(GD&TĐ) - Là xã biên giới, địa bàn rộng, cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) gần 40 km, giao thông khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều số hộ nghèo chiếm 71,9%, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục trên địa bàn xã Bản Máy.
Được sự quan tâm của Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương, đội ngũ cán bộ giáo viên trên địa bàn xã đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình, thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, ươm mầm non, "đem cái chữ" về với bản làng nơi biên cương.
Ươm những mầm non...
Cô giáo Trương Thị Chấm, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Bản Máy, cho biết: Trường có 15 giáo viên, 2 cán bộ quản lý, 1 cán bộ y tế; 100% giáo viên có trình độ chuẩn, 20% có trình độ trên chuẩn và 66% số giáo viên đang theo học hệ Cao đẳng, Đại học. Năm học 2011- 2012 này, toàn trường có 149 cháu (nhà trẻ và mầm non, là dân tộc Mông, Tày, La Chí, Phù Lá,..), học tại trường chính, và 4 điểm Lùng Cẩu, Bản Pắng, Mã Tẻn và Lao Sán.
Bước vào năm học trường đã triển khai đến tập thể giáo viên về nhiệm vụ năm học, đặc biệt là nhiệm vụ chuyên môn. Phối hợp với cấp uỷ, chính quyên, đoàn thể xã tuyên truyền phụ huynh cho trẻ đi học đều. Lên kế hoạch thực hiện chuyên đề theo từng chủ điểm, do trẻ ít tiếp cận thông tin, các cô sử dụng những từ ngữ dễ hiểu, gần gũi trẻ, động viên trẻ phát uy tính tích cực, sáng tạo của trẻ, thay đổi các hình thức tổ chức trò chơi, phát hiện nhận thức của trẻ để có biện pháp điều chỉnh phương pháp dạy.
Để đầu tư trang thiết bị dạy học, BGH và Công đoàn trường, luôn khuyến khích giáo viên làm đồ dùng đồ chơi, sáng tạo trong giảng dạy phù hợp với thực tế địa phương. Ngoài vật liệu làm đồ dùng dạy học có ở địa phương, mỗi ngày nghỉ, kỳ nghỉ, các cô lại ra huyện, về quê, tranh thủ sưu tầm vật liệu làm đồ chơi, trang trí lớp, trang trí góc đẹp hấp dẫn, sáng tạo phù hợp với chuyên đề chủ điểm.
Qua thực tế các cô thấy được sự thoải mái khi tự mình lựa chọn bài dạy, tự mình đạt mục đích yêu cầu cho từng bài sao cho phù hợp với khả năng nhận thức của các cháu ở nhóm mình phụ trách. Cũng chính từ đó, giờ học trở lên nhẹ nhàng hơn, mềm dẻo hơn, trẻ cũng tiếp thu bài tốt hơn, ham thích đến lớp, nhất là trẻ ở các điểm khó khăn.
Các cô cháu trường mầm non Bản Máy |
...Và Mô hình bán trú dân nuôi.
Xa trung tâm huyện lỵ, giao thông hết sức khó khăn, địa bàn xã rộng, có xóm cách trung tâm xã 3-4h đi bộ.
Cũng do nhu cầu học tập ở xã ngày càng cao, mô hình Bán trú dân nuôi (hệ mầm non) và Nội trú dân nuôi (hệ tiểu học và THCS) ở xã đã hình thành, với phương châm chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh cùng thực hiện.
Kỳ 2 của năm học 2010- 2011, trường Mầm non thí điểm mô hình hệ bán trú với 60 cháu, tại trường chính(thuộc xóm Bản Máy). Thực hiện với 2 phương án: phụ huynh nấu cơm mang đến cho trẻ, đóng góp bằng tiền mức 25.000đ/4 ngày/tuần, 80.000đ/tháng/trẻ. Hoặc thu bằng gạo, ngô theo giá thị trường, với 2 phương thức này, mô hình đã tổ chức thực hiện tốt.
Trên cơ sở đó, năm học 2011- 2012, nhà trường đã triển khai đại trà. Tại trường chính có 73/ 87 cháu thuộc diện bán trú(ngoài các cháu tại xóm Bản Máy, năm học này lớp bán trú, có thêm các cháu ở cụm Hoa Si Pan và Tà Chải) điểm Mã Tẻn có 14 cháu.
Trước ngày khai giảng, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, tiếp thu ý kiến nguyện vọng của phụ huynh, thông báo chế độ con em được hưởng theo Thông tư 49 và 29 của Chính phủ, trẻ 5 tuổi được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn 120.000đ/tháng/trẻ; với trẻ dưới 4 tuổi, đóng góp 100.000đ/tháng/trẻ.
Các cháu học bán trú tạo sự yên tâm cho các bậc phụ |
Ông Nguyễn Xuân Binh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ nguồn kinh phí của địa phương và sự ủng hộ của bà con, xã đã mua dụng cụ xoong nồi, đóng phản nằm, mua chăn màn cho các cháu ở nội trú(tiểu học, THCS)bán trú(mầm non).
Cùng với mầm non, năm học 2011- 2012 này, ở cấp tiểu học, THCS Bản Máy cũng có số lượng học sinh nội trú đông nhất từ trước đến nay, điều đó khẳng định nhận thức của bà con trong việc cho con học chữ, mở mang kiến thức. Hầu hết học sinh nội trú đều có hoàn cảnh khó khăn, việc lo lương thực, thực phẩm cho con khi đến trường là cả sự cố gắng hết sức của các gia đình, có gia dình không lo thiếu ăn, mà chỉ lo con bị thiếu học.
Ở điểm Mã Tẻn, Cô trần Thị Thanh, Hiệu phó trường Mầm non, cho biết: có 14 cháu cả độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, do không đủ điều kiện tổ chức nấu ăn tập trung, giờ ăn trưa, các phụ huynh mang cơm, cháo đến cho các cháu.
Các phụ huynh đều có chung nhận xét: Rất yên tâm khi gửi trẻ, bởi khi về nhà, các cháu ngoan ngoãn, lễ phép, sạch sẽ, biết thêm nhiều điệu múa, bài hát.
Còn đó những khó khăn
Qua vận hành, mô hình nội trú dân nuôi ở xã Bản Máy cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đối với bậc mầm non, bởi cơ sở vật chất chưa đảm bảo, đời sống của học sinh rất khó khăn. Có nhiều hộ khó khăn, đóng góp cho việc bán trú hạn chế, ngôn ngữ bất đồng, nhiều cháu khi đến học còn chưa biết tiếng phổ thông. Trường mầm non thiếu nhân viên phục vụ, phải thuê người nấu cơm, giáo viên kiêm nhiệm. Tại trường chính: số trẻ đông, thiếu phòng học, phải học nhờ 3 phòng học cũ của trường tiểu học; 4 điểm trường mầm non cũng chưa có nhà cho lớp học: Điểm Mã Tẻn học nhờ nhà cũ của Trạm biên phòng, điểm Lùng Cẩu học nhờ nhà trụ sở thôn, 2 điểm Lao Sán và Bản Pắng thì học nhờ trường tiểu học.
Ngoài ra là những khó khăn rất “đặc trưng” ở Hà Giang, đó là thiếu thốn về nguồn nước, giao thông cách trở nên việc mua bán lương thực phẩm phục vụ bữa ăn cho trẻ và học sinh bán trú gặp nhiều khó khăn.
Để mô hình nội trú dân nuôi, bán trú dân nuôi ở Bản Máy nói riêng và Hoàng Su Phì nói chung, được duy trì và phát huy hiệu quả hơn, rất cần sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đầu tư, tạo điều kiện cho con em đến trường yên tâm học tập.
Phương Hoa-Nguyên Ngọc