Ưu tư V-League 2023/2024: Nam Định và cuộc chiến sinh tồn

GD&TĐ - Sau hơn 8 tháng, V-League 2023/2024, mùa giải đầu tiên vắt qua 2 năm nhằm đồng bộ với các quốc gia châu Á và châu Âu đã khép lại

Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An thoát hiểm ở vòng cuối cùng V-League 2023/2024. Ảnh: VPF.
Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An thoát hiểm ở vòng cuối cùng V-League 2023/2024. Ảnh: VPF.

Bài 1: Nam Định và cuộc chiến sinh tồn

Sau hơn 8 tháng, V-League 2023/2024, mùa giải đầu tiên vắt qua 2 năm nhằm đồng bộ với các quốc gia châu Á và châu Âu đã khép lại với không ít những ưu tư cùng với đánh giá có quá ít điểm nhấn tích cực từ các chuyên gia.

Nam Định lên ngôi vô địch sau gần 40 năm chờ đợi là thành quả xứng đáng của kế hoạch đầu tư mạnh tay. Điều đó trái ngược với tình cảnh của nhiều đội bóng đại gia khác, đặc biệt nhóm cuối bảng.

Tuy nhiên, đội bóng thành Nam có thể phát triển ổn định hay những gì họ giành được chỉ là quả ngọt mang tính mùa vụ? Chuyện của Nam Định cũng là vấn đề nhức nhối mang tính thời sự của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

con lam uu tu (3).jpg
Câu lạc bộ Khánh Hòa (bên phải) xuống hạng và đối mặt với tương lai khó khăn. Ảnh: VPF.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Chức vô địch của Nam Định là thành quả của kế hoạch “đốt cháy giai đoạn” với nguồn đầu tư lớn trong giai đoạn ngắn. Đội bóng thành Nam gần như lột xác với những cầu thủ chất lượng ở cả 3 tuyến, như thủ môn Nguyên Mạnh; các hậu vệ Thanh Hào, Hồng Duy, Văn Kiên; hàng tiền vệ với Văn Công, Văn Vũ, Tuấn Anh; tiền đạo Văn Toàn…

Bộ ba ngoại binh chất lượng với Lucas Alves án ngữ nơi hàng phòng ngự và cặp tiền đạo sát thủ Hendrio - Rafaelson. Trong đó, Rafaelson giành danh hiệu vua phá lưới V-League 2023 - 2024 với kỷ lục 31 bàn, hơn một nửa tổng số bàn thắng của Nam Định.

Nam Định xứng đáng với vị trí số 1 V-League năm nay. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt về đích trên đường đua khá bằng phẳng.

Những đội bóng đại gia, các đội có tiềm lực vô địch với nhiều lý do đồng loạt suy yếu. Câu lạc bộ Công an Hà Nội sau chức vô địch V-League 2023 bước vào mùa giải này với nhiều vấn đề về nhân sự. Đơn cử như vị trí cầm quân, trong hơn một năm qua, đội bóng ngành Công an 5 lần thay huấn luyện viên, với 4 đời thầy ngoại.

Đặc biệt, sau khi mất chức, huấn luyện viên Gong Oh-kyun đã chỉ ra rất nhiều “góc khuất” ở đội bóng ngành Công an và lên tiếng rằng mình mất quyền kiểm soát khi bị lãnh đạo câu lạc bộ can thiệp vào công việc.

Hà Nội FC đầu mùa phải chia sẻ lực lượng ở đấu trường AFC Champions League, dẫn đến sự sao nhãng với các sân chơi quốc nội và kết thúc lượt đi mùa giải 2023 - 2024 không được như mong đợi.

Những cố gắng sau đó cùng với sự hòa nhập của chiến lược gia người Nhật Bản Iwamasa Daiki, đội bóng Hà Nội giành hạng Ba V-League và ngôi Á quân cúp quốc gia. Nhưng chừng đó là quá ít với một đội bóng như Hà Nội FC, nhất là họ không gây quá nhiều khó khăn cho Nam Định.

Những ứng viên khác như Bình Định, Thể Công Viettel hay cả gương mặt “ngựa ô” - TPHCM cũng không thể tạo dựng rào cản đủ lớn để có thể ngăn chặn bước tiến của đội bóng thành Nam.

Ngoài V-League 2021 bị hủy sau 12 vòng đấu do đại dịch Covid-19 thì trong 5 mùa giải gần đây chứng kiến 4 đội bóng giành cúp vàng. Vấn đề ở chỗ, thống kê đó không phải dữ liệu chứng tỏ sự ganh đua quyết liệt của các đội bóng ứng viên, mà nó chỉ ra sự bất ổn của nhóm “đại gia” V-League.

Thậm chí, đội đương kim vô địch còn chơi rất tệ ở mùa giải sau. Đơn cử như Công an Hà Nội mùa giải năm nay chỉ đứng hạng 6, kém đội đầu bảng Nam Định tới 16 điểm. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, đồng thời đặt ra bài toán với Nam Định là cần phải làm gì để duy trì sự phát triển ổn định, cũng như bảo đảm vị thế vững chắc trong nhiều năm tiếp theo?

Theo hợp đồng ký kết vào tháng 3/2022, Câu lạc bộ Nam Định nhận từ nhà tài trợ 200 tỷ đồng, kéo dài trong 4 năm. Nhờ đó, Nam Định trong 2 năm qua trở thành “dải ngân hà” với nhiều hợp đồng đắt giá cùng chế độ đãi ngộ rất cao.

Giá trị đội hình của đội bóng thành Nam hiện vào khoảng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc Nam Định “lột xác” chỉ trong thời gian ngắn có thể đi theo vết xe đổ của nhiều câu lạc bộ giàu có trong quá khứ. Đó là bài học đau đớn về những đội bóng nhận được hợp đồng tài trợ “khủng” và đổ tiền vào chuyển nhượng, lương thưởng, “lót tay” cho cầu thủ mà quên đi cái gốc sự phát triển bền vững, cân bằng.

Bài học của bóng đá Thanh Hóa, Hải Phòng, hay gần đây Bình Định cùng rất nhiều đội bóng đã giải thể vẫn còn nguyên giá trị.

Nam Định đang bay cao sau chức vô địch V-League 2023-2024. Hợp đồng tài trợ cả trăm tỷ đồng còn thời hạn, đủ sức gánh cả tập thể đầy sao. Nhưng chỉ 1 - 2 năm nữa, bóng đá thành Nam sẽ đối mặt với thực tế khắc nghiệt khi hợp đồng tài trợ hết hạn, nhiều cầu thủ ngôi sao cũng đáo hạn hợp đồng… và cần tiền tấn để giữ chân họ ở lại.

Và biết đâu, vào ngày nào đó, nhà tài trợ của Nam Định bỗng dưng bỏ cuộc chơi với vô vàn lý do như đã từng thấy trong dòng chảy hơn 20 năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Về chuyên môn, mùa bóng tới, thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt sẽ phải phân tán lực lượng cho đấu trường châu lục. Liệu họ có đáp ứng được kỳ vọng về thành tích của nhà tài trợ, ít nhất là với giải quốc nội?

Vậy nên, Nam Định sẽ bước vào cuộc chiến khác, làm gì để duy trì nguồn tài trợ khủng? Với đội hình đắt giá, quen mức lương thưởng cao sẽ nhanh chóng “sụp đổ” nếu dòng tiền khổng lồ từ nhà tài trợ ngừng chảy.

Điều đó chỉ ra vấn đề chưa đội bóng nào có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Những nguồn thu từ quảng cáo, bản quyền truyền hình, vé vào sân… vẫn chỉ chiếm phần rất nhỏ trong kinh phí hoạt động hàng năm của đội bóng. Các đội bóng vẫn trông chờ vào 2 nguồn thu chính, ngân sách địa phương và các ông bầu. Một hình thức bao cấp đặc trưng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

con lam uu tu (2).jpg
Các cầu thủ Nam Định vòng hạ màn V-League 2023-2024. Ảnh: VPF.

Day dứt nơi đáy bảng

Chuyện lên xuống hạng vốn dĩ là điều bình thường với các giải bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng ở V-League mùa nào cũng vậy, cuộc chiến trụ hạng với những số phận nơi đáy bảng luôn để lại nỗi trăn trở khôn nguôi.

Đầu mùa giải 2023 - 2024, Khánh Hòa được nhận định sẽ xuống hạng, bởi những khó khăn về “cơm áo gạo tiền” sớm đổ xuống đầu đội bóng này. Để rồi sau 21 vòng đấu với vỏn vẹn 10 điểm, đội bóng thành phố biển Nha Trang chính thức xuống chơi hạng Nhất mùa tới. Điều thần kỳ đã không đến với thầy trò huấn luyện viên Trần Trọng Bình.

V-League 2023 - 2024 mới trôi qua 4 vòng đấu, các cầu thủ Khánh Hòa đã phải đình công vì chưa nhận được 2 tháng tiền lương cũng như 50% lót tay. Nỗ lực sau đó của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giúp đội tạm vượt qua khó khăn, các cầu thủ tiếp tục ra sân. Tuy nhiên, những khoản nợ cũ luôn đè nặng lên đội bóng, trong khi nguồn thu dự kiến từ tài trợ không được như con số cần có.

Thậm chí, do khoản nợ thuế và bảo hiểm xã hội của đội bóng chưa được thanh toán đầy đủ khiến tài khoản câu lạc bộ Khánh Hòa và mã số thuế đều bị phong tỏa. Các hoạt động của đội bóng vào thời điểm quyết định của mùa giải, tháng 3, 4/2024 đều “đóng băng”. Cầu thủ lẫn ban huấn luyện đều không thể nhận lương và nhiều chi phí hoạt động khác.

Nỗi đau với bóng đá Khánh Hòa nhân lên nhiều lần khi bê bối từ đội trẻ mới đây bị phanh phui. Theo đó, thanh tra Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa đã đột xuất thanh tra các đội bóng của Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao Khánh Hoà và đã phát hiện sai phạm của huấn luyện viên Đặng Đạo của đội U19 vì có dấu hiện cắt xén tiền của các cầu thủ.

Cụ thể, việc chi trả tiền cho các cầu thủ được Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao Khánh Hòa thực hiện qua thẻ ATM, nhưng huấn luyện viên Đặng Đạo đã giữ lại tất cả thẻ ATM của cầu thủ và tự ý chi tiêu. Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao Khánh Hoà đã đình chỉ nhiệm vụ với ông Đạo để làm rõ vụ việc.

Hiện, thanh tra Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa sẽ tiến hành thanh tra các đội bóng trẻ của Khánh Hòa về vấn đề này.

Trong ngày hạ màn V-League 2023 - 2024, Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai cùng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh rơi vào cuộc chiến tranh suất đá play-off trụ hạng cùng nguy cơ có thể phải xuống hạng Nhất. Đó là câu chuyện buồn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Sông Lam Nghệ An từng là đội bóng có tiếng nói rất quan trọng với cuộc chơi của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nhân tài đông, dư thừa, bóng đá xứ Nghệ trở thành địa chỉ “xuất khẩu” cầu thủ cho nhiều câu lạc bộ, ở các hạng trong hệ thống thi đấu quốc nội.

Huấn luyện viên người Nghệ An cũng có mặt ở nhiều đội bóng. Và cầu thủ Nghệ An lên tuyển luôn nằm trong nhóm nhiều nhất. Người Nghệ An ở đâu cũng tự hào về sự dồi dào nhân sự với câu hát “Sông Lam biết khi mô cho cạn”. Nhưng đó là dĩ vãng vàng son.

Vấn đề cơ chế cũng như tài chính bế tắc khiến cho Sông Lam Nghệ An những năm gần đây chật vật với bài toán trụ hạng. Cầu thủ tài năng lần lượt ra đi, trong khi lứa trẻ không được chăm bẵm cần thiết để đủ sức gánh vác trọng trách. Vị trí huấn luyện viên trưởng không có được sự ổn định cần thiết, bởi những người được chọn không cho thấy phẩm chất nào thực sự nổi trội.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng nêu quan điểm: “Tiêu chuẩn về đào tạo cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An trong những năm gần đây có chiều hướng đi ngang và đi xuống, dẫn đến câu chuyện “con chị nó đi nhưng con dì... không lớn”, nhiều cầu thủ trẻ của Nghệ An chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng không đủ chất lượng để cạnh trạnh cho những mục tiêu cao hơn”.

Hoàng Anh Gia Lai từng là thế lực của V-League. Lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… gây sốt trên sân cỏ Việt Nam và có đóng góp đáng kể cho đội tuyển quốc gia. Mặc dù vậy, đội bóng của bầu Đức những năm gần đây chỉ quay cuồng với mệnh đề “tồn tại hay không tồn tại”. Thậm chí, nhiều thời điểm bầu Đức tuyên bố chán, và muốn bỏ bóng đá.

Đội bóng phố Núi đã thoát hiểm mùa này. Nhưng chưa có chuyển động nào cho thấy Hoàng Anh Gia Lai sẽ thay đổi để giành lại danh tiếng trong quá khứ, trong khi việc Tuấn Anh chính thức gia nhập Nam Định sau hợp đồng cho mượn là dấu hiệu đội bóng này chấp nhận vị thế trung bình yếu hơn là khát vọng vươn cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút, khủng hoảng và thậm chí “biến mất” của các đội bóng lớn, giàu truyền thống, song điều then chốt vẫn là tài chính. Không tìm ra được lối thoát bài toán “đầu tiên” thì phần lớn các câu lạc bộ chuyên nghiệp Việt Nam lần lượt bước vào cuộc chiến sinh tồn, chứ không có điều kiện tính đến phát triển, nâng tầm đội bóng. Vô hình trung chất lượng giải vô địch quốc gia - nền tảng của đội tuyển quốc gia ngày càng đi xuống.

Chức vô địch V-League 2023 - 2024 đã chấm dứt cơn khát danh hiệu của bóng đá thành Nam kéo dài từ năm… 1985, với quãng thời gian suýt soát 4 thập kỷ. Nhìn lại mùa giải kéo qua 2 năm dương lịch, huấn luyện viên Vũ Hồng Việt và các học trò xứng đáng ở vị trí số 1 với những thông số rất thuyết phục như là đội thắng nhiều trận nhất (16), thua ít nhất (5), ghi nhiều bàn nhất (60 bàn)…

Kỳ 2: Dấu hỏi về VAR và lịch thi đấu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ