USS Ford rời Địa Trung Hải sẽ làm nguội cái đầu nóng

GD&TĐ - Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ từ phía đông Địa Trung Hải đã trở lại Mỹ khi xung đột Gaza vẫn căng thẳng. Đằng sau động thái này là gì?

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ.

USS Ford cần hơn cho an ninh Mỹ

Theo tuyên bố của Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã hoàn thành sứ mệnh của mình ở phía đông Địa Trung Hải.

Tàu sân bay và nhóm tấn công hỗ trợ của nó đã được điều động sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023 và sau đó là lời tuyên chiến của Tel Aviv chống lại phong trào dân quân Hamas.

Nhóm tấn công đã hoạt động trong khu vực được hơn hai tháng khi cuộc xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra. Tại sao Hải quân Mỹ quyết định rút biên đội tàu sân bay?

Ayman Yousef, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Arab-American ở Palestine, nói: "Tôi cho rằng việc rút tàu sân bay USS Ford được chính quyền Mỹ thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu khác nhau.

Thứ nhất, việc đưa nó trở về quê hương là một phần an ninh quốc gia của họ. Chẳng hạn, có những yêu cầu về an ninh quốc gia đáng kể khác nhau ở trong nước và họ không thể duy trì đội tàu này lâu hơn ở phía đông Địa Trung Hải, và họ có nghĩa vụ an ninh và cam kết an ninh riêng ở quê nhà.

Yếu tố thứ hai, tôi nghĩ đó là một thông điệp gửi tới Israel để tiến tới giai đoạn giảm leo thang các cuộc tấn công vào Gaza. Như bạn đã biết, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu không phản ứng tích cực với các sáng kiến ​​​​khác nhau và những lời kêu gọi nhằm giảm leo thang xung đột.

Vì vậy, việc rút biên đội tàu sân bay của Mỹ mang một thông điệp ngầm gửi đến ông Netanyahu và nội các của ông cũng như tới Israel nói chung rằng Mỹ không thể cho hàng không mẫu hạm của mình ở điểm nóng xung đột lâu hơn", nhà khoa học chính trị cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 12/2023 đã cảnh báo giới lãnh đạo Israel rằng họ đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì cuộc chiến tàn khốc ở Gaza khiến hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng. Chính phủ của ông Netanyahu trước đó đã thách thức tầm nhìn của Washington về một Gaza thời hậu chiến do Palestine cai trị.

Phát biểu tại một buổi gây quỹ ở thủ đô Washington ngày 12/12, Tổng thống Biden gọi nội các của ông Netanyahu là "chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử Israel".

Chính quyền Biden đã nhiều lần gửi tín hiệu tới Tel Aviv để giảm quy mô của chiến dịch quân sự chống lại Hamas, trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các cử tri Đảng Dân chủ ở Mỹ.

Một phần lớn cử tri của Biden - bao gồm cả những người trẻ thuộc đảng Dân chủ, những người không phải da trắng, người Mỹ gốc Ả Rập và Hồi giáo cũng như những người cấp tiến - ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến ở Gaza.

Yousef cho biết: "Và ở Trung Đông, Mỹ đang trực tiếp hỗ trợ cuộc đàm phán và hòa giải chính trị này".

Ông chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ai Cập và các nước khác quan tâm đến lệnh ngừng bắn, đồng thời cho biết thêm rằng việc Mỹ rút lực lượng khỏi khu vực phía Đông sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Tel Aviv rằng "các lựa chọn của Washington trong giai đoạn này là chính trị".

Trên hết, Mỹ hiện có "các ưu tiên chiến lược khác nhau" liên quan đến Nga, xung đột Ukraine, EU và Trung Quốc.

Giáo sư Yousef nhấn mạnh: "Họ không thể duy trì lực lượng khổng lồ này ở phía đông Địa Trung Hải vì họ gặp một số thách thức ở Biển Đỏ".

Trong khi đó, Washington khẳng định với các đồng minh Israel rằng họ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực với việc tàu USS Dwight Eisenhower được triển khai ở Vịnh Aden gần Yemen để ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi.

Ngoài ra, tàu tấn công đổ bộ USS Bataan, tàu đổ bộ USS Carter Hall và tàu vận tải đổ bộ USS Mesa Verde hiện đang hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải.

Iran làm nóng Biển Đỏ

Tuy nhiên, tình hình có thể còn trở nên phức tạp hơn sau khi lực lượng Mỹ chạm trán với tàu Houthi ở Biển Đỏ cuối tuần qua. Ba tàu Houthi bị quân đội Mỹ đánh chìm, khiến Iran có động thái mới ngay ngày hôm sau sau cuộc đụng độ Mỹ-Houthi.

Hãng tin Tasnim của Iran cho biết: "Tàu khu trục Alborz đã tiến vào Biển Đỏ sau khi đi qua eo biển Bab al-Mandeb. Lực lượng hải quân Iran đã hoạt động tại khu vực này để bảo vệ các tuyến hàng hải, đẩy lùi hải tặc và làm nhiều nhiệm vụ khác kể từ năm 2009".

Thông Iran không tiết lộ nhiệm vụ cụ thể và thời gian tàu Alborz sẽ hiện diện ở Biển Đỏ. Trong khi đó, hãng tin PressTV nói rằng Alborz thuộc biên chế Hải đội số 34 của Hải quân Iran, từng tham gia các nhiệm vụ tuần tra Vịnh Aden và eo biển Bab Al-Mandab cùng tàu hậu cần Bushehr từ năm 2015.

Hạm đội 5 hải quân Mỹ, đơn vị phụ trách khu vực Trung Đông và Biển Đỏ, từ chối bình luận về hoạt động của chiến hạm Iran.

Alborz là một trong ba tàu chiến lớp Alvand do Anh chế tạo và bàn giao cho Iran từ đầu thập niên 1970. Tehran đã nâng cấp và gọi chúng là "tàu khu trục", nhưng giới chuyên gia cho rằng kích thước và vũ khí của lớp Alvand nằm trong nhóm tàu hộ vệ hạng nhẹ.

Vũ khí chính của tàu là 8 tên lửa diệt hạm Noor với tầm bắn trên 200 km, tàu còn có bệ pháo và súng máy, cùng súng cối và hai cụm ống phóng ngư lôi.

Dù năng lực chiến đấu của Alborz không được đánh giá quá cao nhưng theo giáo sư Yousef, sự xuất hiện của chiến hạm này mang đến nhiều nguy cơ và rủi ro cho Mỹ cùng đồng minh trong khu vực nếu Washington có tính toán và hành động sai lầm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ