Phát huy chủ động, sáng tạo
Trường tự chủ không đồng nghĩa với trường phải tự lo hết mọi việc mà có thể và cần phải được áp dụng ở nhiều mức độ nội dung khác nhau. Điều này đúng với cả giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; trong đó giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non có quyền tự chủ hạn chế hơn nhiều so với giáo dục đại học.
Chia sẻ điều này, TS Nguyễn Vinh Hiển dẫn Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT: “Bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng”.
Năm 2014, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng giáo dục phổ thông trên thế giới đưa ra nhận xét: “Hệ thống trường học được trao nhiều quyền tự chủ hơn để xác định và biên soạn ra chương trình giảng dạy và cách đánh giá thì có xu hướng chất lượng tốt hơn so với hệ thống trường học không được trao quyền tự chủ như vậy”.
Để phát huy tính chủ động, sáng tạo và hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng trường, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Cần phải giao quyền tự chủ cho nhà trường, cho giáo viên. Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhiều việc liên quan đến phát huy quyền tự chủ của nhà trường, giáo viên. Nhiều trường đã thực hiện tốt và nâng cao chất lượng giáo dục một cách rõ rệt, nhưng nhìn chung, cả hệ thống vẫn đang quản lý một cách bị động, chưa phát huy tốt cơ hội tự chủ; tác dụng lan tỏa của các điển hình tiên tiến còn chậm. Một trong những lí do quan trọng của tình trạng này là cơ chế quản lý giáo dục vẫn nặng về quan liêu, bao cấp.
Tự chủ về nguồn lực và hoạt động giáo dục
Đối với các trường phổ thông, mầm non công lập, thực tế đã chỉ ra, nhà trường có thể tự chủ cả về các nguồn lực và hoạt động giáo dục. Điều này cần được thể chế hoá trong Luật Giáo dục, đồng thời với quy định về thực hiện dân chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục.
Nhấn mạnh điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Khi nhà trường được giao kinh phí hàng năm theo định mức quy định chung và cùng với kinh phí xã hội hoá hợp pháp, nhà trường được chủ động chi tiêu theo kế hoạch hoạt động; Hiệu trưởng được chủ động sử dụng nhân lực (tiếp nhận, phân công, đánh giá, đãi ngộ…) dựa trên chế độ chính sách do Nhà nước quy định và chất lượng, hiệu quả công việc của viên chức thì trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên đều được nâng cao, chất lượng công việc được cải thiện.
Nhà trường có thể chủ động sử dụng kinh phí để mời giáo viên, kỹ sư, nghệ nhân… đến thỉnh giảng hoặc hỗ trợ tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của học sinh. Điều này cần cho các môn học còn thiếu giáo viên và rất cần thiết cho các hoạt động cần sự linh hoạt trong chương trình giáo dục nhà trường như: hướng nghiệp, an toàn giao thông, kỹ năng sống… và các hoạt động trải nghiệm khác.
Với quyền tự chủ về hoạt động giáo dục, trên cơ sở chương trình do Bộ quy định với mục tiêu tối thiểu cho cả nước, nhà trường có quyền chủ động xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục nhà trường về tất cả các thành tố cơ bản (mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp, kiểm tra đánh giá kết quả) và hoạt động quản lý thực hiện chương trình theo định hướng phát triển tốt nhất năng lực học sinh, phù hợp nhất với điều kiện cụ thể.
Ở các trường miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhất là các trường tiểu học, quyền tự chủ sẽ tạo điều kiện cho nhà trường tăng cường và linh hoạt tổ chức các hoạt động nhằm khắc phục những khó khăn của học sinh trong học tập, nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt, Toán học… hay các hoạt động nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương.
Đối với giáo viên, hiện nay nhiều nơi cán bộ quản lý cấp sở, cấp phòng, cấp trường vẫn còn cầm tay chỉ việc về phương pháp và kỹ thuật dạy học, nhiều khi rất vô lý mà giáo viên vẫn phải theo, trong khi đó là những yếu tố rất cần sự sáng tạo, linh hoạt của người dạy.
“Với những lý do nêu trên, cần bổ sung quy định về quyền tự chủ của nhà trường, giáo viên trong giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non” - TS Nguyễn Vinh Hiển đề nghị.