng ký tham dự giải, 3 cầu thủ trẻ/20 người được đăng ký trận đấu và 1 cầu thủ trẻ/11 người đăng ký chính thức. Phương án 2 với 2 cầu thủ trẻ/30 người được đăng ký tham dự giải, 2 cầu thủ trẻ/20 người được đăng ký trận đấu. Và cuối cùng, 3 cầu thủ trẻ/30 người được đăng ký tham dự giải.

Tại Lễ trao giải V-League Awards 2024, Sông Lam Nghệ An đã giành giải thưởng Câu lạc bộ có nhiều cầu thủ trẻ tham gia thi đấu nhất V-League 2023/2024.

Theo Ban tổ chức, mùa giải 2023/2024, Sông Lam Nghệ An lần lượt đăng ký 14 cầu thủ trẻ, với 134 lần vào sân thi đấu, đồng thời là câu lạc bộ có độ tuổi trung bình trẻ nhất V-League 2023/2024 (22,7 tuổi).

Đội bóng xứ Nghệ kết thúc V-League 2023/2024 với vị trí thứ 12/14 đội tham dự giải.

Mục đích của quy định cầu thủ trẻ rất rõ ràng, tốt cho đội tuyển quốc gia và bảo đảm tính kế cận cho các câu lạc bộ, song đại diện số đông các đội bóng tham dự hội thảo này nêu ra rất nhiều khó khăn, trở ngại xoay quanh phương án 1 và 2.

Lãnh đạo một số câu lạc bộ, đặc biệt những đội có tầm “ảnh hưởng” nêu quan điểm rằng, chỉ nên quy định có cầu thủ trẻ đăng ký vào danh sách tham dự giải (30 người), còn sử dụng cầu thủ trẻ như thế nào, có đưa vào danh sách đăng ký trước trận (20 người), hay có được vào sân thi đấu không phụ thuộc vào thực tế, cũng như ban huấn luyện.

Thực tế, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lúc này không phải đội bóng nào cũng có công tác đào tạo trẻ chất lượng.

Trong vai trò tổ chức giải, VPF có quyền chốt phương án 1, 2 hoặc 3, các câu lạc bộ theo quy chế phải tuân thủ cuộc chơi. Quy định văn bản là thế, song VPF cũng quá hiểu thực trạng đào tạo trẻ còn nhiều hạn chế của các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam, kể cả những đội từng lên ngôi vô địch V-League.

Đơn vị tổ chức giải không thể đặt mình vào cái thế “đối đầu” với các thành viên tham dự giải, cũng như chính mình, bởi VPF được điều hành và quản lý bởi rất nhiều người đến từ các câu lạc bộ. Đơn cử, ông Nguyễn Quốc Hội - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị VPF, còn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao T&T, tức đơn vị sở hữu câu lạc bộ Hà Nội, hay Phó Chủ tịch hội đồng quản trị VPF Hồ Hồng Thạch còn là Chủ tịch câu lạc bộ Becamex Bình Dương…

Vậy nên, ở mùa giải mang tính lịch sử vắt qua 2 năm, mong muốn về bước đột phá đưa cầu thủ trẻ vào sân của VPF chưa thể diễn ra như mong muốn. VPF không thể “ép” các câu lạc bộ phải sử dụng 1-2 cầu thủ trẻ trong mỗi trận, họ hiểu rằng, sức phản kháng sẽ rất mãnh liệt, đồng thời có thể kéo theo những hệ lụy khác, như chất lượng chuyên môn của giải, nhiều trận đấu không được như mong đợi, tác động đến kế hoạch truyền thông, tìm kiếm tài trợ.

“Số phận” cầu thủ trẻ được xác định ở phương án 3. Theo Điều lệ giải bóng đá vô địch quốc gia 2023-2024, khoản 10 Mục V (Các quy định về đăng ký) có quy định: Mỗi câu lạc bộ “tối thiểu 3 cầu thủ có quốc tịch Việt Nam có lứa tuổi từ 16 đến 22 tuổi (tính đến ngày khai mạc Giải).

Quyết định này được cho là dung hòa lợi ích giữa VPF và số đông câu lạc bộ thành viên. Đơn vị tổ chức giải chốt được phương án sử dụng cầu thủ trẻ, đồng thời chưa mang tính “sát ván” với các câu lạc bộ. Chính vì quy định còn chung chung nên bức tranh cầu thủ trẻ sau V-League 2023-2024 gần như xám xịt. Rất nhiều câu lạc bộ vì áp lực thành tích, hoặc những năm gần đây làm đào tạo trẻ theo kiểu được chăng hay chớ gần như đóng cửa danh sách với cầu thủ trẻ. Những người trong độ tuổi 16-22 chỉ thực hiện đúng 1 vai trò, có tên trong danh sách để bảo đảm đúng quy định của VPF.

V-League 2023-2024 trôi qua 7 vòng đấu, câu lạc bộ Hải Phòng, Bình Định không đưa bất cứ cầu thủ trẻ nào vào danh sách đăng ký trận đấu (20 người). Ngay cả đội bóng làm đào tạo trẻ tốt như Hà Nội, số cầu thủ trẻ ra sân rất ít và gần như không có cầu thủ nào để lại ấn tượng.

Những Vũ Tiến Long, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Trường, Đức Anh đôi khi được tạo cơ hội lọt vào danh sách đăng ký trận đấu, hoặc ra sân vào những thời điểm trận đấu không còn quá quan trọng.

Thể Công Viettel có Khuất Văn Khang, nhưng cầu thủ sinh năm 2003 này đã nổi tiếng từ trước và có được chỗ đứng thường xuyên trong màu áo đội bóng thuộc doanh nghiệp Quân đội này. Nhìn sang nhóm trẻ còn lại, chỉ có Công Phương thỉnh thoảng được ban huấn luyện Thể Công Viettel đưa vào danh sách đăng ký trận đấu.

Trên thực tế, một số câu lạc bộ với nhiều lý do khác nhau, trong đó có lẽ nguyên nhân hàng đầu vẫn là kinh phí đã vận dụng khoản 10 mục V theo chiều hướng chủ động, song họ phải trải qua rất nhiều khó khăn về thành tích.

Sông Lam Nghệ An là ví dụ điển hình. Nếu không để hậu vệ 20 tuổi Hồ Văn Cường đến Công An Hà Nội theo hợp đồng cho mượn, danh sách đăng ký của đội bóng xứ Nghệ có đến 11 cầu thủ ở độ tuổi U22. Tuy nhiên, với 10 cầu thủ trẻ như quy định của VPF, Sông Lam Nghệ An có số cầu thủ trẻ hơn nhiều đội bóng cộng lại.

Đặc biệt, mỗi trận đấu, đội bóng này thường xuyên có 2-4 cầu thủ trẻ ra sân, có thể kể đến như thủ môn Nguyễn Văn Việt (21 tuổi), trung vệ Trần Nam Hải (19 tuổi), tiền vệ Nguyễn Văn Bách (20 tuổi). Lê Nguyên Hoàng, Nguyễn Quang Vinh (cùng 18 tuổi) cũng được thi đấu khá nhiều.

con lam uu tu (3).jpg
Trận Sông Lam Nghệ An (bên trái) - Hà Tĩnh vòng 25 V-League 2023-2024. Ảnh: VPF.

Chỉ có điều, sự xuất hiện của những cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm và chuyên môn khiến cho bóng đá Nghệ An có thêm một mùa giải vất vả, nhiều biến động.

Trên băng ghế chỉ đạo, huấn luyện viên Phan Như Thuật phải nhường vị trí “thuyền trưởng” cho phó tướng Phạm Anh Tuấn nhằm trục vớt Sông Lam Nghệ An khỏi nguy cơ xuống hạng.

Các trận đấu của đội bóng xứ Nghệ không còn duy trì được sự máu lửa như xưa, dẫn đến khán giả thờ ơ với đội nhà, kể cả những trận đấu trên sân Vinh. Phải đến vòng đấu cuối cùng, thầy trò huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn mới chính thức thoát khỏi nguy cơ đá trận tranh vé vớt trụ hạng.

Tất nhiên, thành tích thất vọng đó có rất nhiều nguyên nhân, nhưng sự xuất hiện của nhiều cầu thủ trẻ theo cách “phải dùng” đã khiến đội bóng xứ Nghệ toát mồ hôi ở nhóm đáy bảng.

Bên cạnh Sông Lam Nghệ An, câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai là đội bóng sử dụng khá nhiều cầu thủ trẻ. Những Nguyễn Quốc Việt (20 tuổi), Nguyễn Đức Việt (19 tuổi), Nguyễn Văn Triệu (20 tuổi)… đều đặn được đá chính. Nhưng, nhóm trẻ này chưa trưởng thành để gánh vác trọng trách rất nặng về chuyên môn và sau đó là thành tích.

Đội bóng phố Núi cũng trải qua thêm một mùa giải nhọc nhằn, và cũng phải đến vòng đấu cuối cùng, thầy trò huấn luyện viên Vũ Tiến Thành mới trút đi gánh nặng về nguy cơ đá trận tranh vé vớt trụ hạng.

con lam uu tu (2).jpg
Trận Hải Phòng - Hoàng Anh Gia Lai (bên phải) vòng 26 V-League 2023-2024. Ảnh: VPF.

Hồi chuông cảnh báo

Vấn đề sử dụng cầu thủ trẻ, đào tạo trẻ không phải vừa nảy sinh với các câu lạc bộ, mà nó đã kéo dài trong nhiều năm qua, xuyên suốt hơn 20 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cầu thủ trẻ và đào tạo trẻ - vấn đề vẫn mang tính thời sự, cấp thiết được mổ xẻ bởi VPF mong muốn đưa nó trở thành quy định cứng, nhằm từng bước bằng sức trẻ tạo ra sự chuyển biến, luồng gió mới cho sân chơi V-League, giống như lứa đầu tiên với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… của Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG trình làng vào cuối năm 2013 và tạo ra cơn sốt ở V-League năm 2014.

Vấn đề VPF đặt ra rất chính đáng, và mang tính sống còn với bất cứ giải bóng đá chuyên nghiệp nào. Nó còn phát huy hiệu quả, ý nghĩa hơn với những nền bóng đá hạng thấp như khu vực Đông Nam Á và V-League nằm trong đó.

Mặc dù vậy, như đã đề cập, VPF chưa thể đưa ra quyết định mang tính “cách mạng” về sử dụng cầu thủ trẻ. Thay vì phương án 1, hoặc 2, hay có thể một giải pháp nào đó đủ mạnh buộc các đội bóng phải ưu tiên, chú trọng đến cầu thủ trẻ, đào tạo trẻ thì họ lại hướng đến giải pháp “chung sống hòa bình” với các câu lạc bộ. Thế nên, ai cũng thấy nhiều đội bóng đã đối phó với Điều lệ giải bóng đá chuyên nghiệp 2023-2024 bằng cách đăng ký đúng quy định về cầu thủ trẻ nhưng lại không dùng đến.

Thay vì hành xử với nhau bằng luật, quy định đi kèm với chế tài thì VPF với phương án 3 chỉ còn kêu gọi các câu lạc bộ cần trao cơ hội nhiều hơn cho cầu thủ trẻ. Nhưng một khi cuộc chơi theo kiểu cảm tính thì VPF có rát cổ kêu gào thì đổi lại cũng chỉ là sự im lặng từ phía các đội bóng mà thôi.

Quay lại V-League 2023-2024, nhìn vào đội hình xuất sắc nhất do VPF bình chọn với 11 cái tên đến từ 7 câu lạc bộ khác nhau. Trong số này, chỉ có đúng 1 cầu thủ trẻ theo quy định độ tuổi của VPF là tiền vệ trung tâm Nguyễn Thái Sơn (Thanh Hoá). Tiền vệ sinh năm 2003 này đã thi đấu 24 trận, trung bình chơi 85 phút mỗi trận, và có 4 kiến tạo thành bàn cho đội bóng xứ Thanh.

Tuy nhiên, Thái Sơn đã nổi danh trong 2 năm gần đây. Hai vị trí đáng lưu tâm thì tiền đạo thuộc về Rafaelson (Nam Định) và thủ môn Patrik Le Giang (TP HCM). Nếu cố gắng điểm một vài người trẻ, kể cả vượt ngưỡng độ tuổi U22 thì chỉ có trung vệ Phan Tuấn Tài (Thể Công Viettel), cầu thủ này sinh năm 2001. Những vị trí còn lại đều là những cựu binh như Văn Quyết (Hà Nội) đã bước sang tuổi 33, Văn Toàn (sinh năm 1996), Hoàng Đức (sinh năm 1998)…

Danh hiệu “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2023-2024” thuộc về Bùi Vĩ Hào (Becamex Bình Dương). Cầu thủ trẻ của đội bóng đất Thủ ra sân 25 trên tổng số 26 trận đấu tại V-League, có được 3 bàn thắng.

Dấu ấn của tiền đạo sinh năm 2003 không chỉ nằm ở số trận ra sân, bàn thắng hay kiến tạo có được, mà anh còn đóng góp rất lớn vào lối chơi chung của Becamex Bình Dương, đồng thời thể hiện dấu ấn đậm nét trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam. Thế nhưng, chân sút quê An Giang này đủ sức cạnh tranh một suất ở đội tuyển Việt Nam không? Đây vẫn là ẩn số, bởi Vĩ Hào chưa ở tầm xuất sắc so với các đàn anh dạn dày kinh nghiệm. Điều đó để thấy rằng, bóng đá trẻ Việt Nam thiếu và yếu ở cả chất cũng như lượng như thế nào.

Và cũng cần phải nhắc thêm, tình trạng mua bán đội bóng, suất thăng hạng cùng chiến lược “đốt cháy giai đoạn” dẫn đến nhiều câu lạc bộ không có đầy đủ các tuyến trẻ. Điều đó được phản ánh khá rõ khi nhiều câu lạc bộ phải mượn cầu thủ trẻ từ đội khác cho đủ quân số trẻ như quy định. Hay mới đây, việc nhiều đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam, kể cả các câu lạc bộ mạnh không được cấp phép, hoặc cấp phép có điều kiện do thiếu tuyến trẻ, đội trẻ cho thấy khoảng trắng đào tạo trẻ quá lớn của bóng đá Việt Nam.

Trong khi quy định sử dụng cầu thủ trẻ ở V-League mùa tới chưa thay đổi, vẫn “tùy tâm” các câu lạc bộ, thì mới đây đơn vị tổ chức giải bổ sung quy định cho phép nâng số cầu thủ Việt kiều được phép ra sân tại V-League 2024/25 ở mỗi đội bóng lên 2 cầu thủ, thay vì 1 như những mùa bóng đã qua. Quyết định này hướng đến mục tiêu nâng chất giải đấu vốn đang chững lại về chuyên môn hay mức độ cạnh tranh vị trí tại các câu lạc bộ, song nó cũng làm hẹp đi đáng kể cơ hội của các cầu thủ trẻ.

Bài 4: Hệ lũy nhãn tiền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ