Nhiều núi đá còn trơ trọi như một cây cột khổng lồ chống trời nên được gọi là trụ kình thiên. Ngoài ra là các hình kỳ diệu khác, như hình con quay, kim tự tháp, cánh buồm, chú voi uống nước, hai con gà trống mái, người mẹ bồng con…
Trụ kình thiên cao từ vài chục tới hàng trăm mét, phong rêu, là nơi trú ẩn cho muôn loài động - thực vật. Nhờ vách đá cheo leo, hùng vĩ nên thu hút khá nhiều nhà leo núi, thám hiểm địa chất.
Trên thế giới có cả nghìn khối đá bơ vơ như vậy, song thường tập trung nhiều nhất ở những nơi có biến động địa chất hoặc chỗ có nước dữ. Những trụ đá được coi là đẹp nhất nằm tại Australia, Ecuador, Scotland…
Ở Australia, có một khối đá lửng lơ, gọi là Kim tự tháp của Ball với hình tam giác nhọn, cao 562m bên cạnh quần đảo Lord Howe. Khối đá này được phát hiện vào năm 1788 bởi thuyền trưởng Henry Lidgrid Ball. Nó được tin là một mảnh vỡ còn sót của một núi lửa cách đây nhiều triệu năm. Vì núi này có dốc thẳng, nham nhở nên từ năm 1965, du khách bị cấm leo lên.
Hòn Kicker ở Ecuador (thuộc đảo Isla San Cristobal) cũng là một di sản hỏa sơn thú vị và cao 144m với hai mảnh. Hòn Kicker giống như hai cái răng nanh giữa biển. Trên đỉnh núi có khá nhiều chim biển sinh sống và để bảo vệ chúng, chính quyền cũng không mở cửa đón khách.
Ông già Hoy ở đảo cùng tên, Scotland lại có hình người, cao 137m, lồng lộng với màu đỏ của sa thạch óng ánh. Từ năm 1966, khi có nhà leo núi chinh phục nơi đây thì năm nào du khách cũng được leo núi ngắm biển Orkney mênh mông.
Haystack Rock không chỉ cao (72m), mà còn tròn đầy như một ụ đất - đống rơm (đúng như tên gọi của nó). Khối đá basalt này tọa lạc ở Cannon Beach, bang Oregon, Mỹ. Vì gần bờ nên khi nước rút, khách có thể tản bộ ra đó.
Chỉ thấp hơn 1m so với ụ rơm trên là Risin Og Kellingin ở bờ biển phía Bắc đảo Eysturoy trong quần đảo Faroe (Đan Mạch). Risin Og Kellingin có hình dạng thanh mảnh, sắc nhọn gồm hai miếng mang tên Người khổng lồ và mụ phù thủy theo tín ngưỡng bản địa.
Cao 71m và 68m, chúng cách nhau đủ xa để không “xô xát” và cho tàu thuyền thong dong. Song theo dự báo địa chất, rất có thể vài chục năm nữa cả hai trụ đá này sẽ đổ do “đôi chân” đã bị nước biển “ăn” mòn.
Ko Tapu, hòn Đinh hay hòn James Bond lại là một trụ đá bị bào vẹt dưới chân, trông nó như một cây đinh tán hay một cây nấm cục, cao hơn 20m trên vịnh Phang Nga (Thái Lan). Năm 1974, nó đã được dùng để quay bộ phim Người đàn ông với khẩu súng vàng. Phim kể về điệp viên 007 nên đã được gọi là đảo James Bond.
Ngoài ra, còn có rất nhiều thạch trụ uy nghi, hùng tráng khác như Dun Briste ở Ireland, cao 50m với trên đỉnh là một nhà thờ thời Trung cổ. Lange Anne ở Đức, cao 47m cũng là một “người” ngắm cảnh Bắc Hải. Parus Rock ở Nga, cao 25m lại là một cánh buồm xám xanh trên biển Đen…