Giáo viên vùng cao mong chờ ngày đối thoại với Bộ trưởng

GD&TĐ - Nhiều giáo viên vùng cao Sơn La đang háo hức chờ ngày diễn ra Hội nghị đối thoại trực tuyến với Bộ trưởng để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

Giáo viên vùng cao mong mỏi được tăng lương, để bảo đảm thu nhập trong gia đình.
Giáo viên vùng cao mong mỏi được tăng lương, để bảo đảm thu nhập trong gia đình.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã cho biết: Từ khi tiếp nhận thông báo và chỉ đạo từ lãnh đạo Sở về Chương trình đối thoại của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn với cán bộ quản lý, giáo viên qua hình thức trực tuyến, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo UBND huyện. Đồng thời thông báo đến toàn thể giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường trên địa bàn đóng góp ý kiến. Phòng mong muốn giáo viên nói lên tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc gặp phải trong quá trình giảng dạy, quản lý tại trường học.

"Nhìn chung các giáo viên đều nêu ý kiến trùng nhau là tăng lương, tăng trợ cấp, có chính sách đặc thù cho giáo viên cắm bản và giảng dạy tại các xã vùng sâu, vùng xa. Bởi, chế độ lương bây giờ thấp và không bảo đảm mức sống thực tế. Giáo viên hầu như dành toàn bộ thời gian giảng dạy cho học sinh, soạn bài, còn hè thì phải tập huấn, tuy nhiên chế độ lương không tương xứng. Thiết nghĩ cần có chính sách cấp bách dành cho giáo viên. Từ đó, giúp các thầy cô yên tâm và cống hiến với nghề giảng dạy", ông Viên chia sẻ.

Thầy Vì Văn Nghiệp, giáo viên Trường mầm non xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn cho hay: "Trong đợt đối thoại trực tuyến với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi mong Bộ trưởng kiến nghị với Chính phủ có chính sách tăng lương cho giáo viên. Vì nghề giáo viên mầm non hiện tại gặp khá nhiều áp lực trong giảng dạy, tuy nhiên thù lao thấp".

Hiện một số giáo viên đang gặp vướng mắc, bất cập về quá trình thăng hạng bậc lương.

Hiện một số giáo viên đang gặp vướng mắc, bất cập về quá trình thăng hạng bậc lương.

Còn cô Lê Thị Diệu Linh, giáo viên trường Tiểu học - THCS Chiềng Mung, huyện Mai Sơn cho hay: "Tôi mong Bộ trưởng giải quyết vướng mắc về tăng hạng lương cho giáo viên. Cá nhân tôi và các giáo viên khác có bằng cao đẳng nhưng lại hưởng lương trung cấp 1,86. Không biết bao giờ mới được hưởng lương cao đẳng".

"Có đồng nghiệp của tôi đi học nâng bằng lên đại học nhưng vẫn hưởng lương cao đẳng. Tôi mong Bộ trưởng và lãnh đạo ngành giáo dục giải quyết vướng mắc này, để chúng tôi được hưởng lương cao hơn và đúng với công sức của mình. Đồng thời, chúng tôi sẽ yên tâm công tác và công hiến sức trẻ với nghề gieo con chữ ở vùng cao", cô Linh nói.

Bà Đinh Thị Sen, Hiệu trưởng Mầm non xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn bộc bạch: "Trong các cấp giảng dạy, cấp mầm non là nhiều vất vả hơn. Các giáo viên phải chăm lo đến từng miếng ăn giấc ngủ của các con, nhưng chế độ lương và trợ cấp thì thấp. Không những vậy, giáo viên còn phải di chuyển đến các điểm trường vùng sâu, vùng xa giảng dạy rất vất vả. Do công việc đặc thù, tôi mong lãnh đạo Bộ quan tâm, giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Bởi, đối với cấp mầm non khi bước sang tuổi 50 thì sức khoẻ yếu, không còn hoạt bát, nhanh nhẹn để chăm sóc và giảng dạy trẻ nhỏ nữa".

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho hay: "Để chuẩn bị tốt cho ngày diễn ra hội nghị đối thoại trực tuyến với Bộ trưởng, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố bố trí máy móc, phòng họp chu đáo. Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo phòng GD&ĐT thông báo đến Ban giám hiệu trường lấy ý kiến và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo viên. Qua đó, lập danh sách, thống kê các ý kiến đó và chọn người đại diện phát biểu trực tuyến với Bộ trưởng".

"Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị cho buổi gặp gỡ, đối thoại trực tuyến với Bộ trưởng và lãnh đạo ngành giáo dục diễn ra ngày 15/8 về cơ bản đã được triển khai đúng kế hoạch đề ra. Chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các giáo viên, Ban Giám hiệu để kiến nghị với Bộ trưởng", PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ