V-League 2023/2024 còn lắm ưu tư: Dấu hỏi về VAR và lịch thi đấu

GD&TĐ - Mùa giải 2023/2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử sau 23 năm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được thành lập.

Trận Hoàng Anh Gia Lai gặp Đông Á Thanh Hóa vòng 22 V-League 2023 - 2024. Ảnh: VPF.
Trận Hoàng Anh Gia Lai gặp Đông Á Thanh Hóa vòng 22 V-League 2023 - 2024. Ảnh: VPF.

Bài 2: Dấu hỏi về VAR và lịch thi đấu

Giải đấu hàng đầu Việt Nam thay đổi về phương thức tổ chức, cũng như chính thức đưa công nghệ VAR vào thực tiễn để bắt kịp với bóng đá thế giới. Thế nhưng, những cái mới vẫn gây nhiều tranh cãi.

“Góc chết” của VAR

Với quyết tâm cao nhất về việc hòa vào dòng chảy phát triển chung của bóng đá thế giới, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) – đơn vị tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam đưa công nghệ Video Assistant Referee (VAR) hay còn gọi là “Trọng tài trợ giúp qua video” vào áp dụng ở V-League 2023 - 2024.

Sự xuất hiện của VAR được VPF kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả trọng tài các tình huống gây tranh cãi như việt vị, phạm lỗi trong vùng cấm, thẻ đỏ hoặc thẻ vàng cho cầu thủ và can thiệp trong trường hợp trọng tài hoặc trợ lý trọng tài đưa ra quyết định sai. Cao hơn tất cả là bảo đảm sự công bằng, khách quan cho cuộc chơi.

Nhìn lại mùa giải 2023 - 2024, có 64 trận đấu được áp dụng VAR tại V-League và 2 trận thuộc vòng tứ kết Cúp quốc gia.

Sự có mặt của VAR đã hỗ trợ rất nhiều các trọng tài trong công tác điều hành trận đấu, nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu sai sót. VAR đang ngày càng phát huy hiệu quả và vai trò hỗ trợ tại giải vô địch quốc gia, góp phần đem đến sự chính xác và công bằng cho giải đấu.

Ông Đặng Thanh Hạ - Trưởng ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam cho biết, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã đi qua một chặng đường áp dụng VAR và có rất nhiều vấn đề phải học hỏi thêm về kiến thức, kinh nghiệm cho những mùa giải tiếp theo.

Những vấn đề mà ông Hạ đề cập có thể hiểu là sự vận hành VAR chưa được suôn sẻ. Các trọng tài vẫn mất quá nhiều thời gian để thảo luận và đưa ra quyết định, ảnh hưởng đến công tác tổ chức chung cũng như cảm xúc của người xem.

Đơn cử, trận Hà Nội - Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy được bù giờ đến 15 phút cho cả trận đấu. Điều này do trọng tài Trần Ngọc Nhớ mất khoảng 8 phút cho hai lần phải kiểm tra VAR trong hiệp 2 để xác định 2 quả 11m cho cả hai đội.

Trận Thể Công Viettel hòa Thanh Hóa (1-1) có thời gian bù giờ lên đến 16 phút. Lý do là trọng tài Nguyễn Mạnh Hải mất hơn 5 phút kiểm tra VAR trong tình huống Rimario (Thanh Hóa) bị Thanh Bình (Thể Công Viettel) phạm lỗi trong vòng cấm ở hiệp 1. Sau đó, trong hiệp 2, ông Hải mất 4 phút để bác sĩ kiểm tra chấn thương của Hoàng Đức (Thể Công Viettel).

Trận Nam Định - Quảng Nam tại sân Thiên Trường có 15 phút bù giờ; Trận Hải Phòng và Hoàng Anh Gia Lai ở Lạch Tray 13 phút bù giờ, riêng hiệp 2 là 10 phút…

VAR ở V-League còn không thể giúp trọng tài xác định tình huống gây tranh cãi là đúng hay sai. Trong tình huống ở phút 74, trận Hải Phòng gặp Hoàng Anh Gia Lai trên sân Lạch Tray, các cầu thủ chủ nhà cho rằng bóng chạm tay hậu vệ Diakite của Hoàng Anh Gia Lai trong khu vực 16m50 của đội bóng phố núi.

Sau khoảng 8 phút trao đổi qua lại giữa tổ trọng tài, cũng như xem lại công nghệ VAR, trọng tài Nguyễn Đình Thái vẫn không có pha chiếu chậm rõ ràng rằng bóng đã chạm tay trung vệ của đội Hoàng Anh Gia Lai hay chưa? Hai góc máy quay hiện lên màn hình đều không có góc nào xác định rõ. Sau đó, ông Thái quyết định cho Hải Phòng hưởng phạt đền. Vậy phải chăng Hoàng Anh Gia Lai chịu thiệt?

Nhìn nhận về tình huống này, cựu Phó Ban trọng tài VFF Đoàn Phú Tấn nêu quan điểm, tình huống rất cần VAR và VAR đã vào cuộc. Cầu thủ áo tối màu (Diakite của Hoàng Anh Gia Lai, PV) rõ ràng đã dang cánh tay rất rộng khi bóng đến. Nếu cánh tay chạm bóng thì phải chấp nhận phạt đền, không thể chối cãi. Vấn đề là bóng đã trúng tay, hay ngực, hay vai? VAR không có được đáp số đúng cho trọng tài, khiến trọng tài và các trợ lý trong phòng VAR đều bối rối.

Cũng theo ông Tấn, các góc quay đã đủ hay chưa, chất lượng của hình ảnh từ VAR cung cấp đến cho các trọng tài ra sao, “đủ để gọi là VAR hay không?”.

Mùa giải vừa qua, Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã gửi công văn cho LĐBĐ Việt Nam, VPF và ban tổ chức giải để yêu cầu xem xét và trả lời về bàn thắng gây tranh cãi trong trận thua Nam Định 0-1.

Ở tình huống vào phút 90+5 này, VAR không thể xác định được cầu thủ Nam Định có việt vị hay không.

Trong công văn, đội bóng xứ Nghệ cho rằng: Bàn thắng được trọng tài chính và tổ trọng tài VAR công nhận ở phút 90+5 để lại nhiều tranh cãi, dư luận không tốt về công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đang áp dụng tại V-League.

SLNA cũng kiến nghị ban tổ chức cần có biện pháp nâng cao chất lượng ghi hình, truyền hình cũng như chất lượng trọng tài, chất lượng vận hành công nghệ VAR đang áp dụng tại V-League.

May mà cuối mùa đội bóng xứ Nghệ trụ hạng thành công. Nếu họ xuống hạng, tình huống thua Nam Định có thể còn được khoét sâu hơn nữa.

“Sự cố” trên sân Lạch Tray và công văn của Sông Lam Nghệ An đã cho thấy những hạn chế về công nghệ VAR từ phía đơn vị tổ chức.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang sử dụng gói VAR Light với 8 camera. Trong khi đó, gói VAR hoàn chỉnh có thể lên đến 42 camera nhưng chi phí đắt hơn nhiều lần. Hiện tại ở Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan, Singapore và Việt Nam áp dụng VAR. Trong đó, Thái Lan sử dụng 12 camera, Singapore dùng 7 camera. Số lượng camera không đủ các góc ở V-League là một phần nguyên nhân khiến việc kiểm tra tình huống diễn ra lâu hơn.

Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh từ máy quay cũng khiến các trọng tài phải xem đi xem lại tình huống nhiều lần.

Ông Trần Văn Hoàn - Chủ tịch câu lạc bộ Hải Phòng nêu quan điểm rằng, VAR mang lại sự công bằng trong bóng đá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, VAR chỉ mang lại sự công bằng cho một trận đấu chứ chưa công bằng cho toàn bộ giải đấu do miền Bắc thì có VAR còn miền Nam thì chưa.

Theo ông Hoàn, nếu VAR chưa đáp ứng đầy đủ thì không nên làm, chứ làm thế này có khi lại phản tác dụng. Vậy nên, bằng cách nào đó, VPF phải cải thiện những hạn chế của VAR đã lộ diện. Tránh tình trạng để nó biến thành khoảng tối, “góc chết” của VAR, để rồi dấy lên những thuyết âm mưu tiêu cực.

.Trong trường hợp VAR không thể xác định rõ ràng, thì trọng tài điều hành VAR và trọng tài chính có thể đưa ra những quyết định sai lầm, cảm tính để rồi đẩy sự bất công cho một bên của cuộc chơi.

con lam uu tu (2).jpg
Trọng tài Nguyễn Đình Thái xem lại hình ảnh bằng công nghệ VAR trận Hải Phòng gặp Hoàng Anh Gia Lai trên sân Lạch Tray. Ảnh: INT

Khổ lắm, nói mãi!

Lịch thi đấu luôn là vấn đề nóng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ngay cả mùa giải 2023 - 2024 theo khung thời gian của bóng đá chuyên nghiệp quốc tế cũng không phải là ngoại lệ.

Về định hướng, mùa giải vắt qua 2 năm được đơn vị tổ chức kỳ vọng tạo ra những đột phá lớn cho V-League. Trong đó, đáng kể nhất là việc giải đấu hàng đầu Việt Nam sẽ không bị tạm dừng “vô tội vạ” như trước, không có chuyện các câu lạc bộ phải nghỉ thi đấu dài hạn vì các đội tuyển trẻ như U20 hay U23 Việt Nam.

V-League chỉ nhường chỗ cho các đợt FIFA Days và các giải đấu lớn của đội tuyển Việt Nam, như vòng loại World Cup, ASIAN Cup, hay AFF Cup.

Mong muốn là thế, song thực tế không được như VPF và các câu lạc bộ kỳ vọng. V-League 2023 - 2024 được khởi tranh từ ngày 20/10/2023 và kết thúc vào 30/6/2024. Trên lộ trình lịch sử kéo dài trong 10 tháng, các đội bóng có 5 quãng nghỉ, có giai đoạn nghỉ kéo dài gần 2 tháng cho Tết Nguyên đán, đội tuyển quốc gia tập trung và tham dự Vòng chung kết ASIAN Cup 2024.

Cụ thể vòng 8 V-League 2023 - 2024 kết thúc vào ngày 27/12/2023, và vòng 9 tiếp theo trở lại vào ngày 17/2/2024. Như vậy, quãng nghỉ giữa 2 vòng đấu lên đến 51 ngày, và đây được coi thứ “đặc sản” của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mà chính người trong cuộc cũng ngán ngẩm.

Không chỉ dành thời gian cho đội tuyển quốc gia, sau vòng 15 ngày 5/4, V-League 2023 - 2024 tiếp tục nghỉ thêm 27 ngày, và vòng 16 trở lại vào ngày 3/5. Lý do là dành thời gian cho cho đội U23 Việt Nam tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Rồi thêm những quãng nghỉ dài hơn cho đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại World Cup 2026, như từ 9/3 đến 30/3, đúng 3 tuần hay 31/5 đến 15/6 khiến cho giải chuyên nghiệp Việt Nam mang tiếng diễn ra trong 2 năm, song rơi vào cảnh dồn lịch thi đấu đến “vỡ tim”.

Đơn cử như từ 3/5 đến 26/5, khi vòng 21 khép lại, 6 vòng đấu với 42 trận đã diễn ra chỉ trong vòng 23 ngày. Mật độ trung bình 4 ngày/trận còn tiếp tục đến khi mùa giải khép lại, ngoại trừ 2 tuần nghỉ FIFA Days đầu tháng 6.

con lam uu tu3.jpg
Thời gian kiểm tra VAR ở V-League kéo dài phần nào ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu, cũng như tâm lý khán giả. Ảnh: INT.

Ông Đới Sỹ Nam - Phó Trưởng đoàn câu lạc bộ Đông Á Thanh Hóa chỉ ra những hệ lụy vốn được nhận diện khá rõ ràng, nghỉ dài thì vấn đề chuyên môn của cầu thủ bị ảnh hưởng như điểm rơi phong độ, thể trạng... giải đấu trở lại sau quãng nghỉ thì đá dồn dập rất bất cập vì các đội còn di chuyển, phục hồi thể lực...

Ngoài ra, theo ông Nam, V-League chỉ nên dừng giải khi có FIFA Days và ASIAN Cup. Còn khi diễn ra giải U23 châu Á, nếu câu lạc bộ nào có nhiều cầu thủ lên tuyển thì có thể đề xuất dời vòng đấu hoặc đá bù sau, không thể dừng cả giải đấu vì đội tuyển trẻ.

Đồng quan điểm, huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng của câu lạc bộ Bình Định cho rằng không nên dừng V-League vì các giải trẻ, đồng thời rút ngắn thời gian tập trung tuyển quốc gia. Cựu tuyển thủ quốc gia này cũng nêu ý kiến chỉ nên gói gọn việc tổ chức V-League trong khoảng 9 tháng.

Chủ tịch Câu lạc bộ Hải Phòng Trần Văn Hoàn cho rằng mật độ 4 ngày/trận, lại diễn ra liên tục trong vòng 2 tháng là “khá dày”.

“Bóng đá phải có khán giả, và V-League đang cố gắng lôi kéo người hâm mộ đến sân, nhưng việc xếp lịch vào các ngày giữa tuần khiến điều này khó đạt được và cũng tạo ra khó khăn trong nỗ lực kêu gọi tài trợ của các đội bóng”, ông Hoàn chia sẻ.

Ông Vũ Tiến Thành – huấn luyện viên Hoàng Anh Gia Lai nói thẳng các nhà tổ chức VPF không biết xếp lịch thi đấu. Không có giải vô địch quốc gia nào trên thế giới liên tục gián đoạn cả tháng và khi tái xuất đá cấp tập vài ngày một trận bất hợp lý khiến cầu thủ chấn thương nhiều, đội bóng khó khăn trong di chuyển.

Theo thông tin mới nhất, mùa bóng mới 2024 - 2025 sẽ khởi tranh vào tháng 9 tới và sẽ kết thúc vào tháng 6 năm sau. Ngoài 5 kỳ nghỉ FIFA Days theo thông lệ, V-League 2024 - 2025 sẽ có thêm quãng nghỉ kéo dài hơn 1 tháng để đội tuyển tham dự ASEAN Cup 2024 (AFF Cup) diễn ra vào cuối năm.

Theo tính toán của VPF, giải vô địch quốc gia mùa tới có tổng thời gian tạm nghỉ là 116 ngày và sẽ không còn bị gián đoạn trong thời gian các đội trẻ tập trung, tham dự các giải đấu quốc tế. Các câu lạc bộ có thể tránh được lịch thi đấu dày đặc kiểu “hành xác” cho kịp tiến độ như giai đoạn cuối mùa giải 2023 - 2024.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ban tổ chức có nhiều điều kiện thuận lợi khi xếp lịch mùa tới. Ngoài những quãng nghỉ chốt cứng theo FIFA Days thì đội tuyển Việt Nam chỉ có 2 sự kiện chính, tham dự ASEAN Cup 2024 (tháng 12/2024) và vòng loại ASIAN Cup 2027 (tháng 3/2025 đến 31/3/2026).

Nhưng mùa giải 2025 - 2026, lịch thi đấu với các đội tuyển quốc gia sẽ dày hơn rất nhiều. Đội tuyển Việt Nam tham dự vòng loại ASIAN Cup 2027, đặc biệt đội U23 Việt Nam sẽ tranh tài tại SEA Games 34, diễn ra vào tháng 12/2025 và Vòng chung kết U23 châu Á 2026, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026.

Ai dám chắc VPF sẽ tuân thủ nguyên tắc không dừng V-League cho đội trẻ? Và nếu dừng, quãng nghỉ liên tục này có thể đẩy bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lập kỷ lục về thời gian nghỉ giữa 2 vòng đấu dài nhất… thế giới.

Vậy nên, lịch thi đấu vốn là nơi phản ánh sự chồng chéo lợi ích giữa các câu lạc bộ và đội tuyển chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết triệt để.

Tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2024 - 2025, với sự tham gia của 24/25 CLB chuyên nghiệp, VPF và Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang chuẩn bị các công tác liên quan đến cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để tiến tới triển khai kế hoạch tất cả các trận đấu tại V-League 1 được áp dụng công nghệ VAR. VPF đang gấp rút bổ sung 2 xe VAR, đồng thời mời chuyên gia mở các lớp tập huấn về nhân sự điều hành VAR. Trước đó, mùa giải 2023 - 2024, VPF mới có 2 xe VAR, nên công nghệ này chỉ được áp dụng cho các trận đấu trên sân cỏ phía Bắc (Hà Tĩnh trở ra).

Bài 3: Cầu thủ trẻ đứng ở đâu?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ