Ưu tiên hỗ trợ ai?

GD&TĐ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đặt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 bào mòn sức chịu đựng của doanh nghiệp và người lao động, gói hỗ trợ này là một ưu tiên chính sách xác đáng của Chính phủ. Vấn đề ở đây là nên ưu tiên hỗ trợ nhóm lao động nào?

Gói hỗ trợ lần 1, ban hành tháng 4/2020 trị giá gần 62.000 tỷ đồng, không đạt được như kỳ vọng vì đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, đến nay mới đạt 23,8%. Đặc biệt, phần lớn nhóm lao động phi chính thức chưa tiếp cận được đến gói hỗ trợ này. Họ là những người bán hàng rong, vé số, đánh giày, buôn bán vỉa hè; là tài xế xe công nghệ, công nhân xây dựng…; hoặc các hộ kinh doanh nhỏ lẻ…

Có thể nói, nhóm đối tượng này đã “lọt lưới an sinh xã hội” trong suốt khoảng thời gian dịch diễn ra trong khi đây lại là những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bất kỳ khi nào có giãn cách xã hội hay phong tỏa, nhóm lao động này phải dừng công việc đầu tiên. Thu nhập bị gián đoạn trong khi vốn tích lũy, tiết kiệm không có nhiều, họ ngay lập tức đối mặt với cái đói, mất bữa ăn hàng ngày.

Trên thực tế, gói hỗ trợ lần thứ nhất từng tính toán đưa những nhóm này vào đối tượng hỗ trợ, nhưng khó khăn trong việc lên danh sách, xác định đúng đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ đã khiến việc thực thi chưa đạt được mục tiêu chính sách.

Với chủ trương “Không ai bị bỏ lại phía sau”, gói hỗ trợ lần 2 này không thể bỏ qua nhóm lao động phi chính thức đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Có những khó khăn nhất định khi hỗ trợ nhóm đối tượng này do công việc của họ không có đăng ký thông tin chính thức, không có nơi làm việc cố định và khó chứng minh mức độ thu nhập bị giảm sút. Tuy vậy, nếu Chính phủ quyết tâm thì không phải là không làm được.

Theo đó, có thể phân loại chi tiết các nhóm lao động phi chính thức để có hướng tiếp cận phù hợp về quy trình hỗ trợ. Ví dụ, với nhóm kinh doanh nhỏ có địa chỉ kinh doanh cố định (cửa hàng cắt tóc, hàng quán nhỏ...); hoặc lao động trong những ngành nghề cố định (tài xế xe ôm, giáo viên mầm non tư thục bị giãn việc…) thì các giấy tờ liên quan gồm hồ sơ thuế, chứng từ thể hiện thu nhập như thỏa thuận làm việc, biên nhận lương/tiền công… có thể được sử dụng để xác định và từ đó làm căn cứ chi trả.

Với nhóm không có địa chỉ cố định (bán hàng rong, người đánh giày, bán vé số…) cần kết hợp xác minh thông tin từ nơi thường trú (ở quê) hoặc tạm trú (ở thành phố) thông qua mạng lưới chính quyền địa phương - cấp tổ dân phố/thôn và phường xã.

Dù phân loại nhóm nào đi nữa, cần tận dụng công nghệ số để lập, kiểm tra, kiểm tra chéo thông tin, nhất là với các nhóm cư trú ở quận huyện khác nhau, thậm chí tỉnh, thành khác nhau. Nếu gặp khó khăn về kỹ thuật, công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn toàn có thể kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào tiến trình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.