Ươm mầm cho đất nước

GD&TĐ - Đã trở thành truyền thống, mỗi năm trước ngày 20/11, những thầy cô tiêu biểu nhất, đại diện hàng triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mọi miền đất nước lại tụ hội trong loạt chương trình vinh danh nhà giáo.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Loạt chương trình vinh danh nhà giáo do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.

270 thầy cô tham gia chương trình năm nay là từng ấy câu chuyện có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, gắn với bối cảnh giáo dục đặc biệt giữa cơn “sóng thần” Covid-19. Trong đó có những thầy cô không quản khó khăn, vất vả và những nguy cơ có thể gặp phải, sẵn sàng tình nguyện vào cách ly tập trung cùng học trò.

Có hiệu trưởng tự nguyện “mất Tết” để cùng học trò đi cách ly. Nhiều thầy cô mồ hôi ướt đầm trong bộ đồ kín mít giữa ngày hè nắng như đổ lửa, không màng hiểm nguy để cùng các lực lượng dập dịch tại địa phương. Những thầy giáo - thầy thuốc quên mình cứu chữa bệnh nhân giữa làn sinh tử… là hình ảnh vô cùng đẹp đẽ về tình yêu nghề, yêu người, nghĩa đồng bào và tấm lòng của những người làm nghề giáo, cao quý và dung dị.

Cũng có thầy cô rời xa quê hương, gia đình lên cắm bản tại điểm trường heo hút, xa xôi; vì chăm lo cho học sinh vùng khó mà chấp nhận điều kiện sống, điều kiện làm việc dưới mức tối thiểu và có khi cả năm không thể về thăm gia đình. Có cô giáo trong điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng không ngần ngại đưa học trò về ở cùng, chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ để em không mất đi cơ hội học tập và phát triển tài năng. Rồi có thầy cô không chỉ miệt mài dạy học, mà còn dành tâm sức vận động cộng đồng, giúp rất nhiều học sinh nghèo không gián đoạn ước mơ được học tập… Rất nhiều cống hiến thầm lặng như vậy, đơn giản chỉ vì tình yêu nghề, yêu trẻ đã lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, góp phần quan trọng giúp ngành Giáo dục vượt qua muôn vàn thách thức trong đại dịch.

Có thể nói, kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thời điểm khó khăn vừa qua ghi dấu ấn đậm nét công sức lao động, tâm huyết của các nhà giáo. Hàng triệu thầy cô đã nỗ lực vượt qua rào cản về tuổi tác, thói quen, năng lực, điều kiện cơ sở vật chất để làm mới mình, đáp ứng yêu cầu cao hơn của công cuộc đổi mới giáo dục và chuyển đổi số; giúp ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới, kiên trì với mục tiêu chất lượng, hoàn thành kế hoạch năm học, bên cạnh tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong buổi tiếp kiến Thủ tướng, được trực tiếp chia sẻ, nêu nguyện vọng với người đứng đầu Chính phủ và Bộ GD&ĐT, thầy cô dù đang công tác ở những vùng khó khăn nhất vẫn bày tỏ niềm hạnh phúc, tình yêu với nghề giáo, dẫu còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Các thầy cô chẳng kể về mình, cũng không nêu mong cầu cho bản thân mà chỉ nghĩ đến học trò, đến cái chung để trò có điều kiện học tập tốt hơn.

Chủ đề Chương trình “Thay lời tri ân” năm nay là Gieo mầm. Có lẽ các thầy cô không chỉ gieo mầm, ươm mầm, mà còn là người cần mẫn giáo dục, bồi dưỡng, để những mầm non - tương lai của đất nước - ngày càng lớn dần, hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, phẩm chất và tri thức. Nhiệm vụ trọng đại này được thầy cô thực hiện với tất cả nhiệt huyết, trong bất kể hoàn cảnh nào, khi có chiến tranh, thời bình, hay thiên tai, dịch bệnh… Chính các thầy cô đã khiến nghề làm thầy trở thành “cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.