Không hướng nghiệp kiểu áp đặt
Tư vấn hướng nghiệp là một hoạt động rất quan trọng. Mục đích nhằm giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp với mong ước và năng lực của bản thân.
PGS.TS Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, các thí sinh nên chọn nghề trước. Tiêu chí ưu tiên là phải chọn đúng ngành theo đam mê và phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Sau khi chọn được nghề thì mới chọn trường, ngành mình chọn có những trường nào đang đào tạo. Đồng thời, dựa theo uy tín của trường và năng lực theo học của thí sinh.
Về vấn đề học phí, đa số các trường đại học công lập chênh lệch nhau không nhiều nhưng cũng là điểm thí sinh cần chú ý. Bởi thực tế, nhiều học sinh đã phải bỏ dở việc học khi không đủ điều kiện đóng học phí khi chọn trường có chi phí cao so với thu nhập và hoàn cảnh gia đình.
Hiện, nhiều học sinh vẫn băn khoăn việc chọn trường theo quyết định của cha mẹ. Theo PGS.TS Phạm Văn Bổng, trước hết các em phải tự lựa chọn ngành nghề theo năng lực đam mê của mình. Tuy nhiên, mong muốn của bố mẹ ta không nói là không đúng nhưng phải tìm hiểu xem xuất phát từ lý do gì. Bố mẹ phải phân tích rõ ràng để con cái hiểu thêm về suy nghĩ của người lớn. Ngược lại, các bạn trẻ cũng phải có sự trao đổi thẳng thắn với bố mẹ để tìm được tiếng nói chung thay vì hướng nghiệp theo kiểu áp đặt.
“Bất cứ ngành nghề nào cũng có những đặc thù khác nhau. Ví dụ, nếu theo ngành xã hội như Báo chí, Ngoại giao, Du lịch... thì đòi hỏi tính năng động, hoạt bát, sáng tạo và khả năng tư duy của thí sinh.
Nếu các em hội tụ đầy đủ các tố chất trên thì nên lựa chọn đi theo ngành đó và ngược lại. Có một số ngành nghề mang tính liên ngành như Quan hệ công chúng, vừa liên hệ giữa yếu tố xã hội và đòi hỏi tư duy logic nhạy bén, thí sinh cũng cần có sự lựa chọn”, PGS.TS Phạm Văn Bổng nhấn mạnh.
“Ngành mình thích chưa chắc đã phù hợp”
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), thí sinh cần xem thích ngành nào và lý do thích ngành đó, phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Bên cạnh đó là điều kiện thực tế của bản thân, gia đình. Thí sinh nên tìm hiểu về thị trường lao động của địa phương và trên cả nước, thậm chí là thị trường lao động quốc tế.
“Rất khó để có công cụ cho việc lựa chọn ngành học, trường học. Nhưng thí sinh cần lưu ý, kết quả học tập so với yêu cầu của trường, rà soát những điểm trúng tuyển của một số năm trước so với kết quả học tập của mình. Đặc biệt cần lưu ý các điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ”, TS Phạm Như Nghệ cho biết.
Cũng theo TS Phạm Như Nghệ, tất cả các trường đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp về tuyển sinh. Thí sinh có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển.
TS. Phạm Như Nghệ cho rằng, kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như thế giới đang có xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Do đó, việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh cũng bị ảnh hưởng.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đang cần nhiều nguồn nhân lực. Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan thực hiện các giải pháp để phát triển quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch và CNTT, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực.
Các ngành thuộc nhóm sư phạm, Chính phủ đã có Nghị định 116 về hỗ trợ sinh viên sư phạm và sắp xếp việc làm sau khi tốt nghiệp. Các ngành trong khối ASEAN đã thống nhất trao đổi về nhân lực, các ngành trong khối công nghệ kỹ thuật cũng đang cần nguồn nhân lực…
Thí sinh cần tìm hiểu thông tin về quy hoạch sử dụng nhân lực của các địa phương và các bộ ngành theo quy định của Chính phủ để tham khảo, lựa chọn. Ngoài ra một số ngành nghề có nhu cầu xuất khẩu lao động lớn, ví dụ: ngành điều dưỡng…Đó là những ngành mà thí sinh có xu hướng lựa chọn nhiều hơn trong những năm gần đây.
Về phía gia đình, bạn bè, người thân, nhất là những người có kinh nghiệm là rất cần thiết. Bản thân thí sinh cũng phải biết năng lực, sở trường của mình như thế nào… Ngoài ra, các em phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định lựa chọn cho mình. Tuy nhiên, quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất.
“Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp với mình nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học”, TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.