Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2019 và xét công nhận tốt nghiệp THPT
Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2019 và xét công nhận tốt nghiệp THPT, xin ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội.
Một trong những điểm mới mà dự thảo Thông tư đưa ra là dự kiến, điểm xét tốt nghiệp đối với Giáo dục THPT được tính theo công thức: việc xét tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 được tính theo tỷ lệ ưu tiên 70/30 (điểm tất cả các bài thi/điểm trung bình của học sinh cả năm lớp 12.)
Việc gian lận có thể xảy ra ở tất cả các khâu do đó trong tất cả các khâu của kỳ thi trong năm 2019, Bộ GD&ĐT đều có các giải pháp để điều chỉnh.
Dự kiến công thức tính xét tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 |
Thứ nhất là ở khâu sắp xếp phòng thi. Trong dự thảo quy chế nói rõ, ở mỗi Hội đồng thi sẽ lựa chọn một số điểm thi dành cho các thí sinh tự do, thi cùng với các học sinh lớp 12 THPT và học sinh GDTX. Tại các điểm thi đó, các thí sinh lớp 12 THPT, học viên GDTX và thí sinh tự do được trộn chung theo thứ tự A- B - C và sắp xếp các phòng thi với sự trợ giúp của phần mềm máy tính.
Thứ hai là khâu in/sao đề thi, sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp để đảm bảo in sao tuyệt đối an toàn, bảo mật, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Khu vực in sao phải đảm bảo cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt nhân sự tham gia ban in/sao đề thi được lựa chọn kỹ càng; phụ trách khâu in sao đề thi sẽ là lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Thứ ba là khâu vận chuyển đề thi/bài thi khi dự thảo quy chế năm nay quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh việc vận chuyển đề thi/bài thi luôn luôn có sự giám sát của công an.
Bộ GD&ĐT cũng quy định chặt chẽ hơn việc bảo quản đề thi/bài thi tại các điểm thi. Theo đó, ở các địa điểm lưu trữ đề/bài thi yêu cầu có công an bảo vệ và camera an ninh giám sát 24/24 giờ…
Một số trường quân đội dự kiến được tuyển thí sinh cận thị |
Tuyển sinh vào các trường trong quân đội
Trong tuần qua, Bộ Quốc phòng đưa ra dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội năm 2019. Theo đó, quy định về tiêu chuẩn tuyển sinh như chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe hết sức quan trọng thí sinh cần lưu ý.
Một số trường quân đội dự kiến được tuyển thí sinh cận thị. Dự thảo Thông tư cũng quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội đang được Bộ Quốc phòng lấy ý kiến góp ý có một số sửa đổi, bổ sung so với năm 2018.
Hàng triệu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Hiếm có dự thảo luật nào lại được xin ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đội ngũ nhà giáo, những người đã, đang làm trong ngành Giáo dục mà của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Tuy con số chưa phải là kỷ lục, nhưng đủ để thấy sức lan tỏa của GD trong xã hội và xã hội quan tâm đến sự nghiệp GD của nước nhà như thế nào. Nói như nhiều chuyên gia, thời gian qua, việc Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật đã tạo nên diễn đàn lớn và là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân cũng như các cơ quan, đoàn thể… Có những chi bộ, Đảng bộ trong ngành Giáo dục và ở địa phương đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề góp ý cho dự thảo Luật.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trình bày Báo cáo Kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Theo Báo cáo Kết quả lấy ý kiến Nhân dân cho thấy, sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.
Đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng (đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW) và cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật cũng đã kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, vẫn còn một số quy định trong dự thảo Luật có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các hạn chế, bất cập hiện nay của pháp luật giáo dục hiện hành.
Tiếp thu ý kiến Nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các chuyên gia để có những tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học |
Tăng cường giáo dục thể chất trong trường học
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, tìm giải pháp để giáo dục thể chất trở thành phong trào tự thân, từ đó khuyến khích các thầy cô giáo, các em học sinh tập luyện, góp phần nâng cao sức khỏe .
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục thể chất trong trường học là nội dung quan trọng, góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp các em đảm bảo sức khỏe cho hoạt động học tập và hình thành công dân tương lai phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mĩ.
Là môn học quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông nhưng từ lâu nay Giáo dục thể chất luôn bị coi là môn phụ, không nhận được sự quan tâm của các nhà trường cũng như xã hội. Thời gian tới cần thay đổi nhận thức này, từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đến lãnh đạo Sở, Phòng, Hiệu trưởng các nhà trường tới các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Ông Nguyễn Quốc Hội – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thể Thao T&T và ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ GD thể chất (Bộ GD&ĐT) ký kết thỏa thuận hợp tác dưới dự chứng kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và các đại biểu |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức phát động toàn ngành đẩy mạnh tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ và mỗi nhà trường chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện thành nền nếp.
Bộ GD&ĐT và Tập đoàn T&T cũng đã tổ chức Lễ ký kết triển khai “Nâng cao chất lượng công tác thể dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường”.
Trong đó, hai bên cam kết phối hợp xây dựng chương trình hành động để triển khai dự án nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, lành mạnh cho trẻ em, học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao cho đất nước.