Ươm mầm xanh nơi gian khó

GD&TĐ - Nhiều thầy cô ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã tình nguyện viết đơn lên xã vùng cao dạy chữ, gieo ước mơ giữa đại ngàn.

17 năm thanh xuân của cô Thanh đã gắn bó với học trò dân tộc. Ảnh: Hoàng Vinh
17 năm thanh xuân của cô Thanh đã gắn bó với học trò dân tộc. Ảnh: Hoàng Vinh

Xung phong “cõng” chữ lên non

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trà Ka (xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) là một trong những trường xa nhất của huyện Bắc Trà My, với hơn 375 học sinh người Cor, Ca Dong, Mường… Trường có 4 giáo viên tình nguyện viết đơn xin lên dạy học, cùng ước nguyện gieo yêu thương, con chữ cho học trò vùng khó.

Cô Đỗ Thị Hà Thanh - giáo viên môn Mỹ thuật, một trong số thầy cô tình nguyện lên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka dạy học, tâm sự: “17 năm thanh xuân gắn bó với học trò dân tộc nên tôi hiểu tâm lý, tình cảm, suy nghĩ và hoàn cảnh gia đình các em. Mặt khác, mẹ cũng là giáo viên miền núi, nên tôi muốn được nối gót, tiếp tục “truyền lửa” cho học sinh nơi đây.

Vui tươi trong tiết học. Ảnh: Hoàng Vinh

Vui tươi trong tiết học. Ảnh: Hoàng Vinh

“Đối với giáo viên vùng cao, dạy điểm trường lẻ, nhiều người phải sống xa gia đình, người thân. Tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, họ kiên trì bám trụ ở các thôn bản xa xôi, để nuôi giấc mơ truyền đạt tri thức tới học trò được trọn vẹn. Các thầy cô bám nghề một phần vì cuộc sống nhưng trước hết phải có tình yêu nghề, sự hy sinh cao cả. Từ tình thương với học trò đã hóa giải khó khăn, thử thách trên con đường “cõng” chữ lên non. Chúng tôi trân trọng sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo…”

Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My

Được gặp và trò chuyện với học sinh hằng ngày giúp tôi hiểu thêm cuộc sống của người dân và học sinh còn chịu nhiều thiếu thốn, việc học tập vì thế cũng thiệt thòi.

Công tác ở môi trường mới chắc chắn là thử thách, nhưng tôi tin đó không phải là rào cản bởi khi viết đơn lên đây, bản thân và đồng nghiệp đã xác định những khó khăn đón chờ phía trước. Chúng tôi sẽ chuyên tâm dạy thật tốt để giúp trò có nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc”.

Lớp 4/2 do cô Nguyễn Thị Trúc chủ nhiệm. Cô là giáo viên trẻ nhất ở trường, vừa thi đỗ viên chức đã viết đơn tình nguyện xin lên núi dạy học. Đáng khâm phục khi cô Trúc đang mang thai tháng thứ 2, vẫn quyết tâm “gieo” ước mơ cho trò giữa đại ngàn.

Những ngày đầu lên núi dạy học, cô nhớ nhà và sợ lúc đêm về khi xung quanh là một màu đen đặc. Thế nhưng điều đó không khiến nữ nhà giáo nao núng, hay xuất hiện ý nghĩ bỏ trường, lớp. Chỉ sau 3 tuần, cô quen với cuộc sống tại trường như bao học sinh, phụ huynh trong thôn.

“Dù cuộc sống khó khăn, công việc bận rộn nhưng mỗi khi lên lớp, chúng tôi được tiếp thêm tinh thần lạc quan, yêu đời bởi các em vô cùng trong sáng, ngoan ngoãn, sẵn sàng tiếp thu kiến thức.

Dù chỉ là điều đơn sơ, bình dị của học trò nhưng cũng trở thành nguồn động lực để tôi và đồng nghiệp thêm nhiệt huyết, gắn bó với công việc. Chúng tôi tâm niệm, nếu ai cũng sợ thiếu thốn, khó khăn mà chùn bước thì học sinh nơi đây sẽ đi đâu, về đâu?”, cô Nguyễn Thị Trúc bộc bạch.

Tiết Âm nhạc tại điểm trường thôn 2, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka. Ảnh: Hoàng Vinh

Tiết Âm nhạc tại điểm trường thôn 2, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka. Ảnh: Hoàng Vinh

Yêu thương hóa giải nhọc nhằn

Cách điểm trường chính khoảng 6km, con đường đất đỏ, lên xuống khúc khuỷu dẫn tới điểm lẻ Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka nằm tại thôn 2 xã Trà Ka. Dừng chân trước cổng trường, lời bài hát “Dàn nhạc trong vườn” được 12 học sinh lớp 2 thể hiện sau khi cô giáo Nguyễn Thị Minh Thư (SN 1990) dạy môn Âm nhạc bắt nhịp khiến khung cảnh nơi đây vốn vắng lặng bỗng rộn ràng.

Điểm trường có 2 lớp học/25 học sinh dân tộc Cor, Ca Dong… Thực tế tới điểm trường mới thấy sự nỗ lực, cống hiến của giáo viên vùng cao Bắc Trà My là không kể hết. Chỉ có tình yêu nghề, yêu người mới giúp thầy cô vượt lên gian khổ, hy sinh thầm lặng để “gieo chữ trồng người”.

Cô Minh Thư tâm sự: “Từ nhà tôi đến trường khoảng 60km. Khi viết đơn xin chuyển công tác lên miền núi, tôi cũng lo lắng bởi 2 con đang tuổi ăn, học. Tôi đi dạy xa, các con sẽ không có mẹ chăm sóc hằng ngày. Rất may, chồng và gia đình hiểu nên động viên, hỗ trợ để tôi được thỏa tâm nguyện cống hiến cho nghề”.

Do học sinh hầu hết ở xa nên thầy cô đã vận động phụ huynh cho con em ở lại trường. Điều đó đồng nghĩa các cô cũng phải ở lại để nuôi dạy, quản lý học trò. “Những lúc chăm sóc học sinh, tôi thấy mình giống như được chăm chút cho những đứa con ruột.

Đôi khi tôi chạnh lòng, thương chồng, con thiếu bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ, nhưng biết làm sao khi tôi đã yêu và chọn nghề giáo. Nhớ con, nhớ gia đình, bản thân chỉ biết tranh thủ lúc rảnh rỗi gọi điện về hỏi thăm rồi quay lại lớp học với tất cả tâm huyết, tình yêu thương học trò”, cô Thư trải lòng.

Cũng theo cô Thư, âm nhạc như cầu nối giúp cô thêm gần gũi với học trò. Học sinh dù còn rụt rè, sợ người lạ (kể cả giáo viên), nhưng khi tập và dạy các em hát thì khoảng cách ấy tan biến. Cứ thế, cô và trò gần gũi và yêu thương nhau hơn.

Trong đợt chuyển công tác lên huyện Bắc Trà My lần này còn có các cô giáo mầm non. Cô Đỗ Thị Bích Đào - giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Giác (xã Trà Giác) có 16 năm dạy trẻ, trong đó hơn 10 năm “cắm bản”.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, với mong muốn cống hiến thanh xuân nơi miền khó, cô giáo trẻ xung phong dạy tại Trường Mẫu giáo Tuổi thơ thuộc xã Trà Bui, nơi xa nhất của huyện Bắc Trà My.

“Năm 2008, đường đi Trà Bui vô cùng khó khăn. Vào mùa mưa, để vận động học sinh ra lớp, chúng tôi phải lên nương, rẫy mới gặp được gia đình. Nhiều khi, tôi phải đi từ tờ mờ sáng rồi chờ đến tối muộn để gặp và vận động phụ huynh đưa con đến lớp”, cô Đào nhớ lại.

Năm 2018, cô Đào được chuyển về Trường Mẫu giáo Vàng Anh (thị trấn Bắc Trà My). Nhưng đến năm học 2023 - 2024, một lần nữa cô lại viết đơn xin lên xã vùng cao Trà Giác công tác. Cô cho biết, xa nhà, gặp nhiều khó khăn, nhưng một khi đã yêu công việc, con trẻ thì mọi khó khăn sẽ được hóa giải, tan biến.

Cô Nguyễn Thị Trúc viết đơn tình nguyện lên miền núi giảng dạy khi đang mang thai. Ảnh: Hoàng Vinh

Cô Nguyễn Thị Trúc viết đơn tình nguyện lên miền núi giảng dạy khi đang mang thai. Ảnh: Hoàng Vinh

Trân trọng những hy sinh thầm lặng

Thầy Phan Duy Biên – Hiệu trưởng PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka cho biết, những giáo viên tình nguyện viết đơn xin lên dạy học tại trường miền núi luôn được ban giám hiệu trân quý.

“Với đặc thù trường vùng khó, học sinh dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ khi giáo viên trực tiếp đứng lớp mới hình dung và thấu hiểu hết những vất vả, từ đó có sự sẻ chia, giúp đỡ hiệu quả”, thầy Biên bày tỏ. Theo thầy Biên, nếu giáo viên nào nhà xa sẽ được bố trí ở khu nội trú; cùng đó, ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, động viên, đồng hành cùng thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ngày nghỉ cố định cuối tuần, ban giám hiệu sẽ cố gắng sắp xếp có thêm một ngày nghỉ trong tuần (không bố trí tiết dạy) để thầy cô tiện về thăm gia đình, chăm sóc con cái. Dù chỉ là sự quan tâm nhỏ nhưng cũng giúp giáo viên yên tâm công tác..

Còn theo cô Trịnh Thị Liễu – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Giác, trường thuộc vùng khó của huyện, với 208 trẻ và 7 điểm trường (1 điểm chính và 6 điểm lẻ). Trong đó có 2 điểm lẻ không điện, sóng, đường giao thông.

Cô giáo Đỗ Thị Bích Đào trong tiết dạy nhận biết về các bộ phận cây xanh cho trẻ. Ảnh: Hoàng Vinh

Cô giáo Đỗ Thị Bích Đào trong tiết dạy nhận biết về các bộ phận cây xanh cho trẻ. Ảnh: Hoàng Vinh

“Đường vào các điểm trường vất vả nhưng với tình yêu thương trẻ vùng cao, nhiều giáo viên vẫn tình nguyện viết đơn lên đây. Tôi thực sự xúc động, khi các cô mang hơi ấm, tình thương, sẻ chia đến những đứa trẻ miền núi. Sự xuất hiện của họ là niềm động viên, khích lệ với đội ngũ giáo viên công tác nơi đây. Tất cả tạo thành động lực để cùng nhau phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, cô Liễu thông tin.

Năm học 2023 - 2024, huyện Bắc Trà My có hơn 11 nghìn học sinh với 39 trường học. “Trước thềm năm học mới, hàng chục giáo viên đã viết đơn tình nguyện lên núi dạy học. Chúng tôi trân trọng sự sẻ chia khó khăn này của thầy, cô đối với ngành Giáo dục ở thời điểm hiện tại.

Điều đó thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của thầy cô với ngành và đặc biệt là học trò vùng khó. Mỗi thầy cô đã góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp của ngành Giáo dục Quảng Nam, đó là luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi; không nề hà gian khó, quyết tâm bám trường, lớp để truyền dạy kiến thức, kỹ năng, chăm sóc, dạy dỗ học sinh”, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nói.

“Gắn bó với miền núi quen rồi, năm học này, tôi tiếp tục xin chuyển lên Trà Giác. Để ươm mầm xanh nơi vùng cao, giờ đây giáo viên không chỉ dừng lại ở “ba cùng” mà còn phải “bốn cùng”, đó là: Cùng ăn, ở, làm và sử dụng tiếng bản địa với trẻ. Hằng ngày, từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, lo bữa ăn, giấc ngủ đến dạy nói, múa hát, chữ cho trẻ, đều được các cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính con mình”. - Cô Đỗ Thị Bích Đào - giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Giác (xã Trà Giác, Bắc Trà My, Quảng Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.